Thông tư số 44/2011/TT-BGDĐT ngày 10/10/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về chế độ thỉnh giảng trong các cơ sở giáo dục.
Thứ hai, 10/10/2011 07:09 (GMT+7)
Nếu như trước đây, thời gian thỉnh giảng trong một năm học tại các cơ sở giáo dục đại học của một nhà giáo, nhà khoa học đang làm việc ở cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức quy định, nhưng không vượt quá 40% số giờ chuẩn định mức giảng dạy trong một năm học của chức danh giảng viên tương ứng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng đủ để dạy một môn học.
Thì với việc ban hành Thông tư này, tổng số giờ thỉnh giảng trong một năm học của một nhà giáo thỉnh giảng không còn bị giới hạn trong 40% số giờ chuẩn nữa; tuy nhiên, tổng thời gian thỉnh giảng vẫn không được vượt quá tổng định mức giờ giảng dạy và giờ dạy thêm theo quy định của pháp luật đối với nhà giáo trong biên chế, nhà giáo cơ hữu thực hiện cùng nhiệm vụ.
Về điều kiện giáo viên tham gia thỉnh giảng các môn học, các chuyên đề được quy định trong chương trình để lấy văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân, nhà giáo thỉnh giảng phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định tại khoản 2 Điều 70 Luật Giáo dục; giáo viên thỉnh giảng là giáo viên trong biên chế, giáo viên cơ hữu của cơ sở giáo dục mầm non hoặc cơ sở giáo dục phổ thông thì phải đạt chuẩn nghề nghiệp giáo viên của cấp học mà nhà giáo đó thỉnh giảng.
Đối với việc giảng dạy chương trình bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học tại trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo viên thỉnh giảng phải đạt trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24/12/2011 và thay thế cho Quyết định số 54/2008/QĐ-BGDĐT ngày 24/09/2008 ban hành Quy định về chế độ thỉnh giảng tại cơ sở giáo dục.
Nguồn: Luatvietnam.vn
nguyenthuhang