Thủ tướng khẳng định: Việt Nam coi phát triển mạnh mẽ kinh tế biển đi đôi với bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển là định hướng chiến lược phát triển, với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế, khuyến khích sử dụng và phát triển năng lượng sạch, tiến hành các dự án tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, kiên quyết chống xả thải gây ô nhiễm.
Hội thảo “Phát triển năng lượng gắn với bảo vệ môi trường vì phát triển bền vững ở Việt Nam” do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, phối hợp với Trung tâm phát triển sáng tạo xanh” tổ chức mới đây tại Hà Nội, đã đồng lòng, nhất trí, Việt Nam sẽ tập trung phát triển năng lượng tái tạo, có thể cắt giảm 30.000 MW nhiệt điện than. Sự khẳng định này có được là nhờ ý thức sâu xa về bảo vệ môi trường và sự khảo nghiệm thực tế đi đến dự tính: từ sau năm 2020 Việt Nam có khả năng không cần xây thêm các nhà máy nhiệt điện than mới vẫn đảm bảo được hệ thống năng lượng an toàn và khả thi về kinh tế. Chính phủ đang chuẩn bị xây dựng quy hoạch điện VIII. Đây là cơ hội để điều chỉnh cơ cấu nguồn điện, giúp giảm ô nhiễm môi trường, đảm bảo một lộ trình phát triển năng lượng phù hợp với mục tiêu thỏa thuận Paris. Làm được việc này, Việt Nam có thể đủ điện dùng mà vẫn đảm bảo môi trường và sức khỏe cho người dân. Chuyển dịch sang năng lượng xanh là rất quan trọng và cần thiết bởi Việt Nam là một trong số ít các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Hơn nữa phát triển xanh là hướng đi thông minh cho Việt Nam, một quốc gia có tiềm năng năng lượng tái tạo dồi dào, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng vừa có công văn khẳng định sự không đồng ý với đề nghị của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3 xin nhận chìm bùn thải xuống biển, vì sẽ gây ô nhiễm nặng môi trường biển, không còn phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật về nhận chìm ở biển. Vấn đề hệ trọng là vị trí được xác định để đổ vật liệu nạo vét mà chủ dự án đưa ra là không đảm bảo yêu cầu quy định tại khoản 4 điều 57 Luật Tài nguyên và môi trường biển và hải đảo, vì vị trí này có khoảng cách quá gần khu bảo tồn biển Hòn Cau, có thể gây tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái biển tại khu vực này và các cơ sở sản xuất giống thủy sản. Khu bảo tồn biển Hòn Cau là nơi có tính đa dạng sinh học cao, được quy hoạch nhằm duy trì bảo vệ hiệu quả đa dạng sinh học biển, bảo vệ môi trường sinh thái. Nói chung bất kỳ loại chất thải nào đổ ra biển cũng làm phủ trùm vĩnh viễn ảnh hưởng nền đáy, ảnh hưởng đến hệ sinh thái nền đáy.
Qua các hoạt động, khẳng định, họp bàn như kể trên, có thể thấy vấn đề bảo vệ môi trường đang rất được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều bộ ngành, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế và đông đảo các tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm, muốn cùng nhau tìm các giải pháp hữu hiệu chống ô nhiễm, bảo vệ tốt nhất môi trường sống. Vấn đề này cũng là chủ đề nóng nghị trường tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Nhìn chung, các câu chất vấn cũng như trả lời chất vấn đều xoay quanh việc phản ảnh thực tại đáng báo động về ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tìm cách nào để hạn chế tác hại, tiến tới làm trong sạch môi trường với mức độ cao nhất. Chẳng hạn về tình trạng ô nhiễm bụi ở những thành phố lớn, cứ 10 ngày thì người dân Hà Nội có đến 9 ngày hít thở không khí bụi quá mức cho phép. Hay mặt nước ao, hồ, sông suối, mặt đất, đường làng, đường phố, quốc lộ đang ngày càng bị ô nhiễm ghê gớm do rác thải, phế liệu, nước thải, trong khi việc xử lý rác thải, nước thải đang có nhiều khó khăn, bất cập, vượt quá khả năng xử lý của các cấp chính quyền địa phương. Cũng cần sớm tìm giải pháp xử lý phế liệu là bao bì thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ ban hành kế hoạch kiểm soát ô nhiễm trong cả nước, các địa phương sẽ đầu tư hệ thống giám sát môi trường không khí. Song, Bộ trưởng Hà cũng thừa nhận: ô nhiễm môi trường nói chung và lưu vực sông nói riêng đang là xu thế, nhưng chưa đảo ngược được, với các nguồn thải từ các nhà máy, khu công nghiệp, các bộ ngành, địa phương có tiến hành kiểm soát. Cái khó là mỗi năm chúng ta có tới 12 triệu tấn rác thải và mỗi năm tăng bình quân 9%, tương đương 1 triệu tấn. Chúng ta đã sử dụng một lượng vốn lớn từ ngân sách nhà nước và vốn ODA cho các nhà máy và các doanh nghiệp xử lý nước thải, nhưng hiệu quả xử lý không cao. Rác thải không chỉ do các nguồn trong nước gây ra, mà còn do không kiểm soát kỹ nên rác phế liệu còn bị nhập khẩu ồ ạt,ách tắc kho bãi một số cảng biển, ngày đêm gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân là một số doanh nghiệp hám lợi, đã nhập phế liệu về tái chế thành nguyên liệu, rồi khi bị phát hiện việc nhập sai luật pháp, hoặc do thời gian giải quyết xong thủ tục nhập hàng quá dài, phí lưu kho tăng cao, nên họ bỏ của chạy lấy người. Theo cục Quản lý rủi ro, thuộc Hải quan, chỉ từ năm 2017 đến nay đã có hàng trăm vụ vi phạm nhập khẩu phế liệu bị phát hiện xử lý.
Qua chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội còn đặc biệt lo ngại về tình trạng ô nhiễm môi trường từ các nhà máy thép và khai thác quặng, gây ô nhiễm khói bụi, nguồn nước, một số nhà máy thép hệ thống xử lý chất thải đã xuống cấp, tạo ra nguy cơ lớn gây ô nhiễm môi trường và là thảm họa nếu để xảy ra vỡ hồ thải, hồ bùn đỏ. Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình bày với Quốc hội một số biện pháp để bảo vệ môi trường. Cùng lúc, nhiều bộ ngành cũng họp bàn đề xuất các giải pháp phòng chống ô nhiễm môi trường, như mới đây Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp sơ kết và bàn tiến hành tiếp chương trình Cùng nông dân bảo vệ môi trường, được khởi điểm từ năm 2012- 2013 và đạt được nhiều thành công trong việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hướng dẫn nông dân từ khâu sử dụng nông dược an toàn hiệu quả, đến khâu tiêu hủy vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật.Trước những lo ngại về ô nhiễm phóng xạ đến từ bên ngoài, ví như có những nhà máy điện hạt nhân nước ngoài xây dựng giáp Việt Nam, gây nguy cơ ô nhiễm rất lớn, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Chính phủ đã giao bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các trạm quan sát để luôn luôn theo dõi chính xác mức độ ô nhiễm từ các nguồn trên. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã làm việc với cơ quan hạt nhân quốc tế để thường xuyên có những đoàn thanh tra quốc tế, thực hiện kiểm soát quy chuẩn an toàn nhất. Vấn đề liên quan đến các nhà máy điện hạt nhân, theo Bộ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường, không chỉ chúng ta quan tâm mà cũng nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng thế giới.
Trung Vũ