Đây là công việc tiếp nối với những đề xuất bàn bạc đầy ý thức sáng suốt và cẩn trọng trong mấy năm trở lại đây xung quanh điều khoản hạn điền của Luật đất đai từng được ban hành đi, sửa đổi lại nhiều lần ở nước ta, song cho đến văn bản Luật đất đai ban hành năm 2013 với nhiều điều khoản sửa đổi, song riêng sự hạn điền thì vẫn giữ nguyên như các văn bản Luật đất đai đã ban hành các lần trước. Để rồi mấy năm nay càng gia tăng sự bức xúc của cả nền kinh tế lẫn dư luận xã hội về sự cản trở phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp của điều khoản hạn điền trong Luật đất đai. Đặt ra vấn đề là phải có sự thay đổi về mức độ hạn điền, trở thành sự quan tâm chung đòi hỏi cấp thiết của nhiều cơ quan quản lý kinh tế, chuyên gia nghiên cứu kinh tế, các doanh nhân, doanh nghiệp có ý hướng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và là cả ý nghĩ, hành xử của nhiều hộ nông dân khi họ hoặc bỏ ruộng hoang ra đô thị kiếm kế sinh nhai khác, hay sẵn sàng đem ruộng đất của nhà mình góp vào trang trại của người khác, hoặc cho chủ doanh nghiệp thuê, tham gia làm cổ phần của công ty kinh doanh nông nghiệp, một số hộ nông dân có khả năng tài chính thì muốn trở thành chủ doanh nghiệp nông nghiệp. Nhưng các ông chủ doanh nghiệp tương lai xuất thân nông dân đương đại này, hay các chủ doanh nghiệp thực thụ muốn đầu tư vào nông nghiệp, đều vấp phải khó khăn, ách tắc là lấy đâu ra diện tích ruộng đất đủ rộng để mình thực hiện ý đồ kinh doanh?
Rõ ràng là cùng với sự phát triển mạnh mẽ kinh tế trong nước, mở rộng hội nhập kinh tế thì sự bức bối, gò bó của hạn điền trong Luật Đất đai hiện hành càng tỏ rõ cũng như gia tăng. Chính sách kinh tế theo đà tiến của công cuộc đổi mới đang phát huy tác dụng của các chính sach cởi mở, sáng suốt, nhiều khi đột phá của Đảng, Nhà nước, của các luật kinh doanh và doanh nghiệp, sự khẳng định vai trò kinh tế tư nhân đã và đang đòi hỏi phải phát triển nông nghiệp nông thôn theo hướng gia tăng nhanh lượng và chất lượng hàng hóa, thông qua đổi mới quy mô sản xuất, áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ hiện đại. Nhưng những việc này vấp phải thực tế ruộng đất manh mún khiến cho không thể lập các trang trại lớn, có quy mô ruộng đất đủ cho các nhà máy trồng cây nguyên liệu hay xây dựng các cơ sở chế biến nông sản, nhà kính, tạo ra các khu nông nghiệp hữu cơ làm ra sản phẩm nông nghiệp xanh sạch. Thành ra dù đã rất nhiều cố gắng, song nông nghiệp nước ta vẫn chưa hàn toàn thoát khỏi sự nhỏ lẻ, thiếu quy mô tầm vóc để hiện đại hóa, kém xa các nước nông nghiệp tiên tiến trên thế giới. Trên phương diện kinh tế có thể thấy quy định hạn điền đã khiến phát triển nông nghiệp vấp phải rào cản lớn nếu muốn mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, khiến cho vốn đầu tư nông nghiệp mới chỉ ở mức 5,5% trên tổng vốn đầu tư, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng họ còn ngại sự hạn điền.
Muốn khắc phục tình trạng trên thì phải mở rộng hạn điền, có điều là mấy năm qua các giải pháp tháo gỡ hãy còn chung chung, rất may là sang năm nay đã có sự đề xuất cụ thể với hai phương án: một là nới rộng hơn 10 lần so với quy định của Luật đất đai 2013 về hạn điền, phương án hai là bỏ hạn điền. Ý kiến có tính thận trọng, cân nhắc nhiều điều của một số bộ ngành, cơ quan quản lý kinh tế và chuyên gia, nhiều hộ nông dân, thiên về hướng dùng phương án một là mở rộng hạn điền hơn 10 lần sẽ đáp ứng được nhu cầu tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp với quy mô lớn, song hạn chế được sự đầu cơ đất đai vì những động cơ phi nông nghiệp, lại vẫn giữ được cho số đông nông dân nếu còn yêu thích ruộng đất không dễ dàng rơi vào nguy cơ mất ruộng đất. Tuy nhiên nếu theo phương án một thì vẫn lại vẫn là giới hạn, không có thể tích tụ nhiều ruộng đất cho các dự án phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn. Trái với phương án một, phương án hai có thể đáp ứng đòi hỏi này, việc bỏ hạn điền sẽ giúp cho hộ gia đình, cá nhân, chủ doanh nghiệp muốn đầu tư vào kinh doanh nông nghiệp có quyền và có thể nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp theo nhu cầu và năng lực của mình không bị giới hạn bởi hạn mức sử dụng đất. Điều lo ngại với phương án hai là như thế sẽ xuất hiện giới đầu cơ tích trữ đất đai không chỉ dùng cho nông nghiệp mà còn dùng vào các mục đích khác, khiến cho nhiều hộ nông dân không còn đất để canh tác. Xét trên mọi phương diện thì chọn phương án một hay phương án hai đều không dễ, mỗi phương án đều có mặt mạnh, mặt yếu, tiềm ẩn lợi thế cũng như nguy cơ cho phát triển kinh tế nông nghiệp và đảm bảo cũng như nâng cao đời sống ở nông thôn. Vì không dễ chọn như vậy, tiến thoái lưỡng nan, nên năm 2013, khi chuẩn bị sửa đổi Luật đất đai 2003, vấn đề xóa bỏ, hay nới rộng mức hạn điền đã được đề cập, nhưng rồi không thể đưa vào việc sửa luật bởi vì chưa ai dám quyết việc này, ý kiến trong dân, kế cả với nông dân còn rất tản mác. Nên cuối cùng, năm 2013 khi thông qua Luật sửa đổi đất đai, Quốc hội vẫn phải giữ điều khoản về hạn điền vào quy định bộ luật.
Để rồi đến bây giờ vấn đề lại được đặt ra, song chọn giải pháp nào xem ra vẫn khó lắm thay, mà khó nhất có lẽ là với phương án xóa bỏ hẳn việc hạn điền. Tuy phương án này sẽ được nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp ủng hộ vì đây là tháo gỡ nút thắt đầu tiên để có rộng ruộng đất cho sản xuất lớn. Nhưng không ít nhà quản lý và giới chuyên gia lại lo xóa bỏ hạn điền lại dễ hình thành các đại gia đất đai, dùng đất đai kinh doanh nhiều thứ, thậm chí phát canh thu tô, tư nhân hóa đất đai trong thực tế, nhưng Hiến pháp 2013 vẫn quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước làm chủ sở hữu. Các mối quan hệ liên quan đến đất đai luôn là vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, xét việc bỏ, hay chưa bỏ hạn điền, hoặc nới rộng mức hạn điền đến đâu để tích tụ tập trung đất đai cho phát triển kinh tế nông nghiệp, theo ý kiến của các bộ liên quan trực tiếp đến vấn đề này, như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phải xử lý tốt cả ba yêu cầu về chính trị, kinh tế, xã hội,phải có các giải pháp đồng bộ để giải quyết tốt mối quan hệ hữu cơ giữa nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cụ thể như: chuyển dịch cơ cấu cơ chế nông thôn, chuyển đổi việc làm, chuyển dịch cơ cấu với một phần lao động ở nông thôn ra khỏi khu vực nông nghiệp, xây dựng các cơ chế khuyển khích các mô hình phù hợp với đời sống nhân dân, hợp tác xã, liên doanh liên kết giữa nông hộ với doanh nghiệp. Suy đi tính lại gì đi nữa dù là xóa bỏ hay mở rộng mức hạn điền thì cũng cần chọn giải pháp nào mở rộng được khả năng tích tụ ruộng đất cho phát triển kinh tế nông nghiệp, song vẫn giữ được các yêu cầu về chính trị, xã hội, tôn trọng Hiến pháp và xử lý tốt các mối liên quan đến các luật khác. Dư luận xã hội còn đang chờ xem.
Trung Vũ