Đây là điều mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ đã, đang đặc biệt quan tâm. Tại cuộc làm việc mới đây với 16 bộ ngành, thừa lệnh của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng là Bộ trưởng Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra cụ thể từng bộ ngành, xuống các địa phương, tới tận ngõ ngách về các thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp, vì nếu không làm được thế thì sự nhiêu khê thủ tục vẫn diễn ra, có cắt bỏ cái này lại mọc ra cái khác, nên phải quyết tâm dẹp bỏ các văn bản không phù hợp gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy thời gian qua một số Bộ ngành cũng đã có sự cắt bỏ một số thủ tục hành chính không phù hợp, song vẫn cần phải tiến hành việc rà soat, cắt bỏ sâu sát cụ thể hơn nữa, phải thực chất chứ không mang tính hình thức thuần túy như là chỉ sửa chữa câu chữ. Bởi vì trong thực tế tuy cũng đã có những cải cách thủ tục hành chính, nhưng nhiều điều kiện kinh doanh vẫn còn quy định chung chung, không rõ ràng cụ thể, như yêu cầu phải phù hợp, phải đủ, phải có đạo đức tốt, phải có trình độ, phải sạch sẽ thoáng mát,…mà cụ thể thế nào lại tùy thuộc vào ý hiểu, nhận thức, cách thức tiến hành của cán bộ kiểm tra. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng truyền đạt sự lưu ý của Thủ tướng về cắt giảm thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh gồm cắt giảm danh mục hàng hóa, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục và cắt giảm điều kiện kinh doanh. Đồng thời phải sớm chấm dứt sự chồng chéo trong quản lý giữa các bộ, nên quy về chỉ một đầu mối xử lý, hạn chế triệt để việc ban hành các thông tư để không còn cơ hội cho sự biến tướng của các giấy phép con.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng, một số Bộ ngành đã có nhiều cố gắng như, Bộ Công Thương đã mạnh tay cắt giảm nhiều thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh, Bộ Y tế xử lý những chồng chéo giữa các bộ về quản lý hàng hóa an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, theo thành viên Tổ công tác là Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, mục tiêu năm 2018 sẽ giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành từ hơn 30% xuống 15% , tỷ lệ này vẫn còn cao gấp đôi so với nhiều nước. Nhận xét của nhiều cán bộ quản lý và chuyên gia kinh tế là hiện vẫn còn nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu mà các bộ ngành chưa xem xét kỹ việc giữ lại kiểm tra chuyên ngành đến bao nhiêu, còn cắt giảm bớt bao nhiêu, hoặc đã công bố cắt giảm thủ tục hành chính hay kiểm tra chuyên ngành, song lại chưa có giải pháp thực thi cụ thể. Các điều kiện kinh doanh với các ngành nghề đã giảm, nhưng còn tới 243 ngành nghề là cao. Thực tế đang cho thấy ở nơi nào mà lãnh đạo Bộ chỉ đạo sát sao, quyết liệt thì ở đó việc cắt giảm thủ tục, cải cách kiểm tra chuyên ngành có kết quả tốt, còn không thì ngược lại, vì thế Thủ tướng kêu gọi các Bộ dám từ bỏ những thứ quyền lực không cần thiết, không phù hợp để thực sự đồng cam cộng khổ với doanh nghiệp và vì doanh nghiệp, cần thực hiện ngay cải cách triệt để về thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành. Theo một số vị cán bộlãnh đạo cấp Bộ và nhiều chuyên gia kinh tế, bên cạnh những điều đó, thì cũng cần nhận thức rằng, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành không phải là những việc có thể tiến hành xong ngay trong một sớm một chiều, mà phải thực hiện vừa khẩn trương, vừa lâu dài, cắt bỏ là cần, nhưng vẫn phải làm sao đảm bảo có những điều kiện, yếu tố quản lý nhà nước, chủ động chứ không bị động. Để hướng tới một chính phủ kiến tạo thì phải hoàn thiện thể chế theo hướng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tập trung cắt giảm những gì là thừa, là không còn phù hợp, đặc biệt là các điều kiện kinh doanh quan trọng và nhạy cảm, giải quyết tốt, không còn chồng chéo về kiểm tra chuyên ngành. Giải quyết tốt việc chọn hình thức tiền kiểm và hậu kiểm, nhất là đối với hàng hóa nhập khẩu, về cơ bản là thay đổi phương thức từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với một số nhóm sản phẩm hàng hóa có nguy cơ rủi ro thấp.
Cần có sự kết hợp với các hiệp hội doanh nghiệp trong việc cắt giảm thủ tục, kiểm tra chuyên ngành, xã hội hóa hoạt động này trong sự đánh giá về hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục kiểm tra cửa khẩu để tạo thông thoáng hơn nữa cho hoạt động xuất nhập khẩu, vì khi còn phải mất đến 30 triệu ngày công và chi phí gần 15 000 tỷ đồng/năm để kiểm tra chuyên ngành trong các hoạt động xuất nhập khẩu, thì doanh nghiệp Việt Nam làm sao còn đủ tiền, dư sức để cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài. Cũng không thể để mãi tình trạng có mặt hàng thuộc nhóm công nghệ hiện đại, nhưng lại kiểm tra bằng cách thủ công, còn nhiều thủ tục chồng chéo trong các lô hàng, chỉ một thứ hàng song bị kiểm tra hai, ba lần bởi hai, ba cơ quan khác nhau, ví như sữa chua, phomat phải chịu sự quản lý và kiểm tra chuyên ngành tới 2 bộ, vừa phải kiểm dịch động vật, vừa phải kiểm tra an toàn thực phẩm.
Vấn đề đặt ra với kiểm tra chuyên ngành là phải vừa tinh giản, vừa hiệu quả, chứ không thể như hiện nay số lượng các lô hàng kiểm tra chuyên ngành thì lớn nhưng phát hiện rủi ro chỉ 0,14%, một số lĩnh vực bỏ sót, một số lĩnh vực bộ nào cũng nhúng tay vào, ban hành danh mục kiểm tra nhưng lại không có tiêu chuẩn quy chuẩn, danh mục hàng hóa phải thực hiện kiểm tra chuyên ngành quá rộng, không chi tiết, tên hàng không có mã số HS, nhiều văn bản ban hành đã lâu không còn phù hợp thực tế nhưng chưa bãi bỏ. Theo Quyết định 2006/2015/QĐ-TTg, Thủ tướng chính phủ đã giao 13 Bộ ngành sửa đổi 87 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành, đến hết năm 2017 các Bộ ngành đã sửa đổi bổ sung 75 văn bản, cần soát xét và sửa đổi tiếp trên tinh thần mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu là phải thực hiện triệt để cải cách việc kiểm tra chuyên ngành, giảm tối đa tình trạng chồng chéo, không hợp lý. Nghị quyết của Chính phủ đề ra trong năm 2018 phải cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành, thực hiện được là sức ép rất lớn, nên cần nỗ lực cao, quyết tâm mạnh mẽ và phải có sự đột phá nếu muốn cán đích.
Trung Vũ