Cần khắc phục bất cập trong nghiên cứu, nhập khẩu công nghệ

Thứ hai, 09/04/2018 08:32
(ThanhtraVietNam) - Vị trí, vai trò quan trọng của khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh là điều không cần bàn cãi, nhất là khi nước ta đang trong quá trình tăng tốc phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng hàng hóa để gia tăng sức cạnh tranh với toàn cầu. Quan trọng là làm sao có được một nền công nghệ tốt với hai nguồn cung: nghiên cứu trong nước và nhập khẩu công nghệ nước ngoài.

Những năm gần đây, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến cả hai lĩnh vực này thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng một nền công nghệ tốt. Qua đó góp phần không nhỏ vào sản xuất, phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, so với những nhiệm vụ đặt ra và kỳ vọng của các cơ quan quản lý kinh tế cũng như giới kinh doanh sản xuất thì cả nghiên cứu trong nước lẫn nhập khẩu công nghệ vẫn còn nhiều điều bất cập cần khắc phục, chỉnh sửa.

leftcenterrightdel
 Làm tốt hơn cả hai việc: nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nước và nhập khẩu công nghệ nước ngoài sẽ giống như đi nhanh, đi chắc cả hai chân để gia tăng sức lực, hiệu quả cho sản xuất kinh doanh của nền kinh tế Việt Nam. Ảnh minh họa.
Kết quả giám sát cũng như chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ cho thấy, giữa nghiên cứu và đưa khoa học, công nghệ vào cuộc sống, khoảng cách còn xa. Không ít đề tài, nghiên cứu xong rồi bỏ ngăn kéo. Trong khi đó, mỗi năm, Nhà nước phải chi hàng nghìn tỷ đồng cho việc xây dựng và thực hiện các đề tài này. Một số Ủy viên thường vụ Quốc hội đặt câu hỏi: cần thay đổi cơ chế chính sách trong thời gian tới như thế nào để giúp thương mại hóa và đẩy nhanh quá trình ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh? Đại diện Bộ Khoa học công nghệ thừa nhận còn nhiều điều bất cập trong lĩnh vực này. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung cao độ để xây dựng được cơ chế chính sách nhằm đưa nghiên cứu khoa học công nghệ bắt kịp cuộc sống; sẽ khắc phục tình trạng lấy tiền ngân sách để nghiên cứu đề tài rồi bỏ tủ các đề tài đó. Tất nhiên, nghiên cứu khoa học công nghệ là một quá trình cần có thời gian nhất định, có rủi ro, có thử, có sai thì mới có thể ứng dụng thành công và mang lại giá trị trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, không thể ỷ vào đó rồi nghiên cứu những đề tài ít khả năng thực tế, hoặc chậm đưa vào ứng dụng, cần chống lãng phí trong nghiên cứu, tránh cách làm một đề tài cắt ra nhiều đề tài nhỏ để thanh toán và nhận nhiều tiền Nhà nước. Từ bộ chuyên ngành khoa học công nghệ, đến các cấp tỉnh, thành phố phải tập trung trí tuệ, công sức, tiền đầu tư vào nghiên cứu những vấn đề trọng yếu nhất của các ngành nghề sản xuất nói chung, cũng như của từng địa phương.

Ngoài nghiên cứu tại các viện, các trường đại học, cũng cần tiến hành tốt hơn công tác này tại các khu công nghệ cao như ở Hòa Lạc, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng. Từ đó, tạo ra các quả đấm thép cho khoa học công nghệ với kết quả cụ thể, thu hút được nhiều dự án đầu tư, nhiều lao động khoa học.

Tuy xây dựng, mở rộng, phát triển các khu công nghệ cao là cả một con đường rất dài, nhưng ở từng giai đoạn cũng phải có kết quả cụ thể. Khu công nghệ cao Hòa Lạc sau rất nhiều trăn trở, đến nay đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng hạ tầng để tập trung thu hút đầu tư. Từ năm ngoái đến nay đã có 3 dự án lớn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 233 triệu USD giúp tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong khu đạt 2,4 tỷ USD. Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh năm 2017 đạt giá trị sản xuất 12 tỷ USD. Dự kiến đến 2020 vượt mốc 20 tỷ USD. Khu công nghệ cao Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 dự án với tổng vốn là 160 triệu USD.

Còn với nhập khẩu công nghệ, nước ta đã có chủ trương, chính sách và cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ nhất là trong khâu kiểm soát nhập khẩu công nghệ. Chúng ta đã có Luật Đầu tư năm 2014, Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006, Luật Xây dựng năm 2014 tạo điều kiện thuận lợi cho nhập khẩu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đồng thời giúp ngăn ngừa nhập khẩu công nghệ lạc hậu làm tác động xấu đến môi trường và các dự án đầu tư sản xuất của Việt Nam.

Cùng với việc tạo môi trường thông thoáng nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, chúng ta cũng cần kiểm soát chặt chẽ các các khâu, quy định rõ trách nhiệm thẩm định theo các giai đoạn đầu tư và phân công trách nhiệm từng cơ quan. Trong thời gian từ 2011 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham gia ý kiến về công nghệ đối với 165 dự án đầu tư, trong đó có 74 dự án đầu tư nước ngoài. Nhiều dự án đầu tư dầu khí, công nghệ thông tin, điện tử, chế biến nông sản, thực phẩm, sinh học đã chuyển giao các công nghệ cao, tiên tiến, phục vụ hiệu quả cho phát triển sản xuất kinh tế của đất nước. Giai đoạn 2010 – 2017 có 115 hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam với tổng giá trị đã được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký khoảng 447.000 tỷ đồng. Riêng 2 hợp đồng chuyển giao công nghệ của Tập đoàn Samsung thực hiện năm 2017 có tổng giá trị khoảng 323 000 tỷ đồng.

Thông qua các dự án đầu tư nước ngoài, nhiều lĩnh vực kinh tế mới ra đời và phát triển, như dầu khí, công nghệ thông tin, hóa chất ô tô, xe máy, điện tử và điện tử gia dụng, dệt may đã góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật công nghệ tiên tiến để nâng cao, đẩy nhanh kỹ năng sản xuất, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu  của các ngành trong nền kinh tế.

Để có thể làm tốt hơn việc kiểm soát nhập khẩu công nghệ thì các văn bản pháp luật về đầu tư và xây dựng cần quy định rõ hơn nội dung thẩm định về công nghệ tương ứng với từng giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư và giai đoạn tiến hành đầu tư. Cần có cơ chế quản lý nhập khẩu với công nghệ ngoài danh sách hạn chế nhập khẩu. Về quy định tuổi cho thiết bị đã qua sử dụng của mọi lĩnh vực cũng bộc lộ một số hạn chế, bởi vì mỗi thiết bị công nghệ có độ bền, tuổi sử dụng khác nhau. Ví như thiết bị thuộc lĩnh vực cơ khí, điện có thể kéo dài đến 10 năm, 20 năm, chứ không phải 10 năm như quy định. Đối với những thiết bị vượt quá 10 năm sử dụng như quy định, nhưng doanh nghiệp cần thiết nhập khẩu để bảo đảm duy trì sản xuất kinh doanh thì lại chưa có quy định rõ về việc có cho nhập hay không, nếu có thì quy trình, thủ tục về nhập khẩu như thế nào? Được biết, Bộ Khoa học và công nghệ vẫn sẽ quy định tiêu chí nhập khẩu chung là tuổi thiết bị là không quá 10 năm, đối với cơ khí tuổi không quá 20 năm. Một  số lĩnh vực khác sẽ giao cho các bộ tự xây dựng tiêu chí trình Thủ tướng phê duyệt. Đối với các dự án đầu tư mới, đầu tư dịch chuyển cả nhà máy từ nước ngoài vào Việt Nam thì không áp dụng tiêu chí tuổi của máy móc thiết bị, mà kiểm soát thông qua công nghệ áp dụng và chất lượng hiệu suất còn lại của thiết bị được giám định tại nước ngoài trước khi đóng gói nhập khẩu.

Tóm lại, làm tốt hơn cả hai việc: nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong nước và nhập khẩu công nghệ nước ngoài sẽ giống như đi nhanh, đi chắc cả hai chân để gia tăng sức lực, hiệu quả cho sản xuất kinh doanh của nền kinh tế Việt Nam./.

                                                                                                                      Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra