Cần luật hóa việc phòng, chống tác hại của rượu, bia

Thứ tư, 09/05/2018 08:38
(ThanhtraVietNam) - Mấy ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua đã có tới hơn năm chục người chết, nhiều người bị thương vì tai nạn giao thông, trong đó không ít trường hợp là do tác hại của nạn rượu, bia.

Tại các bệnh viện, bên cạnh nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông do say rượu, bia, có không ít trường hợp bị ngộ độc rượu. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo về tác hại của rượu, bia, nhưng số người say rượu, bia và chịu ảnh hưởng của rượu, bia không giảm.

leftcenterrightdel

 Theo tổng hợp, nghiên cứu, rượu, bia là nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông (tới 60%), gây ra 30% các vụ bạo lực gia đình, mất an toàn trật tự xã hội. Ảnh minh họa, nguồn: internet

Rượu, bia là yếu tố nguy cơ thứ 5 trong 15 yếu tố có nguy cơ gây tác hại tới sức khỏe con người, làm rối loạn tâm thần, phát triển bệnh sơ gan, tim mạch, ung thư. Có khoảng 70% người dân Việt Nam ít nhiều chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của rượu, bia.

Người dân uống nhiều rượu bia, khiến tình hình sản xuất, kinh doanh rượu bia ngày càng có chiều hướng phát triển. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là thiệt hại do rượu, bia gây ra cho con người lớn gấp nhiều lần so với giá trị kinh doanh rượu, bia mang lại. Do đó, thiết nghĩ đã đến lúc cần một biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn mạnh mẽ, quyết liệt hơn, ấy là luật hóa.

Nước ta hiện có 100 cơ sở sản xuất bia quy mô công nghiệp. Năm 2016, sản lượng bia là 3,8 tỷ lít, tăng 10% so với 2015 và tăng 52% so với năm 2010. Năm 2017, sản lượng bia là 4 tỷ lít, tăng 10,5% so với 2016, bình quân mỗi người dân tiêu thụ 42 lít bia/năm, tăng 4 lít so với 2016.

Đối với rượu, Bộ Công Thương hiện đã cấp 16 giấy phép sản xuất rượu công nghiệp có công suất từ 3 triệu lít/năm trở lên và 204 giấy phép phân phối sản phẩm rượu. Sở Công Thương các tỉnh đã cấp khoảng 151 giấy phép sản xuất rượu công nghiệp công suất dưới 3 triệu lít/năm và khoảng 1.100 giấy phép bán buôn rượu, cấp phòng quận huyện đã cấp 599 giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh và 13.774 giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu. Mỗi năm có khoảng gần 200 triệu lít rượu công nghiệp và 300 triệu lít rượu thủ công qua thống kê, kiểm đếm được ra lò, song cũng còn nhiều rượu thủ công chưa quản lý được về chất lượng cũng như số lượng.

Bia, rượu được sản xuất nhiều như thế, nhưng việc uống rượu, bia lại không có điều luật nào điều chỉnh, quy định nào hạn chế. Còn việc quảng cáo rượu, bia, khuyến mại, tài trợ từ rượu, bia tuy đã có những quy định cấm hoặc hạn chế, nhưng vẫn diễn ra ngang nhiên và thoải mái với nhiều hình thức khác nhau. Có thể nói, tình hình sản xuất và tiêu thụ bia, rượu cứ “vô tư đi” như thế, nên tác hại của tình trạng rượu, bia gia tăng là điều dễ hiểu.

Để phòng, chống tác hại của tình trạng rượu, bia, theo Bộ Y tế, bên cạnh việc tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả hơn việc quản lý cấp phép sản xuất, kinh doanh rượu, bia, cần siết chặt hơn các định quản lý đối với rượu thủ công, bán bia rượu, nghĩa là phải luật hóa việc này. Bộ Y tế đã soạn thảo lần thứ nhất, rồi mới đây lại đưa ra lần thứ hai, có sửa đổi so với lần trước Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 34, ngày 08 tháng 06 năm 2017, các cơ quan sọan thảo, trong đó có Bộ Y tế đang cùng nhau hoàn thiện soạn thảo, lấy ý kiến đóng góp vào Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, để sau đó chỉnh sửa tiếp, hoàn tất rồi trình Chính phủ và Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm 2018. Theo Dự luật đang lấy ý kiến, sẽ có nhiều quy định chặt chẽ về việc phòng, chống tác hại của rượu, bia và bước đầu đã được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ.

Song đi vào chi tiết cũng có một số điều khoản còn có ý kiến khác nhau hoặc không tán đồng với Dự thảo Luật. Chẳng hạn, việc nghiêm cấm khuyến mại rượu, bia trực tiếp cho người tiêu dùng, cấm quảng cáo rượu, bia hay với việc Dự thảo đưa ra 3 phương án về địa điểm, phương thức, thời gian không được bán rượu bia. Phương án 1: chỉ được bán rượu, bia từ 11 giờ đến 14h và từ 17  giờ đến 22h hàng ngày, trừ trường hợp bán tại sân bay quốc tế và các khu vực chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch. Phương án 2: chỉ được bán rượu, bia từ 6h đến 22h. Phương án 3: thời gian không được bán rượu, bia sẽ thực hiện theo lộ trình mà Chính phủ cho ý kiến.

Theo ý kiến từ Hiệp hội bia, rượu nước giải khát Việt Nam thì phải trao đổi thật kỹ về nội dung của Luật, tên gọi Luật, vì hiện nay trên thế giới chưa có nước nào xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Nếu sử dụng rượu, bia phù hợp sẽ không có hại cho sức khỏe, thậm chí ngược lại. Do đó, nên chăng gọi là luật kiểm soát đồ uống có cồn, hoặc luật phòng chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn. Cũng theo Hiệp hội này, cần bàn bạc, cân nhắc kỹ việc việc thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe, vì các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bia, rượu đã phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 65% từ 01/01/2018, Chính phủ cũng đang có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giảm chi phí kinh doanh, nên bắt doanh nghiệp phải đóng góp thêm 1-2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt vào Quỹ nâng cao sức khỏe là trái với các Nghị quyết của Chính phủ đã ban hành và đang thực thi để tạo thuận lợi cho  sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gây khó cho doanh nghiệp.

Một số ý kiến cho rằng, quy định thời gian bán rượu, bia không giải quyết được gốc vấn đề, vì có vẻ hạn chế ngặt nghèo, khiến người tiêu dùng vẫn cứ uống nhiều, uống mỗi lúc thích uống, nhưng mà không công khai, đành giấu diếm, lén lút, gây phản tác dụng, kém an toàn. Việc cấm quảng cáo và tài trợ đồ uống cần xem xét kỹ, cấm đến đâu, chỉ cấm những hình thức nào, mức độ ra sao, kẻo sẽ làm thiệt hại cho phát triển du lịch, cản trở các hoạt động văn hóa, thể thao vốn dĩ muốn hoạt động tốt rất cần sự tài trợ của các ngành kinh tế, trong đó có ngành sản xuất kinh doanh rượu, bia. Việc quy định bán rượu, bia theo giờ cần tham khảo cách làm của một số nước trên thế giới đã ban hành quy định này. Bài toán khó giải là phải cân bằng được giữa sản xuất kinh doanh, nhu cầu tiêu thụ và sự hạn chế tác hại của bia, rượu.

Về việc xây dựng Quỹ nâng cao sức khỏe, có ý kiến là nên lập, hoặc nên hợp nhất với Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá trên cơ sở xem xét đánh giá kết quả thực thi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Quỹ phòng, chống tác hại của thuốc lá. Vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển ổn định bền vững, cũng như phát huy được hiệu quả sử dụng quỹ phục vụ mục đích nâng cao sức khỏe. Nếu có quỹ này thì cần có bộ máy quản lý quỹ cho tốt, liệu có nên xây dựng bộ luật riêng cho Quỹ nâng cao sức khỏe, vì hiện có rất nhiều bộ luật khác liên quan đến sức khỏe, chứ không phải chỉ có luật về tác hại của rượu, bia và thuốc lá, để rồi thay vì đề xuất dự án luật riêng, lại chỉ lồng vào thành một điều khoản trong Luật Phòng, chống tác hại rượu bia, với đề nghị xây dựng một quỹ.

Nhìn chung, muốn xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cho có chất lượng cao, thiết thực, nhiều khả năng hữu hiệu, cần phải tiếp tục nghiên cứu công phu, đầy đủ, thực tế hơn, khoa học hơn, cân nhắc đầy đủ các lợi ích về sức khỏe, an toàn xã hội và sản xuất kinh doanh, đóng góp mọi mặt cho kinh tế, văn hóa, đời sống./.

                                                                                                                 Trung Vũ

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra