Những con số đáng báo động
Trong những ngày gần đây, chỉ cần quan sát bằng mắt thường cũng thấy được không khí ở Thủ đô Hà Nội đang bị bụi mịn PM2.5 (là những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micron trở xuống) “tấn công” như thế nào. Đứng từ vị trí các tòa nhà cao tầng nhìn bao quát một góc thành phố, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng tưởng mình đang ở "Sa Pa mù sương". Nhưng không, đó là bụi dày đặc trong không khí, tạo thành một lớp giống như thành phố đang bị sương mù bao phủ. Nếu là sương mù, chỉ cần có nắng lên là lớp sương sẽ tan hết, còn lớp “sương” này ở Thủ đô Hà Nội vẫn “ung dung” bám trụ trong bầu không khí.
Đặc biệt, ở các tuyến đường vành đai, các tuyến đường có mật độ giao thông cao hay các tuyến đường đang giải phóng mặt bằng, đang thi công công trình thì tình trạng ô nhiễm không khí càng trở nên nặng nền hơn. Tỷ lệ nồng độ bụi mịn PM2.5 vượt chuẩn cao, ảnh hưởng sức khỏe người dân chủ yếu tập trung tại các khu vực như: Đường Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm), phố Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm), phường Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm)... Đường Trường Chinh (quận Thanh Xuân) đang thi công xây dựng đường vành đai 2; đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) cũng đang trong giai đoạn thi công dự án giải phóng mặt bằng xây dựng đường vành đai 2 (đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở).
Việc phá dỡ các công trình xây dựng, giải phóng mặt bằng để mở rộng đường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng gây bụi rất lớn (ảnh: Hoàng Minh)
Theo số liệu quan trắc của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội ghi nhận sáng 13/12, tại 11 điểm quan trắc thì có tới 10 điểm có chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở mức màu tím - trên 200, tương đương với đánh giá “rất xấu”. Đây là mức không khí bị cảnh báo sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Cụ thể, chỉ số AQI tại trạm đo Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) là 261; các trạm đo tại Chi cục Bảo vệ môi trường, Hàng Đậu, Thành Công, Phạm Văn Đồng đều trên 240. Trong 3 ngày từ 10 đến 12-12, chỉ số AQI ghi nhận tại các trạm đo trên cũng duy trì nhiều giờ ở mức từ 200.
Không chỉ là những con số cụ thể mà những người dân sinh sống tại các khu vực có không khí bị ô nhiễm nặng và những người thường xuyên phải di chuyển trên các tuyến đường đầy bụi này cũng không khỏi “ngao ngán”. Chị Mai Thúy Nga sống ở gần mặt đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: Do đặc thù của công việc thường phải di chuyển nhiều nơi trên địa bàn Thủ đô Hà Nội tôi thấy rất mệt mỏi mỗi ngày đi làm. Ra khỏi nhà là đường Minh Khai thường xuyên bị tắc và bụi do người ta đang phá nhà, giải phóng mặt bằng mở rộng đường; đi đến các tuyến đường khác cũng không khả quan hơn nhiều. Mặc dù, đi ra khỏi nhà là đeo khẩu trang nhưng tôi vẫn thấy khó thở, quần áo bạc phếch vì bụi bám. Thậm chí, có lúc đang đi bụi bay vào mắt tôi phải dừng xe lại táp vào lề đường vì không thể mở nổi mắt ra.
Người dân đang phải tự bảo vệ chính mình trước tình trạng ô nhiễm không khí vì bụi ở Hà Nội (ảnh internet)
Cần nghiêm túc đánh giá về các nguồn thải và tìm biện pháp khẩn cấp
Tại buổi họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức vào ngày 1/10, ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND TP đã chỉ ra 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Thủ đô, gồm: Khí thải xe máy, đun bếp than tổ ong/bếp củi vẫn tiếp diễn; vật liệu và quản lý phá dỡ công trình xây dựng, vận chuyển phá dỡ chưa kiểm soát được bụi; đốt rơm rạ; thu gom rác thải ô nhiễm ao hồ lâu năm, bùn thải; khói bụi từ các vùng lân cận; tác động của thời tiết chuyển mùa...
Những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí đã được chỉ ra, người dân thì đang chờ đợi nhiều biện pháp quyết liệt và khẩn trương từ chính quyền để giảm thiểu. Do đó, các cơ quan chức năng cần có nghiên cứu đánh giá một cách chính xác các nguyên nhân, ngành, lĩnh vực nào gây ô nhiễm ra môi trường, đặc biệt là tỷ lệ bụi mịn và với tỷ lệ bao nhiêu. Sau bước kiểm tra, đánh giá cần phải có giải pháp cụ thể để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, để không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Đồng thời, cũng cần có một cơ quan làm đầu mối chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ về quản lý môi trường không khí.
Thực tế cho thấy, hiện nay tất cả những người dân sinh sống trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đều đang phải tự bảo vệ mình trước bầu không khí dày đặc khói bụi. Khẩu trang lọc bụi mịn PM2.5 là sản phẩm được người dân ưa chuộng, tin dùng trong thời gian gần đây. Không biết hiệu quả chính xác của các loại khẩu trang chống bụi được người dân dùng như thế nào nhưng nó giải quyết được bài toán về vấn đề tâm lý và cũng là “vũ khí” duy nhất họ có thể dùng để bảo vệ chính mình trong môi trường không khí ô nhiễm như hiện nay.
Việc phá dỡ, thi công các công trình đang là một trong những nguồn tạo nên lượng bụi lớn ở Thủ đô Hà Nội (ảnh: Hoàng Minh)
Nhất là những ngày hành khô, bụi cuốn lên càng nhiều (ảnh: Hoàng Minh)
Mới đây nhất, ngày 14/12/2019, Cục Quản lý môi trường y tế phối hợp với Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam xây dựng Hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí. Cụ thể, đối với người dân, phải thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố. Hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt); vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ; nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm…
Bên cạnh đó, đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu, Cục Quản lý môi trường lưu ý phải thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn; hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa…
Như vậy, trước tình trạng ô nhiễm không khí nặng đang diễn ra ở Thủ đô Hà Nội, trong khi đó các cơ quan chức năng chưa có những giải pháp tích cực, mang tính căn cơ xử lý triệt để tình trạng trên thì mỗi người dân chúng ta hãy tự bảo vệ chính mình và tuân thủ theo những khuyến cáo của các cơ quan, tổ chức về y tế, môi trường. Mặt khác, người dân cũng cần thể hiện thái độ rõ ràng hơn trong việc đòi hỏi được sống trong một môi trường trong lành, xanh, sạch./.
Hoàng Minh