Để hợp tác công tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng hiệu quả:

Cần thiết phải công khai, minh bạch, không “sân sau”, không lợi ích nhóm

Thứ tư, 18/12/2019 09:11
(ThanhtraVietNam) - Nhiều ý kiến chuyên gia nêu rõ tầm quan trọng cũng như sự cần thiết phải công khai, minh bạch, không “sân sau”, không lợi ích nhóm, để đảm bảo hiệu quả của công trình tại các dự án hợp tác công tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng.

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị Chính phủ cho lui thời gian thực hiện thu phí tự động không dừng trên tất cả các trạm thu phí của những dự án giao thông BOT.

Việc thực hiện thu phí tự động không dừng (ETC) là thực sự cần thiết, để đảm bảo tính minh bạch trong công tác quản lý doanh thu tại các trạm BOT, phòng chống tiêu cực cho vận hành khai thác. Nhưng, trong thực tế thì nhiều trạm thu phí BOT đã trì hoãn việc này, với nhiều lý do được đưa ra, để chưa phải ký hợp đồng dịch vụ với Công ty trách nhiệm hữu hạn thu phí tự động VETC, không bàn giao làn thu phí để thực hiện hệ thống thu phí không dừng, không trả phí dịch vụ vận hành mặc dù trạm đã hoàn thành đầu tư và thực hiện nghiệm thu. Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư BOT chưa đồng ý tổ chức đàm phán hợp đồng, chưa đồng ý mức trích tỷ lệ sử dụng dịch vụ, hoặc nhà đầu tư BOT đồng ý mức trích nhưng còn chờ sự đồng thuận từ ngân hàng cấp vốn.

Đưa ra những thực tế trên, công ty VETC cho biết lỗ lũy kế đến 30/9/2019 của đơn vị là 300 tỷ đồng, do tỷ lệ thu ETC quá thấp, chỉ đạt khoảng 10% so với kế hoạch và mới có 11/44 trạm thu phí BOT ký phụ lục hợp đồng và hợp đồng dịch vụ, còn lại 33 trạm chưa ký. Bộ Giao thông vận tải cũng đã đưa ra hàng loạt giải pháp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc thu phí tự động không dừng. Tuy nhiên, dường như mọi cố gắng đều chưa có kết quả.

Trên đây chỉ là một trong những vướng mắc, khó khăn để thực hiện các dự án PPP (gọi tắt của sự hợp tác công tư trong xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông) và chống lộn xộn, ách tắc, phản ứng tiêu cực đã, đang, hoặc có thể xảy ra tại một số trạm thu phí BOT. Sự cần thiết và ích lợi của PPP là điều dễ thấy, được xã hội nhất trí cao. Vì sẽ có thêm nhiều công trình xây dựng công mà nếu chỉ trông vào ngân sách Nhà nước thì rất khó, và không đủ tiền đáp ứng được, trong khi nhu cầu xây dựng cơ bản, nhất là xây dựng giao thông, ngày càng cao theo với đà phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội.

leftcenterrightdel
Một trạm thu phí tự động (Ảnh minh họa) 

Thực tế cũng cho thấy, những năm gần đây, chủ trương của Đảng và Nhà nước về PPP đã thu hút được nguồn lực tư nhân, đẩy mạnh xã hội hóa việc đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, phát biểu ý kiến về xây dựng luật PPP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Đảng, Quốc hội đều thấy cần phải xã hội hóa nhiều lĩnh vực xây dựng kinh tế, hạ tầng cơ sở. Các quy định về đầu tư theo phương thức PPP đã có ở các Nghị định, song, phải có luật thì nhà đầu tư mới mạnh dạn tham gia vì luật mới bảo vệ cho nhà đầu tư. Mà đầu tư theo phương thức PPP sẽ kêu gọi được nhiều nguồn lực cho phát triển. Đây là hướng đi hết sức cần thiết. Nguyên tắc quy định tại Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư phải là hai bên, nhà nước và tư nhân đều có lợi, như vậy mới có thể kêu gọi người dân, các nhà đầu tư nước ngoài cùng đầu tư. Hiện nay do chồng chéo, vướng mắc về luật pháp nên nhà đầu tư chưa nhiệt huyết khi đầu tư vào Việt Nam. Tôi đã nói nhiều lần, thể chế bây giờ rất quan trọng. Nếu gỡ được thể chế thì không khí đầu tư rất tốt. Nếu cứ giữ tư duy lạc hậu thì không thể phát triển đất nước được”.

Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội trong phiên họp sáng ngày 11/11/2019. Theo Bộ trưởng Dũng, việc ban hành luật PPP sẽ tạo khung pháp lý ổn định, thúc đẩy đầu tư PPP với những hợp đồng dài hạn đầu tư quy mô lớn song cũng sẽ có nhiều rủi ro. Nhà đầu tư cũng như các bên cho vay thường yêu cầu tính ổn định của pháp luật điều chỉnh hợp đồng. Do tính chất hợp đồng PPP là dài hạn, chi phí chuẩn bị đầu tư một dự án PPP khá cao, muốn hấp dẫn các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài thì cần dự án có quy mô đủ lớn, phải được quy định trong Luật, hạn chế các dự án quy mô nhỏ dẫn đến đầu tư dàn trải phân tán nguồn lực. Chính phủ đã báo cáo Quốc hội xem xét cho ý kiến theo hai phương án: Phương án 1: Quy định về quy mô tối thiểu của dự án PPP ngay tại Dự thảo luật và giao Chính phủ quy định chi tiết quy mô, chi tiết cho từng lĩnh vực. Phương án 2: Không quy định quy mô tối thiểu của dự án PPP tại Dự thảo luật, mà giao Chính phủ quy định chi tiết về quy mô tối thiểu cho từng lĩnh vực phù hợp với từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Các Đại biểu Quốc hội cũng đã góp nhiều ý kiến sâu sắc, cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay cũng như tương lai của đất nước. Trong đó, bàn cả đến việc bảo đảm cân đối ngoại tệ, cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước với nhà đầu tư về doanh thu đối với một số dự án PPP đặc biệt quan trọng, trên cơ sở xem xét cẩn trọng thông qua hội đồng thẩm định liên ngành cấp trung ương, không áp dụng tràn lan cho mọi dự án PPP.

Có ý kiến đề xuất: Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Nhiều ý kiến nêu rõ tầm quan trọng cũng như sự cần thiết phải công khai, minh bạch, không “sân sau”, không lợi ích nhóm, để đảm bảo hiệu quả của công trình đối với các dự án PPP, trong đó phải minh bạch ngay từ khâu lựa chọn nhà đầu tư. Để tránh trường hợp đẩy trách nhiệm lên cấp cao hơn, Luật Đầu tư PPP cần phân định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư, chịu trách nhiệm điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án trong mọi trường hợp, kể cả khi nội dung điều chỉnh làm thay đổi phân loại dự án và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Quy định này cũng đảm bảo rõ trách nhiệm và phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công. Cũng có ý kiến đề nghị tách bạch rõ ràng, cụ thể vốn của nhà nước và vốn của nhà đầu tư theo hợp đồng. Nhà nước đóng góp bằng ngân sách hay là tài sản khác, nếu là tài sản khác thì phải tính bằng giá trị theo cơ chế thị trường, không nên như thời gian qua một số dự án Nhà nước góp vốn bằng bất động sản hình thức BT ở những khu đất vàng, nhưng sau đó nhận lại công trình của nhà đầu tư giá trị thấp, làm thất thoát tài sản công.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP. Cần làm rõ tính chất đặc thù của phương thức đầu tư PPP, từ đó có quy định phù hợp, làm rõ sự khác biệt giữa dự án PPP với các dự án đầu tư công, hoặc dự án đầu tư tư nhân thuần túy. Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung ngay tại Dự thảo Luật Đầu tư theo PPP một số quy định mang tính nguyên tắc như: điều kiện, phạm vi, trường hợp áp dụng các cơ chế bảo đảm, xây dựng cơ chế đánh giá, theo dõi và quản lý các nghĩa vụ nợ dự phòng, rủi ro tài khóa tiềm ẩn từ các dự án PPP. Cần tiếp tục rà soát các quy định khác, tránh tình trạng quy định chung chung kiểu như: theo quy định của pháp luật, các nội dung cần thiết khác,… gây khó khăn trong thực tế triển khai Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, khi, theo dự kiến, được Quốc hội thảo luận tiếp và thông qua trong kỳ họp sau. Từ nay đến đó các Đại biểu Quốc hội, các cơ quan soạn thảo Luật sẽ suy nghĩ, cân nhắc tiếp mọi khoản mọi điều của dự thảo Luật này để có nội dung tốt nhất khi ban hành, sau đó việc thực hiện sẽ đem lại hiệu quả cao nhất cho các dự án PPP. Còn theo Bộ Giao thông vận tải, trước mắt vẫn phải đưa ra các giải pháp phòng ngừa, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, ách tắc, rối ren, tiêu cực nếu xảy ra, từ các dự án PPP, thực hiện nhanh việc thu phí không dừng tại các trạm thu phí giao thông BOT, chẳng nên kéo dài sự trì hoãn.

                                                                                                       Trung Vũ

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra