Cần xử phạt nghiêm hành vi coi thường tính mạng người dân của Công ty CP nước sạch Sông Đà

Thứ tư, 16/10/2019 20:00
(ThanhtraVietNam) - Từ vụ việc đặc biệt nghiêm trọng vừa xảy ra khi mẫu xét nghiệm nước do Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà (Công ty) cung cấp cho người dân sử dụng đều có hàm lượng Styren thuộc nhóm các chỉ tiêu giám sát mức độ C, cao hơn giới hạn cho phép (20mg/l) theo QCVN 01:2009/BYT từ 1,3 đến 3,65 lần; chỉ tiêu mùi vị cũng không đạt cho thấy sự vô cảm, thiếu trách nhiệm trầm trọng, coi thường tính mạng sức khỏe người dân của Công ty.

Được biết, phạm vi cấp nước hiện tại của Công ty là Khu vực phía Tây Nam TP Hà Nội bao gồm các quận: Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai và một phần quận Đống Đa, quận Hà Đông. Hiện nay có khoảng 1,374 triệu dân đang được sử dụng nước của Công ty này.

Khi một số cán bộ của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà phát hiện việc tại khu vực đầu nguồn ở khe núi tại xã Phú Minh, Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm, chất thải dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy) từ sáng ngày 08/10/2019, nhưng đã không có bất kỳ báo cáo nào với các cơ quan chức năng; cũng không có bất kỳ hành vi ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định, mà để mặc kệ, toàn bộ hệ thống của nhà máy nước vẫn hoạt động bình thường dẫn đến váng dầu này đã chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.

leftcenterrightdel
Hàng trăm hộ dân mang theo xô, chậu để nhận nước sạch. Ảnh: L.A

Trước đó, tại kết luận thanh tra 837/KL-MT ngày 09/7/2019 của Cục Quản lý môi trường y tế nêu rõ, tại thời điểm thanh tra, Phòng Hóa nghiệm của Công ty cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà đang trong quá trình tiến hành các thủ tục công nhận đạt chuẩn ISO/IEC 17025:2005 về các chỉ tiêu chất lượng nước được xét nghiệm. Công ty đã ban hành quy trình kiểm tra chất lượng nước bao gồm quy trình lấy mẫu và lưu mẫu nước thành phẩm, quy trình kiểm tra nước đầu vào, nước thành phẩm, khắc phục sự cố khi chất lượng nước không đảm bảo. “Phòng thí nghiệm của Công ty chưa được công nhận đạt chuẩn ISO/IEC 17025: 2005 về các chỉ tiêu chất lượng nước được xét nghiệm”, Cục Quản lý môi trường y tế khẳng định.

Cũng tại Kết luận 837/KL-MT, Cục Quản lý môi trường y tế đề nghị Sở Y tế thành phố Hà Nội tiếp tục theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định để đảm bảo chất lượng nước ăn uống của Công ty; tăng cường kiểm tra chất lượng nước các cơ sở cung cấp nước, bể chứa các khu chung cư, khu công nghiệp, khu tập thể và các hộ gia đình. Đặc biệt, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm chất lượng nước theo các quy định hiện hành.

Bàn về trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình trong sự việc này, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) chia sẻ, Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, trong đó có tài nguyên nước; tổ chức ứng phó, khắc phục sự cố ô nhiễm nguồn nước; theo dõi, phát hiện và tham gia giải quyết sự cố ô nhiễm nguồn nước liên quốc gia theo thẩm quyền; lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt; bảo đảm nguồn nước phục vụ cung cấp nước sinh hoạt trong trường hợp hạn hán, thiếu nước hoặc xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước… Như vậy, để xảy ra tình trạng nghiêm trọng này, Sở đã không làm tốt nhiệm vụ theo dõi, phát hiện ra sự cố này. Cho dù, hành vi vi phạm là của cá nhân, tổ chức đóng trên địa bàn, nhưng không thể không nói tới trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình.

leftcenterrightdel
Hàng trăm hộ dân mang theo xô, chậu để nhận nước sạch. Ảnh: L.A 

Khi PV đặt câu hỏi, người dân có thể khởi kiện Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà được hay không? LS. Diệp Năng Bình khẳng định, nếu xác định chất lượng nước không đảm bảo, không đủ điều kiện sử dụng mà vẫn cấp nước thì hành vi này là hết sức đáng lên án và cần phải xử lý theo quy định pháp luật. Việc xử lý như thế nào sẽ phụ thuộc vào mức độ sai phạm và hậu quả xảy ra. Tùy vào hậu quả xảy ra mà hành vi này có thể bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bên cạnh những thiệt hại về tinh thần trước sự hoang mang, lo lắng của hàng trăm nghìn người dân Thủ đô, những thiệt hại về kinh tế cũng không nhỏ khi người dân phải tự đi mua nước đóng bình về để phục vụ sinh hoạt, phải thay bộ lõi lọc cho các máy lọc nước trong gia đình. Do đó, đủ cơ sở để yêu cầu đơn vị cung cấp nước phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với toàn bộ những thiệt hại của người dân. Tuy nhiên, do người dân không ký trực tiếp với công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà nên phải xem lại hợp đồng là đơn vị nào đã bán trực tiếp nước cho người dân và người dân kiện trực tiếp đơn vị đó.

Chia sẻ cụ thể hơn, LS. Diệp Năng Bình nói tiếp, đối với thiệt hại về tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường và trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại (ngoại trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời; các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường. Ngoài ra, Bộ luật Dân sự còn quy định cụ thể xác định thiệt hại do tài sản, tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm hại. “Đây là cơ sở để tổ chức, cá nhân bị thiệt hại xác định các thiệt hại để yêu cầu bồi thường”, LS Diệp Năng Bình nhấn mạnh.

Tuy nhiên, hiện nay, Bộ luật Tố tụng dân sự cũng quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Toà án giải quyết các vụ án về tranh chấp bao gồm cả tranh chấp dân sự và trình tự, thủ tục yêu cầu để Toà án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự; trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự tại Toà án. Do đó, việc giải quyết bồi thường thiệt hại người dân có thể lựa chọn giải quyết tại Toà án.

leftcenterrightdel
 Hàng trăm hộ dân mang theo xô, chậu để nhận nước sạch. Ảnh: L.A

Theo Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp phải có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu; buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức; buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Có thể nói, hành vi xả thải ra môi trường mà chưa qua xử lý không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân mà còn là hành vi bất hợp pháp. Tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý về hình sự. “Theo quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội gây ô nhiễm môi trường đã nâng mức phạt tiền lên đến 1 tỷ đồng và nâng mức phạt tù từ 1 - 5 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp nghiêm trọng thì có thể bị phạt tiền từ 1 - 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 3 - 7 năm. Đặc biệt, đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại điều này bị phạt tiền từ 1 - 10 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm”, LS. Diệp Năng Bình khẳng định./.

Lan Anh

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra