<div>Đành là phải phí phạm đi bao nhiêu mồ hôi công sức cùng tiền đầu tư, chờ đợi thu hoạch bấy lâu nay từ cây cao su, để thay bằng cây trồng khác. Cây cao su từng là hình ảnh của nỗi đau khổ người phu mộ phải chịu tại các đồn điền cao su thời thực dân Pháp còn đô hộ nước ta. Rồi đến những năm gần đây đã là hình ảnh đẹp của sự phát triển cây công nghiệp đem lại thu nhập cao, thành cây xoá đói giảm nghèo cho dân chúng nhiều vùng như Tây Bắc, Tây Nguyên và các tỉnh bắc Miền Trung, phía đông Nam bộ. Do cây cao su đã một số năm đem lại lợi ích lớn cho kinh tế đất nước, làm giàu cho nhiều doanh nghiệp, cải thiện mức sống cho một số hộ nông dân, nên nhà nước lập quy hoạch, kế hoạch phát triển, các công ty cao su bằng mọi cách mở rộng diện tích, nông dân cũng háo hức trồng. Phải, không háo hức sao được khi giá sản phẩm cao su cứ tăng lên vùn vụt, giá xuất khẩu từ 1.677 USD/ tấn năm 2009, đã vọt tăng lên 4.562 USD/ tấn trong tháng 2 năm 2011, riêng chủng loại SVR 3R đạt 5.704 USD/ tấn. Gía xuất khẩu cao và tăng nhanh như thế nên người ta đua nhau trồng cao su, nhà nước đã khá là rộng tay khi lâp quy hoạch, kế hoạch đến năm 2015 diện tích cây cao su trên cả nước sẽ là 800.000 ha, thế nhưng mới hết năm 2013 diện tích cao su toàn quốc đã đạt tới 955. 600 ha, tức là vượt kế hoạch hơn 150 000 ha.<div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/huyentt/2014_7/caosu1204.jpg" width="500px"></div><p style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Công nhân Đội cao-su xã Ít Ong, huyện Mường La (Sơn La) chăm sóc vườn ươm</p></div><div>Vốn dĩ quy luật thị trường đối với thứ hàng hoá gì cũng vậy, cung phải cân đối với cầu, cung vượt cầu thì sẽ không bán hết hàng và giá sẽ hạ. Việc vượt quá nhiều diện tích trồng cao su so với kế hoạch, cộng với ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thế giới cũng đang tồn ế cao su, và những bấp bênh thị trường do ảnh hưởng của diễn biến chính trị toàn cầu, hay quan hệ giữa nước này với nước khác, đã khiến cho việc xuất khẩu hàng cao su giảm nhanh, số lượng giảm trên 20%, còn giá, tới tháng 6 năm 2014 chỉ còn chưa tới 1.850/ USD/ tấn, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2013 và 65% so với đỉnh điểm tháng 2 năm 2011. Thế mà tiêu thụ sản phẩm cao su chủ yếu là xuất khẩu, tới hơn 80%, thị trường Trung Quốc trước đây luôn chiểm tỷ lệ cao, hiện nay đã giảm nhiều. Giảm giá, đọng hàng, ngành cao su đã không còn đâu thời hoàng kim xuất khẩu. Từ một ngành hàng cho kim ngạch xuất khẩu 3,2 tỷ USD năm 2011, 6 tháng đầu năm 2014 chỉ còn 644 triệu USD, thua cả kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu đạt 790 triệu USD, dù diện tích trồng cao su cao gấp 20 lần diện tích hồ tiêu.<br></div><div><br></div><div>Thường thì lâu nay ế đọng, giảm giá nông sản là do xu hướng, tâm lý nông dân hay đổ xô vào trồng những cây đang đắt hàng, cao giá. Song trong việc trồng quá nhiều cao su, lỗi ở nông dân chỉ một phần, phần chính yếu hơn là do các doanh nghiệp kinh doanh cao su, đặc biệt là Tập đoàn cao su Việt Nam đã bằng các hình thức khuyến dụ, gieo hy vọng phơi phới làm giầu nhanh để dẫn dắt nông dân nhiều vùng vào việc chuyển hết đất canh tác sang trồng cao su, quan hệ với doanh nghiệp như hợp đồng kinh tế, nông dân góp đất, trồng và chăm sóc, lấy mủ cao su, doanh nghiệp cho vay vốn, cung cấp cây cao su giống, sản phẩm sẽ do doanh nghiệp mua bao tiêu. Vài ba năm trước khi cao su dễ bán, giá cao thì mọi sự êm thấm, đến lúc cao su hạ giá và khó bán, các doanh nghiệp ấy đã bỏ mặc nông dân khiến nhiều hộ nông dân phải đốn hạ vườn cao su. Theo thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho tới hết tháng 6 năm 2014 cả nước đã có 3.300 ha cây cao su bị chặt phá để chuyển đổi sang trồng các loại cây khác.</div><div><br></div><div>Để một số hộ nông dân rơi vào cảnh chặt bỏ cây cao su mới trồng vài ba năm, hay đã bảy tám năm, bắt đầu cho thu hoạch mủ, có trách nhiệm của các cấp, các ngành đã thiếu sự giám sát việc thực hiện kế hoạch trồng cao su, bỏ mặc tăng diện tích. Không những thế còn làm ngơ trước việc một số doanh nghiệp cao su bất chấp yếu tố địa thời tiết khí hậu, cứ khuyến khích nông dân những vùng thiên nhiên, khí hậu không hợp với cây cao su, nhiều bão lũ, ồ ạt trồng cao su, kết quả là nhiều cây cao su trồng đi trồng lại vẫn chết như ở Sơn La, hoặc bị bão lũ tàn phá như với các vườn cao su phía bắc Miền Trung năm 2103. Muốn cứu vãn tình hình, theo nhiều chuyên gia kinh tế, phải ngừng ngay việc trồng thêm cây cao su, đồng thời các cấp. các ngành có các biện pháp, kể cả hỗ trợ nông dân, các doanh nghiệp đã xui nông dân trồng cao su phải thực hiện hợp đồng kinh tế, bao tiêu sản phẩm, ứng trước một phần tiền mua để nông dân đừng chặt ồ ạt cây cao su. Xét chung, chỉ nên chặt những cây cao su già cỗi, gẫy đổ do bão, cương quyết giữ cây cao su trong vùng quy hoạch. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với Bộ Công Thương tìm thêm thị trường mới cho xuất khẩu cao su, thông báo thường xuyên giá cả và khả năng tiêu thụ mủ cao su để người trồng bớt lo mà giữ lại vườn cây cao su của nhà mình, không vội phá.</div><div><br></div><div style="text-align: right;"><b>Trung Vũ</b></div><div><br></div>