Cơ khí đã từng là ngành quan trọng cho sự phát triển công nghiệp, nông nghiệp và nhiều thứ ngành nghiệp khác nữa. Con người đã chuyển đổi từ sử dụng đồ đá, đến đồ đồng, rồi đồ sắt, đi liền với sự hình thành nghề cơ khí đơn giản từ những ông thợ rèn dao, rèn cuốc, đến những cơ sở, nhà máy làm ra các công cụ lao động từ đơn giản đến kỹ thuật hơn, công năng lớn hơn, nhằm nối dài thêm cánh tay lao động, nhẹ bớt sự nặng nhọc, tăng hiệu quả công việc. Bỏ qua cách nhìn phiến diện, lệch pha một thời về công nghiệp nặng, thì việc xây dựng các nhà máy cơ khí, phát triển ngành cơ khí vẫn là cần thiết cho sự phát triển nền kinh tế chung.
Sau khi đã có sự điều chỉnh trong phát triển các ngành công nghiệp cho phù hợp, thiết thực hơn, ngành cơ khí đã tiếp tục tồn tại, hoạt động, song, buồn một nỗi là cứ suy giảm dần. Để rồi, theo thông tin mới nhất từ Bộ Công Thương, tình trạng chung hiện nay của hầu hết các doanh nghiệp cơ khí trong nước là đều yếu về thiết bị công nghệ lẫn trình độ quản lý sản xuất hay nghiên cứu thị trường. Dẫn đến chất lượng sản phẩm thấp, yếu sức cạnh tranh để có thể xuất khẩu hay bán ngay tại thị trường trong nước khi sự hội nhập kinh tế mở rộng, hàng cơ khí nhiều nước ồ ạt tràn vào với chất lượng cao, giá bán rẻ. Thật đáng buồn khi mà hiện nay các doanh nghiệp cơ khí trong nước mới chỉ đáp ứng được 32% nhu cầu sản phẩm cơ khí mà nền kinh tế nước ta đang cần. Con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra trong chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam được công bố từ năm 2002, là phấn đấu đến năm 2010 ngành cơ khí đáp ứng 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước.
Tại sao lại có sự tụt hậu của ngành cơ khí như vậy? Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách vĩ mô phát triển ngành cơ khí trong thời gian qua đã được xây dựng bài bản, đầy đủ, nhưng khi triển khai lại không hiệu quả vì có độ sai lệch lớn giữa quyết định và tổ chức thực hiện. Chiến lược được hoạch định từ năm 2002, có kèm theo sự hứa hẹn hỗ trợ về vốn kinh doanh, nhưng tới năm 2011, thậm chí đến năm 2014 nhiều điểm, nhiều nơi mới thực hiện.
Chính sách ưu đãi về tín dụng thì rất ít doanh nghiệp được hưởng. Năm 2009, Thủ tướng Chính phủ lại ban hành tiếp Quyết định 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/01/2009 về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm và danh mục các sản phẩm, dự án đầu tư cơ khí trọng điểm, nhưng trên thực tế, sự hỗ trợ này không được thực hiện đầy đủ. Đến hết năm 2015, mới có 11 dự án được xem xét hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, cuối cùng chỉ có 3 dự án được ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Phát triển Việt Nam với số tiền là 374 tỷ đồng trên tổng số tiền dự định là 9.978,18 tỷ đồng. Năm 2012 Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có Quyết định 1791/QĐ-TTg ngày 29/11/2012 về tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước từng bước nâng cao năng lực, tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế và chế tạo thiết kế cho các nhà máy nhiệt điện, thúc đẩy phát triển ngành cơ khí trong nước. Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Viện nghiên cứu cơ khí, chưa có một nhà máy nào trong ba dự án được thực hiện theo yêu cầu tại quyết định 1.791 kể trên.
Làm thế nào để khắc phục tình trạng yếu kém, bất cập trên? Cũng theo các chuyên gia kinh tế, với đặc thù ngành cơ khí đòi hỏi nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi lại lâu, nên cần có tầm nhìn dài hạn với những chính sách phù hợp, nhất là khi xuất phát điểm của các doanh nghiệp cơ khí có quy mô nhỏ và vừa, trình độ kỹ thuật, công nghệ còn hạn chế. Được biết, mới đây Ngân hàng nhà nước đã đề nghị các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn đi liền với việc các doanh nghiệp cơ khí nâng cao năng lực tổ chức quản lý tài chính và công nghệ. Nhiều giám đốc công ty cơ khí kiến nghị: Cần nâng cao vai trò của nhà nước trong việc định hướng, tạo điều kiện cho phát triển cơ khí thông qua các chính sách về thuế, đất đai, tín dụng, đào tạo cán bộ, xây dựng các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ “mềm” cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo trong nước. Cũng cần có chính sách ngăn chặn việc đưa công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường vào Việt Nam. Cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp cơ khí trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Trước yêu cầu ngành cơ khí phải phát triển với các sản phẩm có chất lượng, chi phí sản xuất thấp, sức cạnh tranh cao để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tại Hội nghị mới đây bàn việc phát triển ngành cơ khí Việt Nam, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu: Cần có sự nỗ lực của tất cả các doanh nghiệp, hiệp hội, các chuyên gia kinh tế, kỹ thuật, nhà khoa học. Đặc biệt, cần có sự quyết liệt hơn của Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương trong việc hoàn thiện cũng như tạo ra các cơ chế chính sách ưu đãi hơn, khuyến khích hơn đối với ngành cơ khí, nhằm tạo môi trường thuận lợi để huy động nguồn lực phát triển ngành cơ khí Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Cần khẳng định Chính phủ không bảo hộ cho ngành nào, nhưng sẽ làm “bà đỡ” cho ngành cơ khí Việt Nam để ngành này có thế phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế đủ sức cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế, đội ngũ lao động chuyên nghiệp, có kỷ luật và có năng suất lao động cao, chủ động nghiên cứu, thiết kế chế tạo sản phẩm cơ khí cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong, ngoài nước. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về phát triển ngành cơ khí, cố gắng ban hành sớm trong năm nay. Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính cần đề xuất các chính sách cụ thể với ưu đãi vượt trội để ngành cơ khí phát triển, đến năm 2025 tập trung vào một số phân ngành ô tô, máy kéo, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện. Sau năm 2025 hình thành một số tổ hợp nhà thầu tư vấn và chế tạo có khả năng làm chủ công tác thiết kế chế tạo nhóm thiết bị phụ, gói thầu EPC của các công trình công nghiệp, tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp trong nước có tiềm năng trở thành các tập đoàn mạnh trong khu vực. Trong lĩnh vực chế tạo như ô tô, máy nông nghiệp và thiết bị điện, hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí đạt tiêu chuẩn nhà cung cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu với đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm vai trò chủ đạo./.
Trung Vũ