Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ nền của kinh tế và gia tăng sử dụng điện do mức sống nâng cao, thì mối lo có thể thiếu điện, mất điện vẫn cứ canh cánh với các cơ sở sản xuất cũng như người dùng điện sinh hoạt. Hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu về điện mỗi năm một cao thêm, ngành điện xây dựng thêm các nhà máy điện than để cung ứng, thì lại càng gia tăng sự ô nhiễm môi trường sống. Bởi thế, Chính phủ đã đưa ra chủ trương phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Theo đó, sẽ vừa có đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt, vừa hạn chế bớt sự ô nhiễm của thứ điện làm ra từ đốt nguồn năng lượng hóa thạch, thực là lợi cả đôi bề.
Để phát triển năng lượng tái tạo, nước ta đã được thiên nhiên ưu ái chuẩn bị sẵn cho nhiều tiềm năng để làm thủy điện, điện gió, điện mặt trời. Ước tính công suất tiềm năng năng lượng gió của Việt Nam có khả năng đạt khoảng 500 - 1.000kWh/m2 mỗi năm và số giờ nắng bình quân trong năm từ 2.500 - 3.000 giờ nhiệt độ bình quân trên 21 độ C. Một báo cáo của tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) cũng đưa ra đánh giá về tiềm năng kỹ thuật điện gió của Việt Nam là khoảng 215.000 MW, điện mt trời khoảng 340.000 MW. Việt Nam còn là quốc gia sản xuất nông nghiệp quy mô lớn nên có nguồn nguyên liệu dồi dào cho phát triển sản xuất năng lượng sinh học.
Với những tiềm năng to lớn đó, Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển mạnh năng lượng tái tạo, giảm dần sử dụng năng lượng hóa thạch. Khi dự hội nghị G7 mở rộng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh đến các chính sách, khuyến khích của Chính phủ Việt Nam, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, gia tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong hệ thống năng lượng quốc gia. Chính phủ đang thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi về đất đai, thuế, bảo lãnh, khuyến khích hợp tác công tư (PPP) nhằm thu hút mạnh đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, với đà phát triển tăng tốc của nền kinh tế Việt Nam thì ngày càng cần nhiều và đủ năng lượng để phát triển bền vững, đến năm 2030 công suất lắp đặt nguồn điện cả nước sẽ lên đến 130.000 MW, so với 47.000 MW hiện nay thì khoảng 83.000 MW nguồn điện mới sẽ phải được xây dựng và đưa vào vận hành, trong đó phải ưu tiên năng lượng tái tạo. Lượng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ tăng từ 58 tỷ kWh năm 2015 lên 101 tỷ kWh năm 2020, 186 tỷ kWh năm 2030 và 452 tỷ kWh năm 2050. Đến năm 2030, nước ta có khả năng phát triển khoảng 8.000 MW thủy điện nhỏ, 20.000 MW điện gió, 3.000 EMW điện sinh khối, 35.000 MW điện mặt trời.
Theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, để khuyến khích, dự án điện mặt trời sẽ được miễn thuế nhập khẩu một số mặt hàng hóa nhập để tạo tài sản cố định cho dự án, được xem xét miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước, giá bán điện năng lượng tái tạo được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá. Trước các chính sách cụ thể và khuyến khích đó của Chính phủ, bước đầu một số dự án điện tái tạo đã được các địa phương trong nước tiến hành xây dựng, như tỉnh Đak Lak đã xây dựng nhà máy điện mặt trời, có thể phát điện vào năm 2019 và 32 dự án điện mặt trời cùng với 14 dự án điện gió đã đăng ký xây dựng. Tới cuối năm 2018 các đơn vị trực thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã lắp đặt được 54 công trình điện mặt trời áp mái với tổng công xuất 3,2 MW, 1.800 hộ tham gia lắp đặt điện mặt trời với công xuất 30 MW, tuy nhiên những con số kết quả trên còn là quá nhỏ so với tiềm năng hiện có. Muốn phát triển mạnh mẽ và đều khắp hơn nữa năng lượng tái tạo, theo các chuyên gia kinh tế, cần sự hỗ trợ nhiều hơn từ phía Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công Thương cần có những biện pháp cụ thể cho người sản xuất điện mặt trời cũng như khách hàng sử dụng.
Nhà máy điện gió cũng đang được nhiều địa phương xây dựng, như Bạc Liêu đã xây dựng dự án điện gió có công suất lớn nhất trong 4 dự án điện gió đang triển khai tại Việt Nam. Tỉnh Sóc Trăng đang triển khai dự án điện gió của Tập đoàn Phú cường. Tỉnh Trà Vinh vừa quyết định thực hiện dự án nhà máy điện gió Hiệp Thạnh với tổng vốn đầu tư gần 3.370 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2020.
Việc phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, ngoài nỗ lực trong nước còn đang nhận được sự hợp tác hỗ trợ của các nước và các nhà đầu tư nước ngoài. Tại hội thảo quốc tế bàn về phát triển năng lượng tái tạo, hướng tới giảm khí carbon, do đại sứ Vương Quốc Anh cùng với Bộ Thương mại quốc tế (DIT), Hội đồng công nghiệp năng lượng (EIC), Hiệp hội doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BBGV) và Hiệp hội năng lượng Việt Nam (VEA) đồng tổ chức mới đây tại Việt Nam, đã đưa ra nhiều ý kiến bổ ích. Phía Việt Nam đã trình bày các cơ chế chính sách hỗ trợ ưu đãi cho các nhà đầu tư xây dựng điện mặt trời, điện gió, điện từ chất thải rắn, điện sinh khối, mở rộng cửa đón làn sóng đầu tư quốc tế vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo. Các đại biểu dự hội thảo đã rất hoan nghênh các chính sách của Việt Nam và hứa sẽ đóng góp các phương án vào việc phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, chia sẻ nhiều kinh nghiệm của Vương quốc Anh và quốc tế, trao đổi ý kiến về các giải pháp, khả năng hợp tác với Vương Quốc Anh trong phát triển các dự án về năng lượng tái tạo, khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế và Anh Quốc cho các dự án năng lượng tạo tại Việt Nam. Đại sứ Vương quốc Anh đã đánh giá Việt Nam đang nổi lên là một nhà sản xuất quan trọng ở Đông Nam Á, nhu cầu phát triển nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam ngày càng tăng, Vương quốc Anh dẫn đầu thế giới về điện gió với công suất lắp đặt lớn nhất toàn cầu, cam kết giúp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển hướng sang nền kinh tế xanh, trong đó, có việc chuyển hướng sản xuất điện rút dần khỏi nguyên liệu hóa thạch và gia tăng thị phần của năng lượng tái tạo trong những năm tới.
Đại diện các nhà đầu tư nước ngoài đặt ra vấn đề: Để tăng cường cơ hội tài trợ xanh, Việt Nam cần thiết kế một môi trường cho phép thúc đẩy tài trợ, các chính sách công và hành động thu hút đầu tư tư nhân cũng như đầu tư nước ngoài. Đồng thời, cần hài hòa các chính sách tài chính, giá năng lượng để có mức giá hợp lý hơn, cải cách và đơn giản hóa quá trình cấp phép và thu hồi đất để lập các dự án năng lượng tái tạo. Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ CôngThương đã lắng nghe các ý kiến đó để có chính sách phù hợp, đẩy nhanh hơn công cuộc phát triển năng lượng tái tạo./.
Trung Vũ