Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra trong đô thị thông minh

Thứ hai, 10/06/2019 09:54
(ThanhtraVietNam) - Nếu như trước đây, việc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra có nơi, có lúc mang nhiều tính chất khẩu hiệu thì tại đô thị thông minh (ĐTTM) các chức năng tham gia ý kiến, phản biện và giám sát xã hội của người dân sẽ đi vào thực chất với việc lấy người dân làm trung tâm. Nhiều ý kiến chuyên gia đã, đang đóng góp tích cực để xây dựng, hoàn thiện khung kiến trúc công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để ĐTTM thực sự thông minh và phát triển bền vững.

“Tài nguyên thiên nhiên” sẽ được dịch chuyển thành “tài nguyên số”

Theo định nghĩa về ĐTTM của Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) được chấp nhận bởi hơn 100 quốc gia trên thế giới thì một thành phố thông minh và bền vững là một thành phố sử dụng ICT và các phương tiện khác để nâng cao chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động của dịch vụ đô thị cũng như khả năng cạnh tranh. Đồng thời, đảm bảo rằng nó đáp ứng được nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai về kinh tế, xã hội, môi trường.

leftcenterrightdel
 Nút giao thông Phạm Ngọc Thạch - Xã Đàn (Hà Nội), hoạt động giao thông được giám sát bằng camera và lực lượng chức năng có thể quản lý từ xa. Ảnh: O.H

Nhiều ý kiến nghiên cứu chỉ ra rằng, việc xây dựng ĐTTM đang là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới hướng tới. Đối với Việt Nam, bối cảnh thể hiện rất rõ những đặc điểm, đặc trưng riêng, không giống với các quốc gia khác. Cụ thể về đổi mới tăng trưởng, trong những năm qua, Việt Nam chủ yếu phát triển kinh tế nhờ khai thác tài nguyên môi trường, khoáng sản, dầu mỏ...Nguồn tài nguyên giảm dần dẫn tới cạn kiệt cùng với những hệ lụy về môi trường khiến cho chúng ta không thể duy trì mãi đà tăng trưởng kinh tế ấn tượng như những năm qua. Do vậy, việc đổi mới mô hình tăng trưởng là một yêu cầu cần thiết. Và trong bối cảnh hiện tại của quốc tế và Việt Nam, khái niệm “tài nguyên thiên nhiên” sẽ được dịch chuyển thành “tài nguyên số”, tài nguyên này sinh ra từng ngày, từng giờ và khả năng khai thác là vô tận. Quan điểm đó cũng là một động lực để thúc đẩy xây đựng các ĐTTM bền vững, và khung kiến trúc ICT cho ĐTTM tại Việt Nam cần thể hiện được điều đó.

Theo ThS. Nguyễn Hoàng Anh, Viện Công nghệ thông tin và truyền thông, việc quản lý hiệu quả vốn đầu tư cũng là một trong những yêu cầu khi xây dựng ĐTTM. Hiệu quả ở đây thể hiện ở việc định cỡ được nguồn đầu tư, đầu tư không bị trùng lặp, không thiếu sót, có khả năng mở rộng trong tương lai mà không phải tái đầu tư. Với những đô thị chưa có khả năng đầu tư một lúc thì yêu cầu đặt ra có thể đầu tư từng phần, từng module nhưng có khả năng mở rộng, tích hợp được với các hệ thống khác trong tổng thể. Có như vậy, việc đầu tư mới hiệu quả, không bị trùng lặp, không bị tái đầu tư hoặc đầu tư nhưng lãng phí những công đoạn tích hợp, tối ưu hệ thống.

ĐTTM tại Việt Nam còn mang đặc trưng riêng khi dữ liệu sẵn sàng, thông tin được chia sẻ. Cụ thể, là hệ thống hành chính công và các hệ thống của bộ, ngành hoạt động, các dữ liệu được thu thập, lưu giữ và các dữ liệu mới được sinh ra rất nhiều, từng ngày, từng giờ. Đây là nguồn dữ liệu cực kỳ có giá trị đối với bất kỳ một quốc gia hay đô thị nào. Tuy nhiên thực tế, việc cung cấp và công khai dữ liệu để các tổ chức, cá nhân, tổ chức, các công ty cùng tham gia khai thác, sử dụng, tạo ra dịch vụ trên đó là hầu như không có. Do vậy, đây cũng chính là bối cảnh mà khung kiến trúc ICT đưa ra cần giải quyết vấn đề dữ liệu cần phải sẵn sàng, có thể khai thác được.

leftcenterrightdel
Nhiều thủ tục đăng ký, mua vé máy bay được người dân chủ động thực hiện trực tuyến giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả. Ảnh: O.H 

ĐTTM phải giải quyết bài toán về minh bạch, hòa nhập cộng đồng và tăng sự hài lòng của người dân

Xu thế những năm gần đây phát triển ĐTTM được Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm và đẩy mạnh, trong đó xu hướng lấy người dân làm trung tâm luôn được nhấn mạnh. Nếu như trước đây việc dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra có nơi, có lúc mang nhiều tính khẩu hiệu thì mong muốn khi phát triển  ĐTTM bền vững là người dân có được đầy đủ thông tin, kịp thời, có thể tham gia vào các lĩnh vực cuộc sống. Lấy người dân làm trung tâm còn cần thể hiện ở các nền tảng hay ứng dụng ĐTTM phải có mục tiêu làm cho đời sống của người dân tốt lên, tiện nghi hơn, môi trường, khí hậu tốt hơn, và phải phát triển một cách bền vững cho thế hệ sau trong tương lai.

“Đối với đô thị, ĐTTM là giải pháp để giải quyết các vấn đề về đô thị như giao thông, môi trường, quản lý đô thị...Đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển hệ thống, giải pháp cho ĐTTM chính là mảnh đất đầy tiềm năng. Còn đối với người dân của đô thị, ĐTTM giải quyết bài toán về minh bạch, hòa nhập cộng đồng và tăng sự hài lòng của người dân với đô thị. Chính bối cảnh đó, đã thúc đẩy việc xây dựng ĐTTM, trong đó ICT giữ vai trò chủ đạo giúp cho các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp và người dân thấu hiểu đô thị hơn, từ đó quản lý, vận hành và phát triển tốt hơn”. Chuyên gia từ Viện Công nghệ thông tin và truyền thông nhấn mạnh.

6 bước xây dựng khung kiến trúc ICT cho đô thị thông minh

Theo các chuyên gia công nghệ thông tin: Có thể hiểu một cách đơn giản, khung kiến trúc ICT cho ĐTTM xác lập các quy định chung để tạo lập, giải thích, phân tích và sử dụng mô tả kiến trúc cho các bên liên quan đến ĐTTM trong lĩnh vực ICT. Phương pháp xây dựng khung kiến trúc ICT cho ĐTTM tại Việt Nam tuân thủ theo phương pháp đưa ra bởi các tổ chức chuẩn hóa quốc tế như ISO, ITU...kết hợp với các điều kiện thực tế. Để xây dựng khung kiến trúc ICT cần trải qua 6 bước: xác định nhu cầu, xác định phạm vi, xác định các bên liên quan, xác định tập các nguyên tắc, đưa ra các yêu cầu chức năng và đưa ra các góc nhìn.

Oanh Hữu

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra