Năm 2018, CPI nước ta chưa đến 4% là một kết quả đáng mừng. CPI tăng thấp, không khiến lạm phát cao, phù hợp với mức tăng lương của người này, thu nhập của gia đình khác, khiến họ đủ tiền mua sắm những thứ cần thiết trên một thị trường hàng hoá giá cả hàng hóa ổn định, chí ít là còn kiểm soát được. Từ niềm vui với CPI thấp năm 2018, Nhà nước, nhân dân cũng mong năm 2019 lại đạt được kết quả như vậy, nên chỉ tiêu mà Chính phủ đưa ra, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo CPI năm 2019 cũng bằng, hoặc thấp hơn 4%. Bởi thế mà tinh thần chung là ngay từ đầu năm đã thấy cần phải kiểm soát CPI cho cả năm.
Để làm tốt việc này, trước tiên hãy nhìn lại tình hình diễn biến CPI từng tháng của năm cũ để đúc rút kinh nghiệm vận hành kiểm soát CPI, chống lạm phát trong năm mới. Có thể nói trong năm 2018, CPI là một chỉ tiêu phập phù, lo ngại nhất, có những tháng tăng thấp, nhưng cũng có những tháng lại tăng cao, dẫn đến nhiều lúc lo âu, liệu cả năm CPI có không quá 4% được không? Thậm chí có những dự báo kèm theo trấn an là sẽ tăng hơn 4%, song không nhiều. Thế rồi cuối năm mới thở phào với công bố của Tổng cục Thống kê rằng CPI cả năm 2018 chưa đến 4%, đồng nghĩa là không lạm phát.
Để có kết quả trên, theo sự đánh giá của Chính phủ và các chuyên gia kinh tế, trước hết là do chính sách tiền tệ, điều hành hợp lý và quản lý giá của Chính phủ sáng suốt, hiệu quả, nhiều chỗ thông minh, sáng tạo, quả quyết hơn nhiều năm trước, không còn những hiện tượng điều hành giá theo kiểu giật cục, gây sốc. Diễn biến chỉ số giá năm 2018 biến động theo hướng tăng dần qua các tháng, từ mức 2,65% trong tháng 1, tiến dần đến mức 3,01% bình quân 5 tháng, tăng với tốc độ nhanh hơn trong hai tháng tiếp theo lên mức 3,45% bình quân tháng và dần ổn định trong khoảng 3,5 - 3,6% trong các tháng cuối năm, kết cục CPI bình quân 2018 tăng 3,54% so với bình quân năm 2017, riêng CPI tháng 12 năm 2018 tăng 2,98% so với tháng 12 năm 2017.
Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, công tác quản lý điều hành giá năm 2018 có nhiều thách thức, khó khăn, nhất là khi mặt bằng giá trong nước chịu những áp lực lớn ngay từ nửa đầu năm bởi các yếu tố thị trường khách quan. Các diễn biến bất lợi của tỷ giá cũng như các căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng có tác động lên mặt bằng giá ở nước ta. Trước thực tế đó, theo sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, Bộ Tài chính đã chủ động tham mưu cho Chính phủ các biện pháp phù hợp nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đầy tăng trưởng. Công tác quản lý điều hành giá luôn bảo đảm tính công khai minh bạch, chú trọng đẩy mạnh công tác tổng hợp phân tích giá cả thị trường, diễn biến CPI từng tháng, xây dựng kịch bản điều hành giá chi tiết phù hợp trong từng thời điểm, thời kỳ.
Để có thể đảm bảo kiềm chế lạm phát dưới 4% trong năm 2019, ngoài vận dụng kinh nghiệm của năm cũ, Chính phủ đã và sẽ có các chủ trương, biện pháp mới, nhiều chuyên gia kinh tế đã đề xuất các cách thức thông minh, sáng tạo, trong đó có việc cần tận dụng mọi tình thế, cơ hội trong, ngoài nước. Hiện mức khởi điểm của CPI trong tháng đầu năm 2019 đang nhiều khả năng cũng sẽ ở mức dưới 3%, nhất là sau những đợt liên bộ Công thương, Tài chính quyết định giảm giá xăng dầu. CPI thấp so với cùng kỳ của tháng đầu năm 2019 sẽ có tác động tích cực đến CPI của tất cả các tháng trong năm. Năm 2019 cũng còn nhiều yếu tố khác giúp kiềm chế lạm phát như giá thịt lợn nhiều khả năng sẽ không tăng, dự báo kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại và lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng đang ở trong giai đoạn cuối, dẫn đến nhu cầu đối với đồng USD sẽ không tăng mạnh như trước, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang dịu bớt. Có thể thấy cả 3 yếu tố khiến cho CPI những tháng đầu năm 2018 tăng mạnh là giá xăng dầu, giá thịt lợn và tỷ giá USD, đều được dự báo sẽ giảm và ổn định hơn trong những tháng đầu năm 2019. Điều đó có nghĩa là nhiều khả năng CPI trong năm 2019 sẽ thấp hơn năm 2018, tạo yếu tố thuận lợi để đảm bảo CPI ở mức thấp cả năm.
Những kết quả mang lại từ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương chính thức có hiệu lực từ tháng 01 năm 2019, sẽ tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như giảm đóng thuế, tăng lợi nhuận cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường xuất khẩu, cũng chính là cơ hội để kiểm soát CPI. Khả năng kiểm soát tốt CPI của năm 2019 còn dựa trên sự phát triển kinh tế nước ta tiếp tục mạnh và tăng trưởng ở mức cao, nhiều dự đoán GDP năm 2019 có thể đạt 6,6 - 6,8%. Giá hàng hóa thế giới cũng sẽ không gây áp lực nhiều lên CPI ở nước ta do dự báo ít biến động trong năm 2019 và giá dầu cũng không tăng cao. Căn cứ vào các yếu tố vĩ mô, tình hình chính trị kinh tế trong nước và quốc tế, các cơ quan chức năng như Tổng cục Thống kê, Bộ Tài chính và Ngân hàng nhà nước cùng đưa ra dự báo chỉ số CPI trong năm 2019 sẽ ở mức dưới 4%.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, vẫn còn nhiều yếu tố khó khăn, rủi ro tiềm ẩn cả bên trong lẫn bên ngoài tác động tới CPI, có những nhân tố nằm ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ khiến Chính phủ cần phải theo dõi sát sao để có những phản ứng kịp thời. Với những nhân tố mang tính chủ quan, cần sự điều hành sáng suốt, quản lý chặt chẽ của Chính phủ, nhất là vai trò của Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công thương. Theo đó, cần có sự ứng phó kịp thời với những diễn biến bất thường của kinh tế thế giới năm 2019 vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức, biến động khó lường, dễ tạo thành những cú sốc với kinh tế trong nước.
Để kiểm soát CPI ở mức thấp, cần những nỗ lực và những quyết tâm từ Chính phủ và chung sức từ các bộ ngành, địa phương, cân nhắc kỹ việc tăng giá dịch vụ công như y tế, giáo dục. Cần kết hợp tăng trưởng với nới lỏng tiền tệ và chính sách tài khóa hợp lý. Đảm bảo nguồn cung hàng hóa, tránh tăng giá đột biến, thực hiện bình ổn giá vào các dịp lễ tết, thận trọng việc tăng thuế môi trường, cần làm tốt công tác lưu thông phân phối hàng hóa, đưa thẳng hàng hóa nhanh chóng, ít chi phí từ sản xuất tới tiêu dùng.
Ngoài ra, năm 2019 cần kiểm soát tốt thị trường bất động sản vì vẫn tiềm ẩn rất nhiều yếu tố thất thường. Đối với những hàng hóa dịch vụ do nhà nước quản lý giá, các bộ được giao trách nhiệm quản lý, cần có sự phối hợp chặt chẽ nhằm hạn chế việc tăng giá, cộng hưởng tác động tăng giá với tâm lý hoang mang nhất thời về giá tăng của người dân. Trên đà thắng lợi của năm trước và những bài học kinh nghiệm năm cũ, kế hoạch cũng như dự báo phát triển kinh tế xã hội năm 2019, chắc chăn việc phấn đấu để đạt mức 4% CPI năm 2019 là hoàn toàn khả thi.
Trung Vũ