Đầu xuân, ba nhà cùng hợp sức phát triển nông nghiệp

Thứ hai, 18/02/2019 09:18
(ThanhtraVietNam) - Mùa xuân là mùa khí hậu ấm áp, mưa xuân lây phây, kích thích cây cối đâm chồi nảy lộc, nên từ nghìn đời nay, mùa xuân luôn là mùa trồng cây, mở đầu cho một năm nông nghiệp. Cũng là lúc mà ba nhà: Nhà nông, nhà kinh doanh, nhà khoa học hợp sức phát triển ngành nông nghiệp.

Ba, bốn mươi năm trở lại đây, đất nước tiếp đà đổi mới và vận dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất kinh doanh thì sau tết Nguyên đán lại càng là thời điểm mà ngành nông nghiệp được nhà nông, nhà kinh doanh và nhà khoa học cùng nhau nỗ lực, hợp sức, tăng vốn đầu tư, góp thêm trí tuệ để phát triển sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng nông sản, gia tăng sự tiêu thụ hàng hóa nông nghiệp trên thị trường trong nước, nhất là xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.

Theo Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản xuất khẩu (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc xuất khẩu các mặt hàng hạt tiêu, thủy hải sản, đồ gỗ sẽ rất thuận lợi trong năm mới Kỷ Hợi, đặc biệt mặt hàng gạo có nhiều đơn đặt hàng từ Philippines và Indonesia ngay từ đầu năm. Có điều là gạo Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu khác như Thái Lan, Campuchia và Myanmar nên rất cần sự liên kết giữa nông dân bán gạo chất lượng cao, các doanh nghiệp làm tốt việc thu mua gạo, giá cả hợp lý, khuyến khích nông dân.

Bên cạnh đó, xuất khẩu mặt hàng trái cây năm 2018 đạt kỷ lục rất cao, tới 3,8 tỷ USD, sang năm mới triển vọng xuất khẩu tốt nếu đáp ứng được các điều kiện khắt khe hơn về chất lượng, an toàn vệ sinh vệ sinh thực phẩm. Năm 2019, Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực, 90% dòng thuế xuất khẩu vào EU, trong lộ trình 3 - 4 năm sẽ giảm về 0%, tạo lợi thế lớn cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Một mô hình trồng nấm công nghệ cao có sự tham gia hợp tác của ba nhà. Ảnh PV

Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2018 dự kiến ban đầu là 2,1 - 2,2 tỷ USD, nhưng thực tế đạt đến gần 2,3 tỷ USD, có lợi cho người nông dân nuôi cá tra cũng như doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra. Cá tra của Việt Nam hiện đã có mặt tại 131 quốc gia và vùng lãnh thổ. Có ba thị trường xuất khẩu cá tra chính, lớn của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, EU, Mỹ, tháng 12 năm 2018 kim ngạch cá tra của nước ta vào Mỹ đã đạt tới 61,543 triệu USD, giá bán cá tra tại đây lại tăng gần 50% so với trước.

Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản năm 2019, cần rút kinh nghiệm của năm 2018, phát huy những ưu thế của các mặt hàng xuất khẩu mạnh, khắc phục yếu kém của những mặt hàng xuất khẩu được ít, hay sụt giảm. Như với xuất khẩu sắn và các sản phẩm chế biến từ sắn, từ chỗ đạt tỷ USD mỗi năm, sang 2018 đã tụt xuống chỉ còn 958,4 triệu USD, giảm 3,8% về lượng, 7,1% về giá trị so với năm 2017. Nguyên nhân là nguồn cung khan hiếm ảnh hưởng đến chế biến sắn, dịch bệnh trên cây sắn nhiều liên đới tới chất lượng hàng sắn xuất khẩu.

Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2019, phải làm sao để nông dân cung cấp đủ và tốt nguyên liệu củ sắn, các nhà máy chế biến sắn phải chế biến mặt hàng này chất lượng bảo đảm, hấp dẫn khách mua hơn, doanh nghiệp xuất khẩu sắn và các mặt hàng từ sắn tìm thêm thị trường, đừng quá lệ thuộc vào một thị trường. Đồng thời, Nhà nước có chế độ chính sách hỗ trợ tốt hơn cho sản xuất, chế biến sắn.

Chè cũng là một mặt hàng xuất khẩu nhiều tiềm năng, song năm 2018 xuất khẩu là 128.000 tấn, thu về 219 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và giảm 3,4% về trị giá so với năm 2017. Muốn phát triển ngành chè và gia tăng xuất khẩu cần  nâng cao khả năng cạnh tranh về giá và chú ý hơn đến chất lượng sản phẩm. Các doanh nghiệp trồng chè, xuất khẩu chè của Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa vào công nghệ chế biến sâu sản phẩm, phối trộn với các thứ nước uống khác tạo nên hương vị đa dạng, giảm các chất gây tác dụng phụ trong chè để bắt kịp thị hiếu tiêu dùng chè trên thế giới.

Về chăn nuôi, năm 2018 xuất khẩu đạt 550 triệu USD, nhưng phải nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi trên 3,5 tỷ USD. Sản phẩm chăn nuôi, nhất là thịt lợn phần lớn tiêu thụ tại thị trường trong nước, sức bán cũng như giá cả phập phù cao thấp, đã có năm phải kêu gọi mọi người mua nhiều thịt lợn để giải cứu chuyên ngành nuôi lợn. Để ngành chăn nuôi phát triển, ngành này  đang tìm mọi cách thoát khỏi những điểm yếu kém, bất cập, đồng thời tạo bước chuyển mạnh mẽ từ lượng sang chất, từ quy mô nhỏ sang quy mô lớn, không chỉ từ sự chủ động vươn lên của các hộ nông dân, mà còn rất cần thu hút các doanh nghiệp bỏ vốn lập các cơ sở chăn nuôi lợn, trâu bò và chế biến thực phẩm . Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), năm 2019 ngành chăn nuôi sẽ đẩy mạnh việc làm ra các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, giữ bình ổn giá trong nước, quản lý giá thức ăn chăn nuôi, đẩy mạnh sản xuất các cây trồng là nguồn cung cấp nguyên liệu chế biến thức ăn, ngăn ngừa chất cấm và tăng cường giải pháp nâng cao sức cạnh tranh phát triển ngành chăn nuôi, tổ chức lại sản xuất của ngành này theo hướng liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. Người nuôi chỉ lo sản xuất theo tiêu chí đề ra, các khâu còn lại như giết mổ, chế biến, tiêu thụ hàng do doanh nghiệp và hợp tác xã lo.

Từ thực tế của năm 2018 cũng như mục tiêu yêu cầu của năm 2019 càng cần thực hiện hiệu quả phương án doanh nghiệp đồng hành cùng nông dân, phát huy sự đóng góp rất lớn của các doanh nghiệp. Năm 2018, số doanh nghiêp nông nghiệp được thành lập mới là 2.200, nâng tổng số doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp lên 9.235, có 16 nhà máy chế biến rau quả, thịt lợn hiện đại đã được khánh thành với tổng mức đầu tư 8.700 tỷ đồng. Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như Nghị quyết 19-2018/NQ-CP của Chính phủ và Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã rà soát, đơn giản hóa 173 trong số 345 điều kiện kinh doanh, tạo thêm nhiều sự dễ dàng thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển trong ngành nông nghiệp.

Thực tế tốt đẹp của mối liên kết trong năm 2018 cũng đang định hướng cho năm 2019 trong việc mời gọi, tạo quan hệ tốt cũng như điều kiện cho các nhà khoa học tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn, nghiên cứu tư vấn về phát triển chuỗi giá trị nông sản, xây dựng thương hiệu nông sản, Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam (PhaNo) đã thực hiện 12 đề tài dự án nghiên cứu về các lĩnh vực trên, trong đó có đề án nghiên cứu đẩy mạnh liên kết sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, dự án hỗ trợ liên kết nông dân nhỏ với thị trường, nghiên cứu và phổ biến 6 giống lúa mới cấp quốc gia. Vấn đề cần thực hiện trong năm 2019 là khắc phục sự tách rời giữa khoa học, trí thức và nông nghiệp nông thôn, phấn đấu hiệu quả hơn việc đưa tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp, đưa được nhiều cử nhân, kỹ sư nông nghiệp về làm việc ở nông thôn hay trong các doanh nghiệp nông nghiệp./.

                                                                                                     Trung Vũ

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra