Việc kinh tế nước ta phát triển mạnh mẽ, phong phú đang tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh bán lẻ, duy trì mô hình bán lẻ truyền thống, đồng thời phát triển thương mại điện tử, giúp khách hàng dễ mua hàng hơn. Ngay với mô hình bán lẻ truyền thống thì các doanh nghiệp cũng đã không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ và ứng dụng công nghệ hiện đại với nhiều sáng tạo để theo kịp được với sự cạnh tranh bán lẻ trên thế giới và du nhập Việt Nam.
Một mô hình mới đáng chú ý là chuỗi bán lẻ. Hiện thị trường đang chứng kiến một loạt chuỗi bán lẻ di động với phong phú các loại mặt hàng điện máy, thời trang, giầy dép, mỹ phẩm, dược phẩm và đồ ăn uống. Theo dự tính của nhiều chuyên gia kinh tế, thị trường bán lẻ nước ta đang có nhiều dư địa, sẽ đạt tốc độ tăng trưởng lên đến 11,9% vào năm 2020.
Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng đang thu hút một lượng lớn nguồn vốn nước ngoài, nhiều tên tuổi lớn kinh doanh bán lẻ của nhiều nước đã xuất hiện tại Việt Nam, hệ thống cửa hàng tiện lợi của bán hàng nước ngoài cũng hiện diện khắp ngõ ngách của thị trường bán lẻ ở nước ta. Sự gia tăng đầu tư bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam vừa làm phong phú, sôi động thị trường bán lẻ nước ta, tiện lợi cho sinh hoạt mua sắm của người tiêu dùng, song cũng gây sức cạnh tranh rất mạnh. Các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài không chỉ thiết lập nhiều cơ sở bán lẻ tại Việt Nam, mà còn thâu tóm mua bán sát nhập nhiều cửa hàng bán lẻ trong nước, dẫn đến bán lẻ trong nước lao đao mất cơ sở, mất thị phần, nhiều doanh nghiệp bán lẻ trong nước. Kể cả một số doanh nghiệp hoạt động kinh doanh bán lẻ từng có tên tuổi tầm cỡ nhiêu năm đã rơi vào tay các tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan, Nhật Bản. Một số doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài sớm đến Việt Nam nhưng kinh doanh nhỏ hoặc kém cũng bị các ông lớn nước ngoài thâu tóm.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi đến Việt Nam đã vận dụng rất nhiều cách hay, kinh nghiệm bán hàng giỏi của họ để đầu tư xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa. Trong đó, nhanh, mạnh nhất là họ chọn phương án mua lại các hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp trong nước rồi đưa công nghệ hiện đại vào kinh doanh, đã thế họ lại có tiềm lực tài chính lớn, huy động được nguồn vốn lãi suất thấp ở nước họ so với lãi suất ở Việt Nam. Nhất là họ đã thức thời tìm hiểu kỹ được thói quen tiêu dùng của người Việt Nam nên chiều được khách, bán hàng nhanh và nhiều.
Trong khi các doanh nghiệp bán lẻ trong nước vốn thì ít, đi vay thì lãi suất cao, thiếu kinh nghiệm và phải chịu nhiều khoản chi phí kể cả chi phí bôi trơn cho các thủ tục hành chính. Thêm sự thiếu kỹ năng bán hàng, kém sự chăm sóc khách hàng, ít, thậm chí không thực hiện xúc tiến thương mại, nên hiệu quả kinh doanh chưa cao, chưa phối hợp tốt giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bán lẻ.
Tuy thế, hệ thống bán lẻ trong nước về số lượng không hề ít, có tới 800 trung tâm thương mại, 9.000 chợ, 2,2 triệu hộ bán lẻ. Đây là điều kiện rất tốt nếu biết khai thác, phát huy mặt mạnh để khỏi thua trên sân nhà trong cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp bán lẻ ngoại.
Nhiều chuyên gia bán lẻ cho rằng cần phải đi sâu tìm hiểu văn hóa và sự thay đổi sở thích tiêu dùng của người Việt, thay vì cung cấp sản phẩm doanh nghiệp sẵn có, bằng việc cung cấp sản phẩm người tiêu dùng cần, nhất là xây dựng niềm tin tiêu dùng, hấp dẫn và níu kéo khách hàng bằng sản phẩm chất lượng, đẹp và an toàn. Vừa cạnh tranh với doanh nghiệp ngoài, vừa có thể bắt tay hợp tác cùng những doanh nghiệp mạnh, có thể mua lại các doanh nghiệp nhỏ bé trong nước để tăng sức mạnh của bán lẻ nội địa.
Thực tế đang cho thấy một số tập đoàn kinh tế trong nước tầm vóc lớn đang bắt đầu đủ sức cạnh tranh với bán lẻ nước ngoài như tập đoàn kinh doanh đa lĩnh vực Vingroup bắt đầu đẩy mạnh thêm lĩnh vực bán lẻ, đã mua lại được hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp bán lẻ trong nước và nước ngoài.
Cùng với việc Chính phủ đã và đang đưa ra nhiều biện pháp, quyết định phù hợp để phát triển thị trường bán lẻ trong nước một cách bền vững, Hiệp hội bán lẻ và các doanh nghiệp bán lẻ cũng cần xác định một cách thông minh, kỹ càng, sáng tạo mục tiêu kinh doanh trước mắt cũng như dài hạn, có lộ trình phát triển thêm kỹ năng, tài khéo bán hàng gắn với xu thế phát triển của thương mại điện tử, ứng dụng hiệu quả cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Điều mà các nhà bán lẻ rất mong là nhà nước có thêm các chính sách bảo vệ các nhà bán lẻ, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, giảm thuế thu nhập cho họ. Bản thân các doanh nghiệp bán lẻ cũng cần phát huy lợi thế, hiệu quả của phong trào người Việt dùng hàng Việt để phát triển thị trường bán lẻ trong nước từ các đô thị lớn đến các phố thị nhỏ, các chợ truyền thống, làng quê miền núi, phải đưa được hàng Việt vào các siêu thị lớn, nhỏ trong nước cũng như các siêu thị nước ngoài. Đồng thời đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ các nước, tìm kiếm khách hàng ở thị trường bán lẻ các nước và người tiêu dùng nước ngoài. Muốn làm tốt việc này, phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cung cấp hàng hóa có chất lượng cao phù hợp với tâm lý, thị hiếu người nước ngoài tùy theo mỗi nước mình mang hàng đến bán.
Bộ Công Thương cũng đã tổ chức chương trình tuần hàng Việt Nam tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở nhiều nước. Phát huy đặc tính, ứu thế hàng bán lẻ Việt Nam cần phải chú ý xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng Việt, chấp hành các điều kiện mà các hiệp định thương mại và các nước đặt ra như truy xuất nguồn gốc sản phẩm, áp dụng các tiêu chuẩn chất lương quốc tế, bởi đấy chính là những điều kiện tối thiểu để có thể đưa hàng Việt đến bán lẻ ở các nước.
Trở lại thị trường trong nước, cần phải có mặt bằng bán lẻ, là những cửa hàng, siêu thị để bày hàng bán lẻ, phục vụ tốt khách hàng theo kịp với thực tế là hành vi, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam đang thay đổi rất nhiều theo hướng thích sự tiện lợi, thoải mái và cách sống hiện đại. Trung tâm thương mại, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ phải là không gian cung cấp hàng hóa cho thật tốt với nhiều hình thức phong phú, vừa hấp dẫn khách mua hàng bằng sự tiện nghi, vừa kết hợp với một số hoạt động vui chơi giải trí. Muốn có mặt bằng bán lẻ như thế thì sự tự thân lo toan của doanh nghiệp bán lẻ là vô cùng cần, song vẫn chưa đủ, mà còn cần sự hỗ trợ về chính sách của các cơ quan nhà nước, sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương./.
Trung Vũ