Ngày mùng 6 Tết, trong quang cảnh đông vui nông dân ra đồng cấy lúa, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đến tỉnh Yên Bái phát động Tết trồng cây, tiếp tục phát huy truyền thống hàng năm. Ngày 28/11/1959, chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài đăng trên báo Nhân dân với nhan đề “Tết trồng cây”, phân tích ý nghĩa to lớn và lợi ích thiết thực của việc trồng cây gây rừng đối với đất nước, gia đình và mỗi người dân. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo toàn Đảng toàn dân và toàn quân, các cấp các ngành, các địa phương hăng hái tham gia trồng cây trồng rừng, đồng thời nâng cao ý thức và có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ rừng ngăn chặn tình trạng chặt phá rừng. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng đã nhắc đến Chương trình nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 41,85% trong năm 2019.
Ngày 07 tháng Giêng, hết kỳ nghỉ tết, khi công nhân trở lại nhà máy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chủ trì họp thường trực Chính phủ bàn thảo việc phát triển kinh tế xã hội, nhấn mạnh phương châm hành động của Chính phủ năm 2019 là kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả. Thủ tướng lưu ý: Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các cấp các ngành không được chủ quan, cần tiếp tục thực hiện chủ trương nhất quán là củng cố nền tảng vỹ mô, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh.
Trước đó, Thủ tướng đã đi thăm Công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, nhân đó nhận xét: Nông nghiệp không chỉ là bài toán kinh tế, sinh kế lâu dài của phần đông dân số Việt Nam, mà còn là vấn đề xã hội rộng lớn, là điều kiện để nước ta thành công trên con đường phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, độc lập tự cường, thịnh vượng, không để người dân nào bị bỏ lại phía sau. Thủ tướng yêu cầu chuyển đổi mạnh mẽ nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng khoa học công nghệ, đa dạng sản phẩm, đi sâu vào chế biến để có sản xuất hàng hóa lớn, không chỉ bảo đảm tiêu dùng cho gần 100 triệu dân trong nước, mà còn đạt mức xuất khẩu lớn, đa dạng vượt kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp 40 tỷ USD như hiện nay.
Trong cuộc họp thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu việc cần tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính và khuyến khích sự trỗi dậy của kinh tế tư nhân, xem là các lĩnh vực tiên phong trong kinh tế năm 2019. Muốn sản xuất kinh doanh tốt ngoài trí tuệ, sức lực thì từ các doanh nghiệp đến các hộ nông dân đều cần phải có vốn đầu tư. Thủ Tướng yêu cầu Ngân hàng nhà nước phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, linh hoạt phối hợp hài hòa với các chính sách tài khóa và chính sách vỹ mô khác, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đồng thời có biện pháp hạn chế tín dụng đen. Trước khi họp thường trực Chính phủ, buổi sáng, Thủ tướng đã đến làm việc với Ngân hàng Chính xã hội, đánh giá sự đóng góp quan trọng của ngân hàng này vào sự nghiệp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đưa đồng vốn của nhà nước đến được các vùng sâu, vùng xa, với các đối tượng cần được quan tâm ưu đãi. Qua đó, Thủ tướng đã nêu lên dự báo về xu hướng tăng các đối tượng chính sách xã hội và yêu cầu các chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội cần làm tốt hơn nữa nhiệm vụ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong lĩnh vực này. Đồng thời thực hiện quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, đảm bảo cho vay đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng, công khai minh bạch theo quy định của Chính phủ. Thủ tướng đặc biệt lưu ý Ngân hàng Chính sách xã hội cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho người vay vốn để nâng cao khả năng bảo toàn vốn, ngân hàng vừa phải làm công việc tín dụng vừa hướng dẫn sản xuất.
Với Bộ Tài chính, Thủ tướng yêu cầu xiết chặt kỷ luật tài chính ngân sách nhà nước, tăng cường thanh tra kiểm tra. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần khẩn trương xây dựng danh mục dự án sử dụng dự phòng đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ quốc hội theo quy định. Bộ cần phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ liên đới thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, tiếp tục xử lý nhanh nhất việc giao vốn kịp thời, đúng quy định, bảo đảm sử dụng hiệu quả. Theo sự chỉ đạo của Thủ tướng, Ngân hàng nhà nước đang có các biện pháp thực hiện một cách hiệu quả hơn Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Sẽ tiếp tục cơ cấu lại về tài chính hoạt động quản trị của tổ chức tín dụng theo các hình thức, biện pháp và lộ trình phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng tổ chức tín dụng và phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định an toàn hệ thống, hoàn thiện hành lang pháp lý, hỗ trợ xử lý nợ xấu gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng, phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam với Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trong việc xử lý nợ xấu để đảm bảo duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức an toàn nợ. Một số bộ đã và đang chuyển giao các doanh nghiệp cần chuyển giao sang SCIC, trong đó có Bộ Công Thương bàn giao 5 doanh nghiệp thuộc diện này ngay trong quý một năm 2019 như: Tổng công ty thép Việt Nam, Công ty cổ phần giao nhận kho vận ngoại thương, Công ty cổ phần xây dựng và xuất nhập khẩu tổng hợp, Công ty cổ phần nông thổ sản Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư xây lắp và vật liệu xây dựng.
Đầu tư vốn liếng, dành nhiều công sức, kỹ thuật cho sản xuất, tất phải mong bán được nhiều, được hết và có lãi số hàng hóa làm ra, không chỉ ở thị trường trong nước, mà quan trọng hơn còn là ở thị trường các nước, nên các bộ trông nom về kinh tế và các doanh nghiệp ngay từ đầu năm 2019 đã hết sức quan tâm đến xuất nhập khẩu. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Việc Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái bình dương (CPTPP) bắt đầu được thực hiện và Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam - EU (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp các doanh nghiệp có thêm năng lực sản xuất mới, cũng như quy mô thị trường xuất khẩu của Việt Nam sẽ mở rộng, vượt hơn cả con số 200 quốc gia và vùng lãnh thổ mà hàng hóa Việt Nam đang bán. Còn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thì cho hay, sẽ thúc đẩy sản xuất kinh doanh sao cho hàng hóa của Việt Nam được thuận lợi xuất, bán nhiều, kim ngạch cao sang các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Austrailia, Canada, Mexico,… đa dạng hóa được thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường nhất định, từ đó nâng cao tính độc lập tự chủ của nền kinh tế nước ta trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều thay đổi theo chiều hướng phức tạp và khó đoán định. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội xuất khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp cần chủ động nâng cao tính cạnh tranh và năng suất thông qua mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ , nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa và giảm giá thành sản phẩm.
Trung Vũ