Để đầu tư công hợp lý và không chậm trễ giải ngân

Thứ năm, 23/05/2019 16:28
(ThanhtraVietNam) - Tuần này, Quốc hội tiến hành họp kỳ đầu của năm 2019, trong nội dung bàn thảo và quyết định một số luật, có Luật Đầu tư công (sửa đổi). Đầu tư công là việc ích nước lợi dân vô cùng to lớn, cần thiết, nhưng bên cạnh những kết quả nhất định thì việc đầu tư công cũng bộc lộ nhiều điều yếu kém bất cập, nhất là quá trình phân bổ ngân sách nhà nước cho các dự án đầu tư công đã khó, giải ngân cho các dự án đã được phê duyệt lại càng khó hơn.

Nhiều đại biểu dự họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt vấn đề: Cần rà soát lại tiêu chí phân loại các dự án để phân bổ ngân sách đầu tư cho phù hợp, đặc biệt là với các dự án quan trọng quốc gia và các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C, không chỉ rà lại về mặt giá trị, mà còn phải rà lại cả những yếu tố liên quan đến môi trường, xã hội như bảo vệ rừng, diện tích lúa nước, mật độ dân cư. Thực tế cho thấy sau 4 năm thực hiện Luật Đầu tư công, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng khoảng 10%, quy mô thu ngân sách tăng khoảng 55%, chi ngân sách cho đầu tư phát triển tăng khoảng 12%, quy mô các dự án đầu tư công cũng lớn hơn. Nên việc sửa đổi Luật Đầu tư công là cần, để phù hợp với thực tế đó cũng như phù hợp thực tiễn biến động giá cả, phân loại dự án phù hợp với quy mô ngân sách.

Tuy nhiên, với nội dung Dự thảo sửa đổi Luật đầu tư công đề nghị mức vốn đầu tư của các dự án quan trọng quốc gia tăng thêm 50% so với quy định hiện hành, tức là 15.000 tỷ đồng, các dự án nhóm A,B,C cũng đề nghị mức tăng 50%, thì bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị: Cần cân nhắc thêm các mức điều chỉnh này. Ngay cả Bộ Tư pháp khi thẩm định Dự án Luật cũng đặt câu hỏi: Căn cứ vào đâu để đề xuất điều chỉnh mức vốn quá lớn như đề xuất của cơ quan soạn thảo Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Còn trong Nghị quyết số 20 ban hành qua phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, tháng 03 năm 2019, Chính phủ thống nhất quy định tiêu chí mức vốn dự án quan trọng quốc gia là 20.000 tỷ đồng, điều chỉnh tăng tương ứng tiêu chí mức vốn đối với các dự án nhóm A, B,C. Chính phủ bảo lưu quy định đối với dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, trường hợp cần thiết tách phần đầu tư cho bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công thành dự án độc lập, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.

Về quy định đối với các dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ thống nhất giữ quy định như Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) theo hướng dự án đặc biệt khác do Chính phủ quy định, các trường hợp khẩn cấp do Thủ tướng quyết định, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện trong các trường hợp đặc biệt, khẩn cấp có tính chất cấp bách cần được quyết định ngay, chỉ sử dụng ngân sách dự phòng hàng năm, bảo đảm không ảnh hưởng đến cân đối đối với bội chi ngân sách. Trước nhiều ý kiến quan trọng nhưng chưa dễ thống nhất ý kiến như trên, khi kết luận phiên họp thứ 34 mới rồi của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã nhận định: Đây là những vấn để cần cân nhắc kỹ và cần xin ý kiến Bộ Chính trị trước khi quyết định thông qua Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi).

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Vấn đề giải ngân đầu tư công cũng sẽ được đề cập trong Luật Đầu tư công sửa đổi) để khắc phục những khó khăn, hạn chế của đầu tư công khi luật được ban hành và thực thi từ năm 2014 đến nay như dàn trải, thất thoát, lãng phí nhất là chậm, nhiều dự án được bố trí tiền ngân sách nhà nước nhưng không giải ngân để chi tiêu vào dự án được. Số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, đến tháng 01 năm 2019, 66 trong tổng số 126 cơ quan gửi báo cáo về tình hình giải ngân vốn đầu tư công năm 2018, thì mới chỉ có 9 cơ quan giải ngân trên 90% kế hoạch năm, nhiều cơ quan giải ngân chưa đến 50% kế hoạch này. Theo một số chuyên gia kinh tế, nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm là do những vướng mắc trong thẩm định và phê duyệt nguồn vốn đầu tư cho dự án. Luật đầu tư công quy định: Dự án phải có quyết định chủ trương đầu tư mới được bố trí vốn kế hoạch đầu tư trung hạn, trong khi thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn lại là điều kiện bắt buộc để ra quyết định chủ trương đầu tư.

Năm 2018, tính đến ngày 31 tháng 12, vốn giải ngân đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ đạt 67,6% dự toán, còn cùng kỳ 2017 cũng chỉ đạt 70,7% dự toán. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải thúc đẩy tốc độ giải ngân vốn đầu tư công thông qua những giải pháp tháo gỡ vướng mắc liên quan, điều này không dễ khi mà thẩm quyền quyết định của mỗi dự án lại khác nhau. Theo ý kiến từ Văn phòng Chính phủ, Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) do Chính phủ trình đã sửa đổi theo hướng tăng cường, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Mặc dù vậy, một số đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế vẫn đề nghị: Cần cân nhắc thẩm quyền của các cơ quan quyết định dự án đầu tư công như Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân. Cũng theo các chuyên gia, cần bảo đảm tính kế thừa, thống nhất giữa các quyết định đầu tư công của các cấp theo chức năng, các cơ quan này có thể rút ngắn thời gian xem xét, phê duyệt cho phù hợp với thực tế và các thủ tục nên rút gọn, đơn giản cho một số dự án đầu tư công đặc thù. Việc sửa Luật Đầu tư công phải đảm bảo tính thống nhất giữa các luật quản lý đầu tư công, đặc biệt là giữa Luật Đầu tư công với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quy hoạch, cũng như giữa Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai.

Trong khi chờ Quốc hội bàn thảo, quyết định với Luật đầu tư công (sửa đổi), để các dự án đầu tư công đã phê chuẩn, đang tiến hành thực thi hiệu quả, không chậm trễ giải ngân. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư phân loại, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình chậm trễ, tạm dừng các dự án đầu tư quá yếu kém, khẩn trương đề xuất với Thủ tướng các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư công còn có thể tiếp tục thi công, nhất là các dự án các tỉnh phía Nam và Hà Nội. Thủ tướng đã và đang trực tiếp chỉ đạo việc đẩy nhanh tiến độ hàng loạt đại dự án như: Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đặc biệt là dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Để đáp ứng tiến độ một số dự án hoàn thành vào năm 2021, Chính phủ yêu cầu tập trung tâm trí, công sức tối đa cho việc giải phóng mặt bằng, hỗ trợ cung cấp các nguồn vật liệu phục vụ thi công dự án, đảm bảo an toàn, an ninh, không để xẩy ra các điểm nóng trong quá trình thi công. Cần có các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2019, bắt đầu từ đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện dự án, lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định của pháp luật, sớm khởi công dự án, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ thanh toán ngay với Kho bạc nhà nước khi có khối lượng nghiệm thu, không gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ kế hoạch Đầu tư cũng đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương nhắc nhở việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019./.

                                                                                                                             Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra