Để đầu tư công thực sự hiệu quả

Thứ tư, 19/09/2018 08:33
(ThanhtraVietNam) - Trong Chương trình kỳ họp Quốc hội sắp tới dự kiến có nội dung thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Dự luật này lẽ ra đã được trình tại kỳ họp Quốc hội thứ năm hồi tháng 5 năm 2018, song phạm vi điều chỉnh của dự luật này là lĩnh vực liên quan đến các dự án xây dựng kinh tế quan trọng, công trình lớn phục vụ mọi mặt đời sống của nhân dân, của Đảng và Nhà nước nên Quốc hội đã quyết định lùi lại để bàn thảo kỹ hơn vào kỳ họp thứ 6 này.

Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật hồi giữa tháng 8/2018, chủ trì phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu nghiên cứu, bổ sung Dự luật Đầu tư công (sửa đổi) để hoàn thiện và trình ra Quốc hội. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu phân cấp, giao quyền mạnh mẽ cho địa phương đi cùng với minh bạch, trách nhiệm, nâng cao hiệu quả trong đầu tư công.

Nhiều vấn đề khác cũng cần được xem xét kỹ và bổ sung đầy đủ, như quy định đối với các dự án đầu tư công được thực hiện ở nước ngoài; rà soát lại, bảo đảm sự đồng bộ giữa Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng về nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quản lý nhà nước về vốn; phân rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thẩm tra, thẩm định, quyết định, tránh chồng chéo, không để một việc phải báo cáo nhiều bộ. Quy định rõ hơn các nguồn vốn đầu tư công, bảo đảm đồng bộ với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu; quy định rõ về sự phân cấp quản lý phù hợp với tính chất của từng nguồn vốn, đồng bộ với nhiệm vụ chi. Quy định rõ tiêu chí phân loại dự án đầu tư sử dụng ngân sách nhà nước.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet 
Sở dĩ việc sửa đổi Luật Đầu tư công có nhiều ý kiến chỉnh sửa, bổ sung quan trọng như trên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Luật này sau hơn 3 năm thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng thực tế cho thấy Luật và các văn bản hướng dẫn Luật có nhiều điểm vướng mắc, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

 

Dự án Luật Đầu tư công sửa đổi sẽ thay đổi quy trình thẩm định nguồn vốn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ không thẩm định tất cả nữa, mà chỉ thẩm định những dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, còn lại phân cấp cho các bộ ngành, địa phương.

Điều chỉnh phương án giao kế hoạch gồm giao tổng mức vốn và giao nhiệm vụ, còn việc bố trí cụ thể sẽ ủy quyền cho các bộ, ngành địa phương. Luật Đầu tư công cũng như quá trình thực hiện đầu tư công cần có sự quản lý chặt quy hoạch, dẹp loạn quy hoạch.

Hiện cả nước có 11.667 quy hoạch đã và đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Trong đó có 9.519 quy hoạch đã được phê duyệt và đang còn hiệu lực, 1.491 quy hoạch đã và đang lập hoặc điều chỉnh nhưng chưa được thẩm định, 657 quy hoạch đã và đang lập hoặc điều chỉnh đã thẩm định xong nhưng chưa được cấp có thẩm quyền quyết định và phê duyệt.

Để quy hoạch đúng, khả năng triển khai thực hiện tốt, dẹp sự hỗn loạn quy hoạch, Thủ tướng vừa ban hành Quyết định 995, giao nhiệm vụ cho các bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên tốt và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) cũng soạn thảo, phê duyệt theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, nâng cao tính chủ động trong lập, thẩm định, giao kế hoạch vốn đầu tư công, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, bất cập.

Dự luật cũng cần có những điều khoản kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức cá nhân lãnh đạo, cán bộ công chức vi phạm luật, hay cố tình cản trở gây khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện dự án, công trình đầu tư xây dựng.

Việc sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư công nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả ngồn vốn đầu tư công, gắn kế hoạch đầu tư công trong tổng thể cân đối nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm an toàn nợ công và tăng cường kỷ luật tài chính ngân sách.

Tuy nhiên, trong lúc chờ có Luật Đầu tư công mới thì các dự án, công trình đầu tư công vẫn phải tiến hành, nên Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện những nhiệm vụ còn lại của những tháng cuối năm, khắc phục các hạn chế, yếu kém, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, triển khai đúng và tốt tiến độ các công trình quan trọng của quốc gia.

Rút kinh nghiệm về chậm giải ngân năm ngoái, năm nay giải ngân vốn đầu tư công đã có cải thiện hơn. 7 tháng đầu năm ước đạt 38,77% kế hoạch, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017.

Song xét về tổng thể tiến độ thực hiện và giải ngân vẫn thấp, nhất là vốn đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia mới chỉ đạt 26,31%, vốn trái phiếu chính phủ mới đạt 17,53% và vốn nước ngoài 24,7%, 31/56 bộ, ngành và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch năm 2018 thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Nguyên nhân chậm giải ngân cũng chính đòi hỏi phải chỉnh sửa, khắc phục để giải ngân nhanh vốn đầu tư công. Khó khăn trong tổ chức thực hiện dự án nên chưa có khối lượng thi công xây lắp. Một số dự án vẫn đang hoàn thiện các thủ tục về đầu tư xây dựng hoặc đang đấu thầu. Việc phân bổ vốn của các địa phương chậm so với quy định, một số xã, huyện chậm hoàn thành các thủ tục đầu tư, nhiều dự án giảm nghèo bền vững không đáp ứng tiêu chí có thiết kế mẫu, điển hình để áp dụng cơ chế đặc thù theo quy định tại Nghị định số 161/2016 NĐ-CP làm chậm tiến độ triển khai các dự án. 

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền cho phép các địa phương đã bố trí đủ vốn cho các dự án theo nguyên tắc nếu còn vốn thì được phép hoàn tất thủ tục đầu tư để bố trí cho dự án khởi công.

Cần áp dụng biện pháp cứng rắn, nếu đến hết 30/9 2018 địa phương nào vẫn có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương hỗ trợ dưới 30% kế hoạch được giao, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Thủ tướng trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chuyển cho các địa phương có khả năng giải ngân tốt.

Địa phương được điều chỉnh tăng vốn phải bảo đảm không vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Việc triển khai các công trình đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công phải đi liền với chống tham nhũng, loại bỏ lợi ích nhóm trong đầu tư xây dựng.

Tại phiên họp thường trực Chính phủ 24 và 25/08, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, trong mọi lĩnh vực của đầu tư xây dựng đều có hình bóng của tham nhũng. Chính phủ quyết chống tham nhũng cho bằng được để có thêm nhiều công trình khởi công và hoàn thành. Bởi tỉnh nào, thành phố nào có nhiều công trình được khởi công hoàn thành thì nơi đó mới phát triển, các địa phương phát triển thì đất nước mới phát triển./.

                                                                                                        Trung Vũ

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra