Để học sinh an toàn đến trường

Thứ năm, 26/09/2019 11:21
(ThanhtraVietNam) - Bước vào năm học mới, một trong những vấn đề khiến không ít phụ huynh lo lắng là an toàn giao thông (ATGT) cho trẻ khi đến trường. Trước những vụ việc “bỏ quên bé trên xe ô tô” trong thời gian gần đây, các bậc phụ huynh và dư luận đều đang rất lo lắng và đặc biệt quan tâm đến sự đảm bảo an toàn của con em họ khi sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh.

Pháp luật luôn đảm bảo, ghi nhận các quyền của trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh. Các tổ chức kinh tế trong quá trình sản xuất, kinh doanh phải thực hiện đầy đủ quy trình, tiêu chuẩn để bảo đảm cung cấp sản phẩm, dịch vụ an toàn, thân thiện với trẻ em, không gây tổn hại cho trẻ em và không vi phạm quyền của trẻ em. Vì vậy, dịch vụ đưa đón trẻ em bằng ô tô của nhà trường cũng phải đảm bảo quyền được an toàn của các em khi sử dụng dịch vụ.

Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến cho quyền được an toàn của trẻ em không được đảm bảo. Có thể kể đến như: Nhà trường, giáo viên quản lý và các đơn vị vận tải còn thiếu trách nhiệm, không tuân thủ quy trình đưa đón học sinh, đồng thời nhận thức các mối hiểm nguy có thể xảy ra đối với các bé trong quá trình di chuyển từ nhà tới trường là chưa đầy đủ, còn nhiều hạn chế. Mặt khác, hệ thống pháp luật nước ta còn chưa đầy đủ, chưa có các quy định đảm bảo an toàn của trẻ em, học sinh khi sử dụng dịch vụ này cũng như không có các chế định ràng buộc trách nhiệm của các bên.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa - L.A 

Như vậy, đứng trước những nguy cơ, những hiểm nguy muôn hình vạn trạng có thể xảy ra đối với con em chúng ta khi sử dụng dịch vụ, vấn đề đặt ra là cần phải có các giải pháp đảm bảo sự an toàn cho trẻ, phòng - tránh và hạn chế thấp nhất rủi ro xảy ra.

Về vấn đề này, Luật sư Mai Thị Thảo, Phó Giám đốc Công ty Luật TAT Law firm cho biết, trước hết, giải pháp đầu tiên có thể kể đến là cần phải có các chương trình đào tạo ngắn hạn (có thể là năm hoặc ba ngày) để đào tạo, tập huấn cho các tài xế, cô giáo đi theo xe và các giám sát viên về quy trình đón - trả học sinh an toàn. Các chương trình này là bắt buộc phải tham gia, theo đó khi tham gia chương trình, các tài xế và cô giáo theo xe mới được cấp chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận và mới được coi là đủ điều kiện để được đưa đón học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức và cấp chứng chỉ bắt buộc này.

Mặt khác, trẻ em là đối tượng đặc biệt cần được bảo vệ, vì vậy, cần thiết phải bổ sung các quy định pháp luật về công tác đảm bảo an toàn của trẻ em khi đi xe đưa đón. Luật sư Mai Thị Thảo đưa ra ví dụ như việc xây dựng và ban hành Luật (Nghị định hay Thông tư) an toàn xe đưa đón trường học như ở các nước trên thế giới. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để xây dựng, ban hành một quy trình chuẩn chung đưa đón học sinh bằng xe ô tô áp dụng trên cả nước, quy định này phải được thể hiện dưới dạng thông tư liên tịch hoặc một quyết định nào đó; trên cơ sở đó, mỗi trường sẽ xây dựng quy trình chi tiết, cụ thể và phù hợp với quy trình chuẩn chung.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải có thể bổ sung thêm các quy định đối với xe đưa đón. Theo đó, ngoài các điều kiện chung khi vận tải hành khách theo hợp đồng như: Phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, giấy đăng ký xe ô tô hay bảo hiểm cho người và ô tô, thì còn phải đáp ứng các điều kiện khác như: Xe phải trang bị nhiều lối thoát, xe phải có hệ thống chuông báo động, camera (chuông chỉ tắt khi động cơ xe hoàn toàn dừng lại và dây an toàn được tháo ra), hay thiết bị liên lạc không dây kết nối với điện thoại….

Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố cần phải tổ chức kiểm tra, rà soát các trường hợp sử dụng xe ô tô hợp đồng đưa đón học sinh; phối hợp với Sở Giao thông vận tải kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về an toàn giao thông đối với các đơn vị vận tải có hợp đồng đưa đón học sinh; chấm dứt hợp đồng và xử lý nghiêm các lái xe, chủ xe không tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn giao thông và trách nhiệm đã được xác định trong hợp đồng đưa đón học sinh bằng xe ô tô.

“Các phụ huynh và nhà trường cũng cần hướng dẫn con em mình các quy định an toàn khi ngồi trên xe ô tô, kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố, kỹ năng xử lý tình huống nguy hiểm khi không có người trợ giúp”, Luật sư Mai Thị Thảo nhấn mạnh.

Việc áp dụng các thành quả của công nghệ như: Công nghệ cho phép phụ huynh và giáo viên nhìn thấy chính xác của xe đưa đón khi học sinh được đưa đến trường và rời trường, có camera trên ô tô để phụ huynh có thể giám sát quá trình đưa đón con em mình. Nhà trường, Giáo viên chủ nhiệm cần phải có trách nhiệm phối hợp quản lý học sinh, thông báo kịp thời cho gia đình khi học sinh vắng mặt chưa rõ lý do. Thường xuyên trao đổi thông tin giữa nhà trường và gia đình, lập kênh thông tin tiếp nhận ý kiến phản ảnh của cha mẹ học sinh về chất lượng dịch vụ đưa, đón, kịp thời xử lý và thông báo để cha mẹ học sinh biết và giám sát.

Đầu năm học mới, Ban An toàn giao thông Thành phố cũng ban hành Công văn số 96/BATGT-VP về tổ chức thực hiện Tháng cao điểm An toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9 năm 2019.

Theo đó, Thường trực Ban ATGT thành phố đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo: Triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tại văn bản số 3343/BGDĐT-GDCTHSSV, ngày 05/8/2019, về tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT đầu năm học 2019-2020 và thực hiện “Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường năm học 2019-2020”; yêu cầu cha mẹ học sinh ký và thực hiện cam kết chấp hành quy định ATGT cho học sinh, đặc biệt là phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi mô tô, xe máy; không giao mô tô, xe máy cho trẻ em chưa, đủ tuổi điều khiển phương tiện theo quy định; chỉ đạo các nhà trường giám sát việc thực hiện cam kết của cha mẹ, học sinh và báo cáo kết quả thực hiện về Sở Giáo dục và Đào tạo, trong đó, cần nêu rõ số lượng và tỷ lệ học sinh đã có mũ bảo hiểm đạt chuẩn theo từng cấp học.

Đồng thời, chỉ đạo các trường bố trí lực lượng phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TT, ATGT), chống ùn tắc giao thông tại cổng trường. Căn cứ đặc điểm thực tế của các trường, tổ chức nghiên cứu, bố trí, sắp xếp các khu vực phù hợp phục vụ đưa đón học sinh nhằm đảm bảo ATGT, tránh ùn tắc giao thông; chỉ đạo các trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của Công an thành phố và chính quyền địa phương trong việc tiếp nhận thông tin các trường hợp học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ để quản lý, giáo dục; đồng thời, yêu cầu gia đình học sinh thực hiện nghiêm túc cam kết chấp hành quy định ATGT cho học sinh;

Bên cạnh đó, chỉ đạo các lực lượng chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn, các trường học bố trí lực lượng hướng dẫn, điều tiết chống ùn tắc giao thông tại cổng trường trong ngày Khai giảng và trong năm học 2019-2020; đồng thời, chỉ đạo nghiên cứu, bố trí các khu vực phù hợp phục vụ đưa đón học sinh nhằm đảm bảo ATGT, tránh ùn tắc giao thông tại cổng trường học; chỉ đạo thực hiện trao tặng mũ bảo hiểm cho học sinh lớp một năm học 2019-2020 theo đúng kế hoạch của Ủy ban ATGT Quốc gia và UBND thành phố.

Công an thành phố: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường gần trường học; tuyên truyền, nhắc nhở học sinh, cha mẹ học sinh chấp hành quy định về ATGT; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về TT, ATGT liên quan đến trẻ em; tập trung xử lý hành vi người lớn chở trẻ em đi xe mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm theo quy định - duy trì trong suốt tháng 9/2019; Phối hợp với Sở GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TT, ATGT cho đối tượng học sinh, sinh viên.

Sở Giao thông vận tải: Chỉ đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông và các đơn vị liên quan tiếp tục triến khai các giải pháp đảm bảo ATGT khu vực cổng trường học; Chỉ đạo Văn phòng Ban ATGT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về TT, ATGT cho học sinh, sinh viên; tập trung cao điểm trong tháng 9/2019 và duy trì trong suốt năm học 2019-2020.

UBND các quận, huyện, thị xã: Tổ chức triển khai các giải pháp đảm bảo TT, ATGT, chống ùn tắc giao thông tại khu vực cổng trường học trên địa bàn quản lý; bổ sung đủ biển báo hiệu, gờ giảm tốc, biển hạn chế tốc độ (nếu cần thiết) nhằm đảm bảo ATGT, trong đó, đặc biệt ưu tiên khu vực cổng các trường học có nguy cơ mất ATGT.

 

Lan Anh

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra