<p>Sự xác định, khẳng định vị trí quan trọng của kinh tế tư nhân đã bắt đầu từ công cuộc đổi mới của đất nước ta. Sự phát triển đông đảo và phong phú của kinh tế tư nhân kể từ đó đến nay, nhất là những năm gần đây đã cho thấy đây là một thực lực kinh tế to lớn, rất nên hỗ trợ cho mạnh mẽ thêm để kinh tế tư nhân phát triển bền vững. Cùng với kinh tế quốc doanh và các thành phần kinh tế khác, kinh tế tư nhân đã từng góp phần không nhỏ làm nên GDP cao liên tục trong nhiều năm. Nhưng kể từ năm 2008, tiếp các năm sau đó, mức độ tăng trưởng GDP của nước ta lại giảm sút so với trước, khiến phải nghĩ đến mức độ bền vững khó duy trì của quá trình tăng trưởng. Có nguyên nhân do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, do đóng góp kém về thu nhập của các doanh nghiệp quốc doanh, song cũng do cả sự chững lại, sụt giảm của kinh tế tư nhân. Mỗi năm bên cạnh hàng nghìn doanh nghiệp đăng ký mới, thì cũng có hàng nghìn doanh nghiệp tư nhân ngừng hoạt động hay phá sản, vào mấy năm gần đây, chịu ảnh hưởng lớn của khủng hoảng kinh tế, con số sau luôn cao hơn con số trước. Ngay cả bây giờ, nền kinh tế chung của đất nước bắt đầu hồi phục thì kinh tế tư nhân vẫn chưa lấy lại được đà phát triển. </p><p ><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/huyentt/2015_4/tu_nhan.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Ảnh minh họa</div></p><div>Có lý do ở sự hồi phục chưa chắc chắn bởi vẫn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức của kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến kinh tế nước ta, còn có lý do nữa là doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm vị trí được ưu ái về nhiều mặt, nhất là tiếp cận vốn ngân hàng, khiến tạo ra một sân chơi không bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp tư nhân, gây khó cho kinh tế tư nhân trong sản xuất nhất là trên thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu hàng hoá luôn cần một sự cạnh tranh, nhưng kinh tế tư nhân lại lép vế. Song lý do chững lại của kinh tế tư nhân, phần quan trọng hơn là ở sự kém ý chỉ vươn lên, ý thức tự bằng lòng ở khả năng thấp kém của nhiều doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, dễ thoái lui trước khó khăn. Trong tổng số nửa triệu doanh nghiệp và 4,6 triệu hộ kinh doanh, chỉ có 4% là doanh nghiệp quy mô lớn và trung bình, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên có thể nói kinh tế tư nhân rất yếu về tầm vóc, khiến cũng yếu luôn cả khả năng tự tạo vốn, năng lực quản lý doanh nghiệp, dẫn đến chỗ hàng hoá làm ra kém hấp dẫn, khó bán nội địa, càng khó xuất khẩu. Tuy nước ta được nhiều chuyên gia kinh tế thế giới đánh giá là có thành tích thúc đẩy thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài, kim ngạch đạt mức độ cao, song họ cũng chỉ ra rằng, chủ yếu lại do các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, FDI, chứ không phải do kinh tế tư nhân trong nước. Bởi phần lớn các doanh nghiệp của Việt Nam kém khả năng hội nhập kinh tế toàn cầu do năng suất thấp, chất lượng hàng thua kém, mục tiêu của nhiều doanh nghiệp tư nhân cũng như khả năng sản xuất của họ chủ yếu và chỉ có thể phục vụ thị trường trong nước. <br></div><div><br></div><p>Thực tế kém vui như nói trên cho thấy, để đẩy mạnh sự phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, rõ ràng là bên cạnh việc tái cấu tạo doanh nghiệp nhà nước, cũng rất cần tiếp sức cho các doanh nghiệp tư nhân để họ khỏi chững lại rồi tụt hậu, nhất là phải thu hẹp nhanh khoảng cách giữa kinh tế tư nhân Việt Nam với kinh tế các nước khu vực ASEAN và thế giới. Muốn thế, các chủ doanh nghiệp tư nhân phải đổi mới suy nghĩ, mở rộng tầm nhìn, có những hành động linh hoạt, đột phá, cần có nhiều thêm doanh nghiệp quy mô lớn, tập đoàn kinh tế tầm cỡ. Kinh tế tư nhân lâu nay còn kém về điều hành, một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động nặng tính gia đình, nhưng muốn thành công lớn trong hoà nhập kinh tế toàn cầu thì không thể điều hành theo kiểu gia đình khép kín, bảo thủ, kém bài bản, không thu hút được những nhân tài điều hành doanh nghiệp giỏi trong nước, nhất là mở rộng quy mô quốc tế, khẳng định thương hiệu mạnh. Cùng với tăng cường năng lực quản lý, điều hành, muốn doanh nghiệp tồn tại và phát triển còn cần nguồn nhân lực nhiệt tình, thực sự gắn bó với doanh nghiệp và giỏi tay nghề. Nhất là rất cần sự hỗ trợ của nhà nước về định hướng, về vốn, nhà nước có cơ chế thông thoáng, cải cách hành chính tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Tự thân các doanh nghiệp phải tìm tòi thông tin kinh doanh, phải hiểu biết các hiệp định thương mại, những quy định của các nước mình định xuất hàng vào để tận dụng mọi ưu đãi cũng như tránh những điều ngăn cấm, cản trở. </p><div>Điều mà các doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh có thể mừng là sau một năm ban hành Nghị quyết 19/2014/NQ – CP về cải thiện về môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, thực thi đã rất hiệu quả, Chính phủ lại tiếp tục ban hành Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về những nhiệm vụ giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực quốc gia hai năm 2015-2016. Thiết nghĩ, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc kinh tế tư nhân hãy cùng các thành phần kinh tế khác, nhanh chóng đón nhận và tận dụng khai thác sự tiếp sức mạnh mẽ thiết thực này từ Nhà nước để mình phát triển kinh doanh lời lãi, vững chắc, lầm giàu cho mình cũng như đóng góp vào sự làm giàu chung đất nước.</div><div><br></div><div style="text-align: right;"><b>Trung Vũ</b></div><div><br></div>