Ra quân chấn chỉnh nhưng rồi “đâu lại vào đó”
Hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố Hà Nội rất sôi động, phong phú, đa dạng; liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Thực hiện Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13, ngày 21/6/2012; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo và các văn bản pháp luật khác có liên quan, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc công tác quản lý hoạt động quảng cáo, viết đặt biển hiệu trên địa bàn Thành phố, cũng như các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ.
Ngoài ra, còn ban hành văn bản phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã; văn bản trả lời các tổ chức cá nhân liên quan đến hoạt động quảng cáo ngoài trời, hoạt động lắp đặt biển hiệu.
Tuy nhiên, trên thực tế, trên nhiều tuyến phố của Thủ đô chúng ta dễ dàng bắt gặp những băng rôn, baner hay các biển quảng cáo treo “lơ lửng” trước mặt. Điều này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cũng như tăng nguy cơ cháy nổ, nhất là trong những ngày mưa gió, giông bão.
Là cơ quan Thường trực của Đoàn Thanh tra Liên ngành Thành phố về hoạt động quảng cáo, Sở Văn hóa và Thể thao đã ban hành nhiều văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã về việc xử lý bảng quảng cáo tại mặt tiền, mặt tường bên, trên nóc công trình, nhà ở và biển hiệu có nội dung chưa đúng, kích thước lớn, vi phạm Luật Quảng cáo.
Những quảng cáo nhỏ treo trên cây, cột điện khá phổ biến trên các tuyến đường ở Thủ đô Hà Nội (ảnh: Minh Nguyệt)
Trong thời gian qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với các sở, ngành chức năng Thành phố tổ chức nhiều Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố. Trong đó, tập trung vào các cơ sở có bảng quảng cáo, biển hiệu có kích thước lớn che kín toàn bộ mặt tiền nhà, gây mất an toàn phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn, an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong khu vực, cản trở việc tiếp cận khi xảy ra các tình huống cháy, nổ. Sau đợt kiểm tra, hoạt động quảng cáo, viết đặt biển hiệu trên địa bàn Thành phố đã có những chuyển biến và từng bước đi vào nề nếp.
Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, Sở đã lập 112 biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1.358.000.000 đồng về hành vi vi phạm Luật Quảng cáo đối với biển quảng cáo tấm lớn, tấm nhỏ; tháo dỡ 9.750 băng rôn, phướn quảng cáo vi phạm.
Riêng trong tháng 2/2019, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp với 10 quận, huyện trên địa bàn thành phố kiểm tra, giám sát, tháo dỡ 92/107 bảng quảng cáo (toàn bộ nội dung quảng cáo và khung bảng) tại các tuyến đường trọng điểm trong suốt quá trình diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Điều đáng nói, sau các lần “ra quân” chấn chỉnh lại hoạt động quảng cáo thì chỉ một thời gian ngắn sau đó tình trạng cũ lại tái diễn. Nhất là các hành vi quảng cáo, rao vặt bằng biển bảng, baner dọc các tuyến đường giao thông. Hiện tượng này không khó bắt gặp tại các tuyến phố tại các quận trung tâm của Thủ đô như Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Hai Bà Trưng, Minh Khai, Tam Trinh…Thậm chí, trong thời gian qua, đã xảy ra những vụ hỏa hoạn do hàn, lắp đặt biển quảng cáo dẫn đến chập điện. Hoặc có những biển quảng cáo lắp đặt gần/ trên cột điện với nhiều hệ thống dây dẫn điện… do đó nguy cơ xảy ra cháy nổ, mất an toàn là rất cao.
Kiên quyết tháo dỡ đối với các bảng quảng cáo vi phạm quy định
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Thanh tra, đại diện Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, những hạn chế tồn tại trong lĩnh vực quảng cáo nêu trên là do các quy định trong các văn bản pháp luật về hoạt động quảng cáo chưa rõ ràng, đôi khi mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không theo kịp hoặc chưa phù hợp với thực tiễn… dẫn đến có sự đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; công tác phối hợp kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động quảng cáo, viết đặt biển hiệu, quảng cáo rao vặt chưa chặt chẽ, thiếu triệt để, thường xuyên, còn lúng túng, không đồng nhất.
Hơn nữa, việc xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng trong lĩnh vực quảng cáo còn hạn chế, chưa đủ sức phòng ngừa, răn đe, hiệu quả; các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương chưa quyết liệt, chủ động thực hiện nhiệm vụ quản lý, chưa kịp thời xử lý vi phạm ngay khi vừa xảy ra, thậm chí còn có hiện tương bao che, né tránh. Nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận cố tình vi phạm Luật Quảng cáo và Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Để hoạt động quảng cáo đi vào nề nếp, tuân thủ quy định của pháp luật, đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, trong thời gian tới, Sở tiếp tục duy trì hoạt động của Đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố, tập trung vào các cơ sở có bảng quảng cáo, biển hiệu có kích thước lớn che kín toàn bộ mặt tiền nhà, không đảm bảo an toàn phòng, chống cháy, nổ; cản trở công tác cứu hộ, cứu nạn, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân.
Đặc biệt, tránh để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, bên cạnh việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý đối với hành vi vi phạm trong hoạt động quảng cáo; Sở sẽ phối hợp chặt chẽ các khâu, từ tiếp nhận đến xử lý hồ sơ, có biện pháp thích hợp đối với những doanh nghiệp, tổ chức cố tình vi phạm, tái vi phạm trong hoạt động quảng cáo nhằm duy trì, đảm bảo trật tự và mỹ quan đô thị.
Thông tin quảng cáo của doanh nghiệp thậm chí còn lấn át cả biển bảng tuyên truyền do Chính quyền địa phương dựng lên. (Ảnh chụp ngày 7/8/2019 tại phố Giảng Võ). Ảnh PV
“Kiên quyết tháo dỡ đối với các bảng quảng cáo lắp dựng sai vị trí, không đúng với quy hoạch, giữ vững ổn định trật tự quảng cáo trên địa bàn Thành phố”, văn bản của Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội nhấn mạnh.
Cùng với đó, Sở cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, tổ chức, công dân hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo chấp hành quy định của pháp luật về quảng cáo. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp vào sự phát triển của Thành phố bằng các sản phẩm quảng cáo theo hướng văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa của Thủ đô.
Những khẳng định quyết liệt của Sở Văn hóa Thể thao đối với hiện tượng vi phạm quảng cáo trên địa bàn TP Hà Nội là rất rõ ràng. Song, làm sao để các quy định của pháp luật về lĩnh vực quảng cáo không chỉ nằm trên giấy mà đem lại hiệu quả, rất cần sự vào cuộc thực sự của các cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm tại Hà Nội.
Minh Nguyệt