Đến lúc giá điện phải tăng, nhưng …

Thứ tư, 20/03/2019 16:16
(ThanhtraVietNam) - Ngay tuần đầu tháng 3/2019, Bộ Công Thương đã cho biết, Bộ đã trình Chính phủ phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện năm 2019 và được Chính phủ chấp thuận. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân và toàn xã hội.

Theo đó từ cuối tháng 03/2019 giá bán lẻ điện bình quân sẽ tăng 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành, tức là từ 1.720,65 đồng/kWh lên 1.864,04 đồng/ kWh (chưa bao gồm thuế Vat). Trong thực tế thì nhều năm nay giá bán điện của Tổng công ty điện lực Việt Nam (EVN) vẫn tăng, đợt tăng giá điện gần đây nhất là ngày 01/12/2017 với mức tăng 6,08%, đưa giá bán lẻ điện bình quân lên mức hiện hành là 1.720,65 đồng /kWh. Trong hơn một năm nay, người tiêu dùng điện vẫn luôn lo lắng rằng EVN sẽ tiếp tục tăng giá bán điện với nhiều lý do, chủ yếu là chi phí lớn hơn những khoản thu về. Nhưng vì để bảo đảm cân đối với các yêu cầu về giá cả, bảo đảm sản xuất, kinh doanh ổn định, ít phải chịu gia tăng đột biến chi phí đầu vào, chi phí tiêu dùng của phần đông nhân dân không phải dành quá lớn cho tiền điện để còn đảm bảo các nhu cầu khác của cuộc sống, nên việc tăng giá điện năm 2018 đã chưa được Chính phủ đồng ý. Đặc biệt là với việc điều chỉnh tăng giá điện  năm 2019 như đề xuất từ cuối năm 2018 thì cũng chưa được Chính phủ cho thực hiện vào thời điểm trước và sau tết Âm lịch.

Theo ý kiến của Bộ Công Thương, trước Tết là thời điểm nhạy cảm đối với cả nền kinh tế, nên việc điều chỉnh giá điện cũng ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống nhân dân. Do vậy, phương án điều chỉnh giá điện tuy sẽ theo giá thị trường, nhưng đồng thời phải trên cơ sở vận hành giá điện những năm 2017, 2018 mà có sự điều chỉnh sao cho phù hợp với thực tiễn kinh tế, đời sống.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa 

Trong khi tiếp tục xem xét đề xuất tăng giá điện, Bộ Công Thương cũng đã lưu ý EVN tìm cách cắt giảm tối đa chi phí sản xuất, đảm bảo công khai minh bạch việc tính giá điện cũng như đảm bảo chi phí tạo thành giá điện. Cũng ngay từ những ngày đầu năm 2019, Bộ Công Thương đã nêu ý kiến là việc điều chỉnh giá điện trong năm 2019 sẽ được xem xét, nhưng cần phải tính toán rất thận trọng. Theo Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, thay thế cho Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg, thì về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân nếu trường hợp tăng giá điện từ 3% đến dưới 5%, EVN được phép điều chỉnh tăng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Sau khi tăng giá, EVN phải lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát. Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10%, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Sau khi điều chỉnh giá bán điện, EVN có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính. Nếu giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành, hoặc điều chỉnh ngoài khung giá quy định, ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vỹ mô, trên cơ sở hồ sơ phương án giá điện do EVN trình, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát.

Hiện tại, hơn một tháng sau Tết, Bộ Công Thương đã đồng ý với EVN về việc tăng giá điện, dư luận xã hội rất mong Bộ Công Thương cũng như EVN thực hiện đúng những cam kết đó. Bộ Công Thương đã có sự giải thích thêm về việc đồng ý cho EVN tăng giá điện là do cơ cấu nguồn điện huy động từ khí, điện than đắt hơn mức tiêu thụ, cụ thể là tăng 10%, vì vậy ngành điện phải huy động thêm các nguồn khác có giá cao, lại còn do phí bảo vệ môi trường cũng tăng, chênh lệch tỷ giá tăng cao, khiến EVN tăng chi phí hàng nghìn tỷ đồng. Theo đó, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN tính giá điện 2019 trên cơ sở đầu vào có tính cả đến một số khoản chi phí còn treo chưa được đưa vào giá điện trong các năm trước, như chênh lệch tỷ giá, mức độ phân bổ được xem xét trên cơ sở đánh giá tác động của điều chỉnh giá điện, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng CPI, chỉ số giá sản xuất PI và tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước GDP, cũng như đánh giá ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến các ngành sản xuất và các hộ sinh hoạt.

Riêng với các hộ nghèo sẽ được hỗ trợ hàng tháng tương đương số điện sử dụng 30 kWh/hộ/tháng, hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/  tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương 30 kwh/hộ/tháng.

Với việc Bộ Công Thương cung cấp số liệu chi phí tăng của sản xuất điện, giải thích về việc ngành điện đã đến lúc không thể không tăng giá bán điện như thế thì người tiêu dùng điện bao gồm điện sinh hoạt và điện sản xuất, không thể không đồng thuận. Tuy nhiên, vẫn rất mong Bộ Công Thương và Bộ Tài chính giám sát EVN thực hiện đúng những điều mà Bộ Công Thương đã chỉ đạo khi cho phép EVN tăng giá điện. Còn các chuyên gia kinh tế cũng đồng ý rằng giá điện định kỳ hàng tháng trong hơn một năm qua đã gây ra những tác động nhất định khiến ngành điện gặp khó khăn, nên việc tăng giá điện lần này sẽ giúp ngành điện bù đắp chi phí, có nguồn lực tái đầu tư, đáp ứng yêu cầu cung ứng điện đủ cho sinh hoạt và sản xuất, nhưng mức tăng cần hợp lý và phải đánh giá đầy đủ tác động. Bởi giá điện tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp tăng chi phí sản xuất gây áp lực lên giá thành sản phẩm.

Một câu hỏi chung của xã hội là sau lần tăng giá bán điện lần này, liệu rồi trong năm 2019 EVN có lại tăng giá điện tiếp lần nữa không? Nếu có thì người dùng điện sinh hoạt và các nhà sản xuất theo sao cho kịp, chịu sao cho được! Mức tăng giá điện lần này tới 8,36% thì đâu có thấp, quy thành tiền thì đâu có ít. Ý kiến chung của người mua điện là không nên, không thể tăng giá điện nhiều, mà muốn cân đối thu chi trong sản xuất điện, ngành điện phải giảm chi phí  đầu vào, chi phí quản lý, hành chính. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý kinh tế, xã hội không thế chỉ nghe riêng EVN kêu khó, kêu tốn, mà phải nghĩ đến những khó khăn trong đời sống nhân dân và trong sản xuất kinh doanh. Sự khó trong đời sống, kinh tế xã hội phải mỗi người, mỗi bộ phận, cơ sở sản xuất chia sẻ, chịu chung một ít, chứ không thể cứ mỗi khi mỗi khó thì ngành điện lại đề xuất tăng giá bán điện để trút hết sự đắt, sự khó lên các doanh nghiệp và người dùng điện sinh hoạt.

Đặc biệt, vừa qua, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến chỉ đạo tại cuộc họp của Ban chỉ đạo điều hành giá hôm 17/01/2019, đã yêu cầu việc điều chỉnh giá điện trong năm 2019 phải kiểm soát và minh bạch yếu tố đầu vào, thực hiện điều chỉnh giá điện đồng bộ với điều chỉnh giá khí trong bao tiêu, giá than phục vụ cho sản xuất điện và các kịch bản về phân bổ tỷ giá trong sản xuất điện với liều lượng, thời điểm phù hợp. Về kịch bản, ngay từ những ngày đầu năm, Bộ Công Thương đã cho biết, Bộ đã cơ bản xây dựng xong kế hoạch cung ứng điện năm 2019 với 4 kịch bản tương ứng tăng trưởng phụ tải cao và tăng trưởng bình thường, 2 kịch bản tương ứng lượng nước về hồ thủy điện bình thường và về ít hơn trung bình nhiều năm. Rất mong các sự chỉ đạo để xây dựng ngành điện và cân nhắc giá điện cho hợp lý như vậy được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả./.

                                                                                                         Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra