Doanh nghiệp cần dấn bước theo EVFTA

Thứ sáu, 02/08/2019 14:43
(ThanhtraVietNam) - Mới đây, một sự kiện kinh tế lớn đối với nước ta - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU ( EVFTA) đã được ký kết. Từ đó, Chính phủ phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia cuộc chơi và các doanh nghiệp cũng phải nỗ lực hết mình để dấn bước theo EVFTA.

EU là liên minh của 28 nước, bởi vậy, thủ tục nội bộ pháp lý để ký các điều ước quốc tế không thể nhanh hơn như đối với một quốc gia. Ủy ban Châu Âu với 28 cao ủy phải thông qua và trình Hiệp định lên hội đồng EU. Đón trước những khó khăn, suốt nhiều năm Việt Nam đã dốc toàn lực vận động EU đẩy nhanh các thủ tục nội bộ đối với hai hiệp định: Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU. Tháng 10 năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm một số nước Châu Âu đã có nhiều sự vận động cho hiệp định này. Tháng 04 năm 2019 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân công du Châu Âu cũng dành nhiều thời gian gặp gỡ, vận động những nhân vật chính trị quan trọng của EU để hiệp định nhanh đi đến ký kết. Để rồi EVFTA đã được ký kết chính thức ngày 30/06/2019 tại Hà Nội, mở ra cơ hội lợi ích lớn lao cho việc xuất khẩu hàng hóa của nước ta sang châu Âu.

Ngay sau khi hiệp định này có hiệu lực, sẽ có gần 50% số dòng thuế đang có thuế suất cơ sở  0 - 22% ( trong đó phần lớn thuế cao từ 6 - 22%) sẽ được giảm về 0%, tức khoảng 842 dòng thuế. Khoảng 50% số dòng thuế còn lại có thuế suất cơ sở 5,5 - 26 % sẽ được về 0% sau từ 3 đến 7 năm. Cũng sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực, có một số sản phẩm chế biến đang có mức thuế cơ bản khá cao, 20%, sẽ được giảm ngay về 0%.

Như vậy, có thể nói, EVFTA đã mở rộng cửa cùng với nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn với EU - vốn dĩ là thị trường, là đối tác đầu tư, thương mại lớn bậc nhất của Việt Nam nhiều năm qua, đồng thời, cũng là một thị trường mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam luôn ao ước được mở rộng, được giảm thuế cho thuận lợi xuất khẩu cũng như đem kim ngạch về nhiều hơn. Bởi thế, một tháng qua, tinh thần phấn khởi hưởng ứng, không khí chuẩn bị thực hiện EVFTA đã rất khẩn trương, sôi nổi từ các cơ quan nhà nước quản lý kinh tế, đến các hiệp hội doanh nghiệp và đông đảo doanh nhân, nhất là với các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam. Chúng ta đã rất quan tâm cũng như thực tế chứng minh là nhiều lợi ích kinh tế đã đến từ các hiệp định thương mại tự do FTA, nhưng bài học kinh nghiệm là ký được Hiệp định đã khó, ký được là thắng lợi lớn, nhưng tận dụng khai thác còn quan trọng hơn. Theo các cán bộ quản lý  kinh doanh, thương mại và các chuyên gia kinh tế, với một số hiệp định FTA trước, trong kế hoạch hành động ít, nhiều đã có sự chậm trễ, nếu với EVFTA mà lại vẫn cách tiếp cận như vậy thì sẽ là không khai thác được kịp thời các lợi ích, thậm chí từ nóng lại lạnh dần đi. Có chuyên gia kinh tế ví von rất hay: “Nếu coi EVFTA là một cuộc hôn nhân thì dù đẹp nhưng cũng không chỉ có màu hồng. Còn nếu coi EVFTA là bông hoa đẹp thì cũng phải biết là hoa hồng có gai. Nếu coi đó là con đường thì phải nhớ là không con đường nào chỉ trải toàn hoa đẹp. Phải hiểu như vậy để chúng ta có sự lường trước khó khăn và đủ quyết tâm tiến lên phía trước”.

leftcenterrightdel
 EVFTA đã được ký kết chính thức ngày 30/06/2019 

EVFTA là hành trình đầy gian nan để đi tới, nhất là trước một thực tế, độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất cao, nhưng năng lực hội nhập lại thấp. Chúng ta đang phấn khởi, tự hào là đã có FTA với EU trong khi nhiều đối thủ kinh tế của ta như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia chưa có. Song phải hiểu rằng không có nghĩa là mãi mãi họ không có FTA với EU. Mà vì chúng ta có FTA trước nên lợi thế này càng phải được khai thác tốt, khai thác nhanh, cũng như duy trì lợi thế này càng lâu càng tốt. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ chuyên trách kinh tế như Bộ Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy nhanh việc chuẩn bị mọi mặt cho thực hiện EVFTA. Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới cũng rất quan tâm tới việc chuẩn bị tốt của Việt Nam cho EVFTA, họ góp ý: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU là một cuộc chơi dài hạn, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách trong nước để nâng cao năng lực doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thế giới đầy yếu tố bất định. Phải nâng cao nhận thức của doanh nghiệp là cần đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong EVFTA theo từng ngành hàng, đặc biệt là những ngành hàng quan trọng, đây là sự cần thiết phải làm ngay lúc này. Cũng phải luôn nhớ EVFTA là cuộc chơi dài hạn, mức độ cam kết sâu, do đó nhận thức của doanh nghiệp về EVFTA với ngành hàng cũng phải đảm bảo đủ sự sâu tương ứng.

Chính phủ phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia cuộc chơi và thực hiện cuộc chơi một cách thuận lợi, dễ dàng. Những thông tin chi tiết về thị trường, đối tác, tư duy người dùng đối với hàng nhập khẩu  cần phải được chia sẻ rộng rãi để doanh nghiệp có những giải pháp thích hợp ứng phó. Các FTA đều có những quy định về xuất xứ hàng hóa, Chính phủ có thể gián tiếp hỗ trợ doanh nghiệp linh hoạt đáp ứng quy tắc xuất xứ bằng cách cộng gộp đầu vào nhập khẩu từ một số thị trường để được hưởng ưu đãi. Thông qua mạng lưới ngoại giao, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Chính phủ sẽ hỗ trợ kết nối doanh nghiệp với bên ngoài, cung cấp thông tin để giảm thiểu chi phí tìm hiểu đối tác. Từ đó hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của luật chơi từ dễ đến khó. Một số ngành nghề đã và đang là đối tác thương mại lớn với EU cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp dấn bước để tận dụng cơ hội từ EVFTA, vừa tận dụng tốt những sự hỗ trợ từ nhà nước, vừa tự đổi mới, nâng cao năng lực.

Hiện nay, có hai ngành hàng là dệt may và nông sản sẽ sớm thu lợi lớn từ EVFTA nếu biết khai thác nhanh cơ hội. Như với dệt may, sẽ là ngành hàng hưởng lợi nhiều nhất, trong vòng 7 năm mức thuế hiện hành 15% sẽ được xóa bỏ dần về 0%. Một số hiệp định FTA khác quy định rất chặt chẽ về xuất xứ từ sợi trở đi, được coi là khó khăn thách thức lớn với hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam, thì EVFTA quy định xuất xứ này chỉ áp dụng từ vải. EVFTA mở ra một thị trường xuất khẩu dệt may rộng lớn vì nhu cầu nhập khẩu hàng dệt may của EU lớn nhất thế giới, khoảng trên 250 tỷ USD. EVFTA cũng tạo ra sức ép nhất định thúc đẩy cải cách về thể chế của Việt Nam buộc chúng ta phải nội luật hóa những quy định đã cam kết. Bởi thế, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam được hưởng thuận lợi hóa thương mại và về tất cả những vấn đề về hành chính, kiểm tra chuyên ngành liên quan đến những rào cản. Mặc dù vậy, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng rất lớn khi dệt may có hai khâu yếu là dệt vải và nhuộm hoàn tất, cũng có nghĩa là nếu không đáp ứng thì không được hưởng thuế 0%.

Một thách thức khác, EU là thị trường khó tính, đòi hỏi hàng hóa chất lượng cao, nhất là yêu cầu cao về an toàn sản phẩm, vệ sinh môi trường và về lao động. Hiệp hội dệt may Việt Nam đã nhắc nhở các doanh nghiệp cần quan tâm những điều này để  hạn chế được nhiều nhất các thách thức. Các doanh nghiệp dệt may phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế khi xuất hàng sang Châu Âu, phải tốt về chất lượng, đẹp về mẫu mã để thắng trong cạnh tranh, nên phải tự đổi mới về mọi mặt, nhất là công nghệ và quản trị chất lượng. Khó hơn nữa là phải có năng lực cung cấp đủ theo yêu cầu của khách hàng, hiện tại là 3 triệu sản phẩm vào EU, nhưng tới đây có thể là 7 đến 10 triệu, liệu ngành dệt may Việt Nam có đáp ứng được hay không? EVFTA cũng sẽ mang đến các cơ hội đáng kể cho nông nghiệp Việt Nam, gia tăng xuất khẩu nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế, đang là thị trường lớn thứ 2 của các nông sản chủ lực như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, song vấn đề là phải đáp ứng các yêu cầu, quy định của hiệp định này. EVFTA cũng mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam vốn đã xuất khẩu tốt càng tốt hơn nữa sang các nước EU./.

                                                                                                               Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra