Hiện nay, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi người lao động một sự vượt bậc về trình độ hiểu biết và kỹ năng công nghệ. Đối với ngành dệt may, từ khi có Cách mạng công nghiệp 4.0 nhiều khâu của ngành dệt may đòi hỏi phải ứng dụng công nghệ tự động hóa, trong khi nguồn nhân lực dệt may còn hạn chế cả về số lượng lẫn chất lượng, tỷ lệ lao động qua đào tạo trong các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện mới chỉ khoảng 25%. Công nhân thì thế, còn đội ngũ quản trị của ngành dệt may cũng chẳng khá hơn, phần lớn đều từ công nhân mà lên, chưa có kiến thức bài bản. Trên tổng thể, mức độ sẵn sàng với Cách mạng công nghiệp 4.0 của nguồn nhân lực ngành dệt may mới chỉ đạt mức 3/10. Dự báo đến năm 2025 ngành dệt may Việt Nam sẽ cần thêm 130.000 lao động có trình độ đại học cao đẳng, con số này sẽ tăng lên 210.000 vào năm 2020. Đáp ứng được con số này thực là khó, có thể nói, trước cách mạng công nghiệp, ngành dệt may đang thiếu một nguồn nhân lực chất lượng cao rất lớn. Quá trình tự động hóa, sử dụng robot cần và sẽ được áp dụng rộng rãi vào tất cả các công đoạn từ chuẩn bị bông đến đóng gói sản phẩm, giám sát kéo sợi bằng kỹ thuật số, giám sát môi trường nhà máy. 10 năm trước, doanh nghiệp sợi cần sử dụng 100 - 110 lao động để vận hành một nhà máy có quy mô một vạn cọc sợi. Kể từ khi áp dụng cách mạng công nghiệp 4.0, chỉ cần 25 - 35 lao động. Với khâu may, các sản phẩm cơ bản như quần âu, quần zin, áo phông, áo sơ mi sẽ được thay hoàn toàn bằng robot. Như vậy, nếu nguồn nhân lực không được nâng cao trình độ thì không thể đáp ứng được yêu cầu tự động hóa của ngành dệt may.
Trước tình hình đang chênh lệch nhau giữa số lao động không qua đào tạo hoặc đào tạo kém, với nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao lao động kỹ thuật, các doanh nghiệp muốn hoạt động được không thể ngồi yên, mà buộc phải tìm kiếm giải pháp hòa mình vào dòng chảy sản xuất kinh doanh thời hiện đại. Không thể để mãi tình hình như khảo sát của Bộ Công thương, mức độ sẵn sàng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp công nghiệp vẫn còn 61% đứng ngoài cuộc, 21% mới chuẩn bị ban đầu, chỉ có 18% sẵn sàng. Muốn tồn tại và phát triển, doanh nghiệp phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, do đó cũng phải đào tạo nhanh lao động biết ứng dụng. Sản xuất, kinh doanh hiện nay còn phải thực hiện hợp tác kinh tế quốc tế, tìm kiếm khách hàng và cạnh tranh trên các thị trường trong nước lẫn nước ngoài, doanh nghiệp nào không có đội quân lao động đào tạo theo cách thức mới, theo kịp đà tiến của cách mạng công nghiệp 4.0, sự thua cuộc, phá sản sẽ là đương nhiên. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI cũng đã bỏ qua thời kỳ tìm đến Việt Nam vì lao động rẻ, dẫu là giản đơn, mà bây giờ họ cần lao động có trình độ cao, nếu nước ta không đáp ứng được, hoặc họ sẽ chuyển nhà máy sang nước khác, hoặc sẽ tuyển lao động kỹ thuật cao ở nước họ hay nước khác đem vào nước ta để thay thế số lao động giản đơn nội địa. Sự di chuyển lao động trong khu vực cũng như với các nước càng ngày càng cần phải là lao động qua đào tạo với trình độ cao cho hợp với trình độ hiện đại và cách mạng công nghiệp. Có nghĩa là về đào tạo, sản phẩm lao động phải phù hợp với quốc tế, tỷ lệ lao động qua đào tạo chính là tiêu chuẩn quốc tế về cung cấp lao động, phải có kỹ năng từ trung bình trở lên.
Tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ càng ngày càng đòi hỏi tăng cao, Quốc hội và Chính phủ cũng đã có Nghị quyết và Quyết định về việc này. Chất lượng nguồn nhân lực là một trong các yếu tố quyết định tiềm lực quốc gia, nguồn vốn quan trọng nhất đóng góp vào việc quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Trách nhiệm của nhà nước là chăm lo nâng cao chất lượng nhân lực qua việc xây dựng và tổ chức các chương trình kế hoạch đào tạo lao động theo cách mới tại các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề và tại chính nơi làm việc. Các doanh nghiệp cũng cần liên kết với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp xác định yêu cầu đào tạo lao động cho mình thông qua việc đặt hàng, hỗ trợ học bổng. Các Bộ ngành chức năng cần gia tăng những cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nhân lực. Những vấn đề này đang được nhiều địa phương quan tâm, như thành phố Hồ Chí Minh mới đây đã đề xuất: cần tuyển dụng 75,53% lao động qua đào tạo. Còn trên cả nước, việc phát triển giáo dục nghề nghiệp đang theo xu hướng linh hoạt, có tính cách mở, đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động học nghề, tạo việc làm trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và tiếp cận cách mạng công nghiệp. Thuật ngữ giáo dục mở đã được nêu trong các văn kiện của Đảng, Nhà nước, cũng như trong thực tế đào tạo lao động. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt đóng vai trò quan trọng trong phát triển kỹ năng cao, đáp ứng yêu cầu việc làm theo những yêu cầu mới của thị trường lao động.
Để xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp thành một hệ thống mở cần có những điều kiện tăng cường tự chủ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hoàn thiện cơ sở pháp lý, đổi mới quản lý, huy động nguồn tài chính. Cần đầu tư đồng bộ cho đào tạo nhân lực thuộc các ngành nghề trọng điểm, các ngành nghề tiếp cận với trình độ tiên tiến của khu vực và quốc tế. Các trường đại học không chỉ đào tạo ra các chuyển gia, nhà nghiên cứu, mà còn phải đào tạo trực tiếp lao động, vượt qua khỏi tình trạng chất lượng sinh viên tốt nghiệp nhiều hạn chế, nhất là về kỹ năng thực hiện nghề nghiệp, sử dụng công nghệ thông tin, năng lực ngoại ngữ.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt ra yêu cầu cao hơn cho người lao động với hàng loạt kỹ năng như sáng tạo, quản lý con người, trí tuệ, cảm xúc, đàm phán, sử dụng công nghệ hiện đại, am hiểu kỹ thuật số, nên các trường đại học vừa phải theo hướng chung đó, vừa phải tạo ra sự khác biệt trong đào tạo các giá trị cốt lõi, linh hoạt trong mọi hoạt động. 4.0 mở ra cơ hội cho Việt Nam ở nhiều ngành kinh tế, nhưng cũng đòi hỏi lao động phải có khả năng phù hợp ở mọi lĩnh vực, nhất là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, nên phải cải cách căn bản, toàn diện và sâu sắc việc đào tạo lao động, phải nhanh chóng bắt kịp xu thế đào tạo của khu vực và thế giới giữa thời công nghệ số.
Trung Vũ