Đột phá tam nông và hội nhập nông nghiệp

Thứ bảy, 08/09/2018 10:00
(ThanhtraVietNam) - Vì tầm quan trọng của phát triển kinh tế nông nghiệp, vì yêu cầu thực tiễn phải nâng cao đời sống mọi mặt của nông dân và xây dựng nông thôn mới, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 7, khóa 10, thường gọi là Nghị quyết tam nông. Nghị quyết này đi vào cuộc sống được 10 năm, tạo nên sự đột phá trong suy nghĩ, hành động và hiệu quả sản xuất.

Theo đó, bộ mặt nông thôn thay đổi mạnh mẽ, nông nghiệp duy trì tăng trưởng và đang chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa với quy mô, năng suất và chất lượng ngày càng cao. Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng gấp 2,5 lần, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành 2008 - 2017 đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,26%/năm, dự kiến năm 2018 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 40 tỷ USD.

Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới về kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản. Sự phát triển của nông nghiệp đã nâng cao đời sống cho nông dân. Năm 2017 thu nhập bình quân hộ  gia đình ở nông thôn đạt 130 triệu đồng, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2008.

Từ năm 2010 đến năm 2017, xã hội đã huy động được khoảng 1.672,250 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội nông thôn và phát triển đô thị, trong đó có vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, người dân và cộng đồng.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Phong trào xây dựng nông thôn mới có sức lan tỏa cao, bộ mặt nông thôn đổi mới theo hướng văn minh hiện đại. Các mô hình hợp tác xã kiểu mới đã được xây dựng, đem sức mạnh mới cho nông dân và thu hút đầu tư của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã trở thành nòng cốt tạo nên giá trị nông sản và sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phát triển thị trường nông nghiệp.

Những năm qua, nền nông nghiệp nước ta cũng đã được tăng cường hội nhập kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế châu Á, Đông Nam Á. Khi mà nông nghiệp là ngành kinh tế chủ lực của phần lớn các quốc gia ASEAN, sản xuất nông nghiệp không chỉ đảm bảo an ninh lương thực nội khối với dân số 650 triệu người, mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.

Theo kế hoạch hành động triển khai tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Việt Nam đến 2020, Chính phủ đã đặt nông nghiệp làm trọng tâm cho phát triển kinh tế bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn thịnh vượng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và đầu tư theo mô hình công tư PPP sẽ là 2 nhân tố giúp thực hiện mục tiêu trên.

Bên cạnh vai trò kiến tạo của Chính phủ, vai trò chủ thể của nông dân, cần tăng cường sự đồng hành của doanh nghiệp vì đây là tác nhân năng động nhất trong chuỗi giá trị có tiềm lực ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản, thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0. Từ đó sẽ xây dựng ngành kinh doanh nông nghiệp hiện đại, có sức mạnh hội nhập tốt, năng lực cạnh tranh cao để tăng mạnh xuất khẩu nông sản ra thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường có yêu cầu cao. Sẽ nhân rộng mô hình hợp tác PPP ra 10 mặt hàng chủ lực quốc gia, tiến tới nhân rộng ra các nhóm mặt hàng cấp tỉnh và địa phương, tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp trong chính sách phát triển giữa nước ta với các nước ASEAN, châu Á và thế giới.

Trong hội nhập nông nghiệp, Chính phủ ta đặc biệt chú ý đến mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước cùng chung một dòng nước Mêkông, hòa đồng tầm nhìn mới của khu vực này là hòa bình, hợp tác, phát triển, kết nối. Lãnh đạo các nước trong khu vực  đều có chung nhận định: Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể thay đổi một số phương thức, động lực để phát triển, mà sự kết nối thương mại điện tử, quản lý kinh tế, dỡ bỏ rào cản, sức nhìn sẽ nhanh hơn và hiệu quả hơn, có nhiều cơ hội để hợp tác, bổ trợ để cùng phát triển, thậm chí cạnh tranh lành mạnh để cùng vươn lên.

Ví như Myanma từng là vựa lúa của khu vực, nhưng sau đó Thái Lan, Việt Nam từng bước thay thế vị trí này, dù vậy xuất khẩu gạo của Myanma vẫn không bị cản trở hay sụt giảm. 5 quốc gia Mêkông đều có sản phẩm chung, không có nghĩa là sản phẩm chung đó khiến các quốc gia cạnh tranh khốc liệt với nhau, mà trái lại có thể hỗ trợ cho nhau. Nếu có thể thiết lập một khối xuất khẩu gạo giữa các nước ASEAN thì hợp tác cùng nhau giữa các nước này càng mạnh mẽ hơn nữa trong xuất khẩu gạo nói riêng, cũng như nói chung trong lĩnh vực nông nghiệp vốn là ngành kinh tế xương sống của ASEAN.

Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết Tam nông càng thấy vị thế quan trọng cũng như thực tế thành tựu lớn lao mà Nghị quyết này đem lại cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Trên tinh thần đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương đẩy mạnh hơn nữa việc phát huy những biện pháp hiệu quả, khắc phục một số yếu tố thiếu bền vững trong phát triển nông nghiệp; năng lực cạnh tranh quốc gia của sản phẩm và doanh nghiệp bị hạn chế do vốn đầu tư thấp, thiếu khoa học công nghệ tiến bộ, thiếu nguồn nhân lực lao động và quản lý chất lượng cao, hạ tầng chưa đồng bộ, thu nhập và đời sống nông dân, ô nhiễm môi trường nông thôn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng các bộ ngành liên quan thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết Tam nông của Trung ương 7, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với công nghiệp chế biến nông sản. Tổ chức lại thị trường tiêu thụ nông sản kết nối với mạng lưới tiêu thụ toàn cầu. Quan tâm phát triển toàn diện kinh tế và hiện đại hóa hạ tầng nông thôn, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nông dân, xác định vai trò quan trọng của Nghị quyết Tam nông trong công nghiệp hóa đất nước và phát triển kinh tế, xã hội chung của cả nước, mở rộng hội nhập hiệu quả cao nhằm đưa kinh tế nước ta nói chung, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa nông sản nói riêng tăng trưởng, vươn rộng và sâu vào thị trường các nước trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và toàn cầu./.

                                                                                                 Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra