Gần đây, Chính phủ đã xử lý cứng rắn với các nhà hàng ăn uống, cửa hiệu kinh doanh xây dựng, hoạt động trái phép trên diện tích cống hóa kênh mương ở phố Phan Kế Bính, Nguyễn Khánh Toàn… để bảo vệ nghiêm ngặt không gian công cộng. Bởi với môi trường sống và đời sống thường nhật của người dân ở mọi nơi, nhất là ở các đô thị thì không gian chung thông thoáng, sạch đẹp là vô cùng cần thiết. Vấn đề này thì không mấy ai không biết, song, trong thực tế tại phần nhiều các thành phố lớn, không gian công cộng không những ít được mở thêm, mà thường còn bị lấn chiếm, làm co hẹp lại.
Hà Nội là một điển hình cho việc có những khu đất vốn đã được quy hoạch xây dựng vườn hoa, công viên, song tiến hành chậm, nên đã bị biến thành bãi rác, rồi một số hộ dân nhảy liều vào làm nhà ở, lâu dần, thành hẳn một khu dân cư không có trong quy hoạch và cũng không thể nào giải tán các hộ dân liều chiếm này được nữa. Lại có một vườn hoa lớn, mang tên khá đẹp, tươi vui là công viên Tuổi trẻ Thủ đô, kể từ khi bước đầu xây dựng tính đến nay đã là con số hàng chục năm, song vẫn dở dang, bề bộn. Từ đó tạo điều kiện cho sự lấn chiếm, hoặc hình thành các công trình kinh doanh vừa nhếch nhác, vừa xa vời, khác lạ với mục tiêu của công viên này là phải có các công trình phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, tập luyện thể dục thể thao.
Báo cáo kết quả rà soát thực trạng vườn hoa, sân chơi công cộng trên địa bàn Hà Nội cho thấy có đến 266 phường xã thiếu số lượng sân chơi, vườn hoa, thành phố cần bổ sung hơn 122 ha làm việc này. Vào những năm 70 của thế kỷ trước ở các khu tập thể như Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Giảng Võ, Thành Công, Thanh Xuân,… giữa các dãy nhà đều có những khoảng không gian rộng rãi làm vườn hoa, sân chơi, đường đi giao thông rộng rãi, được thiết kế trong các bản vẽ quy hoạch chi tiết đã phê duyệt, nhưng rồi dần bị lấn chiếm, thay vào đó là tường bao, nơi bán hàng, xây dựng các cơ sở kinh doanh tư nhân, hoặc nới rộng xây thêm chung cư cho chủ đầu tư khu đô thị bán đi mà hốt thêm tiền. Do đó, không còn nơi cho trẻ em vui chơi, người lớn, giao tiếp, chỗ xây nhà trẻ, lớp học, trạm y tế lại càng không.
Tình trạng đáng buồn, đáng trách và phải truy hỏi trách nhiệm sai phạm như trên không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà xảy ra phổ biến ở nhiều đô thị khác. Có chung nguyên nhân từ chính sách chưa hoàn thiện, song chủ yếu là do sự buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại, sự thụ động của người dân đối với quyền được tham gia gìn giữ, kiến tạo các không gian công cộng vì chính cuộc sống của mình. Trong khi đó bản thân nhiều chủ đầu tư xây dựng chung cư, đô thị cũng thường lợi dụng việc làm co hẹp không gian công cộng để mở rộng diện tích xây thêm cơ sở kinh doanh để bán, một số dân cư nhảy vào lấn chiếm đất khoang không công cộng, nhất là các hộ dân có căn hộ tầng 1 mở rộng diện tích của mình vì các mục đích kinh doanh nhà hàng, làm bãi gửi xe, mở rộng nhà ở. Cùng giống những cách thức lấn chiếm không gian công cộng như thế, ở thành phố Hồ chí Minh nhiều công viên, vườn hoa, khu chung cư cũng đang bị lấn chiếm để lập, mở các cơ sở kinh doanh dịch vụ, chính quyền thành phố đang đau đầu với việc phải giải tỏa.
Một tình trạng tiêu cực chung nữa là không gian công cộng tại các đô thị đã bị biến thành các chợ cóc, tụ điểm mua bán hàng hóa. Khi không được bán hàng ở khu vực này, lại chạy sang họp chợ góc vườn hoa kia hay đầu con phố khác. Nguyên nhân chủ yếu là do sự thiếu ý thức tôn trọng không gian công cộng của nhiều người, song, cũng còn do dân số đô thị ngày càng đông, nhu cầu mua bán tăng theo, nhưng lại thiếu chợ dân sinh đáp ứng cho đủ sự cần có điểm giao thương phục vụ nhu cầu tiêu dùng và thương mại, bảo đảm an toàn vệ sinh. Không những đã chẳng xây dựng thêm, mà nhiều khu chợ dân sinh còn bị co hẹp để lập các siêu thị to lớn, hoặc là xây nhà ở, có những chợ dân sinh xây dựng ở những vị trí không phù hợp nên dân chúng không đến mua bán. Để có những chợ dân sinh phù hợp không để lấn chiếm không gian công cộng thì khó nhất là phải có đất phù hợp để lập chợ, có cơ sở hạ tầng đảm bảo, nhưng nhiều phường, quận lại hết sạch quỹ đất xây dựng, các chợ cũ thì mặt bằng xuống cấp nghiêm trọng, nhếch nhác, không an toàn, khiến kẻ bán người mua đều thích ra chợ cóc dù xâm chiếm không gian công cộng.
Hiện nay, Hà Nội có 454 chợ thì chỉ có 120 chợ kiên cố, chiếm 22,4%, gần 50% chợ là bán kiên cố, còn lại là lán tạm. Rõ ràng là để không gian công cộng nơi đô thị không bị lấn chiếm thì cần phải tổ chức lại các chợ dân sinh để có nơi mua bán hàng hóa tiêu dùng cho người dân, đồng thời phải quản lý nghiêm ngặt không để vườn hoa, công viên, đường phố thành nơi kinh doanh ăn uống hoặc bán lẻ hàng hóa. Việc cống hóa một số kênh mương là cần thiết về vệ sinh, môi trường và có thể khai thác vào việc công ích như làm nơi đỗ gửi xe, chỗ dân ngồi nghỉ, gặp gỡ giao lưu, song phải nghiêm cấm việc lợi dụng xây các nhà hàng, quán ăn.
Một số hoạt động mua bán khác cũng cần quy gọn vào chợ hoặc vào phố để không diễn ra cảnh lập quầy bày bán ở các vườn hoa, xâm phạm không gian công cộng ví như bán sách tại các phố sách, đường sách đã quy hoạch và hoạt động quy củ, hấp dẫn nhiều năm. Trên tổng thể, cần phải gia tăng không gian công cộng như nhiều tổ chức xã hội, chuyên gia cảnh quan trên thế giới nhận định, nên xem là một trong những chiến lược nhằm phát triển toàn diện về kinh tế văn hóa xã hội của các đô thị. Việt Nam cần phải khắc phục tình trạng tại nhiều đô thị lớn đã có sự mất cân đối nghiêm trọng, chậm phát triển không gian công cộng, hàng trăm nghìn ha mặt nước sông hồ, diện tích bán ngập bị san lấp, thu hẹp và ô nhiễm. Phải ngăn ngừa tình trạng quỹ đất dành cho không gian công cộng bị chuyển bớt sang các mục đích khác, cương quyết ngăn chặn việc cắt giảm diện tích vườn hoa công viên, sân bãi thể dục thể thao. Cần phải tìm kinh phí và các cơ chế hợp lý dành cho công tác quản lý, duy trì, bảo dưỡng không gian công cộng, nâng cấp các khu vui chơi giải trí. Chính quyền các đô thị cần phải xây dựng kế hoạch phát triển không gian công cộng theo hướng đô thị tăng trưởng xanh, để góp phần nâng cao chát lượng cuộc sống đô thị, bảo vệ những không gian công cộng hiện có, phát triển các không gian công cộng mới theo đúng quy hoạch đô thị, không thể để các không gian này bị sử dụng sai mục đích, thương mại hóa, làm phương hại đến lợi ích của cộng đồng. Hà Nội và nhiều đô thị khác ở Việt Nam phải khắc phục, chấn chỉnh ngay tình trạng còn thiếu chính sách hoàn thiện quản lý không gian công cộng; với các chiến lược và chính sách quốc gia về phát triển đô thị, cần xem việc phát triển hệ thống không gian công cộng chất lượng như là chìa khóa để đạt được các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xã hội, cải thiện bình đẳng, nâng cao sức khỏe cộng đồng./.
Trung Vũ