Đừng để khách du lịch “một đi không trở lại”

Thứ sáu, 29/11/2019 14:08
(ThanhtraVietNam) - Với ưu thế nhiều danh lam thắng cảnh, an ninh trật tự tốt, góp phần tạo điều kiện thuận lợi lớn cho ngành du lịch Việt Nam khai thác, tiến triển, gặt hái kết quả cao. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nhiều khách du lịch chỉ đển Việt Nam một lần, rồi “một đi không trở lại” khiến ngành du lịch nước ta chưa “bền”.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện vừa báo cáo trước Quốc hội, rằng: Việt Nam đang là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới, từ năm 2015 đến 2018 khách quốc tế tăng gần 2 lần, từ 8 triệu lên 15,5 triệu, tốc độ tăng trưởng là 25%/năm, khách nội địa tăng 1,4 lần, từ 57 triệu lên 80 triệu vào năm 2018, đóng góp 8,4% GDP. Trong 10 tháng đầu năm 2019, du lịch Việt Nam đón 14,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 13% so với tăng trưởng 4% của du lịch toàn cầu và 5% của khu vực Đông Nam Á. 

Theo các chuyên gia kinh tế, du lịch Việt Nam đã và đang chuyển mình mạnh mẽ, bước những bước tiến dài cùng với các ngành kinh tế khác, hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, trở thành một quốc gia du lịch, một điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, do chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch, đưa thành ngành kinh tế mũi nhọn, sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ, các Bộ ngành, chính quyền các địa phương và của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp tư nhân.

Tuy nhiên, cũng tại Kỳ họp Quốc hội lần này, một số đại biểu Quốc hội băn khoăn về việc đánh giá du lịch Việt Nam còn quá thiên về mặt số lượng. Du khách quốc tế đến nước ta, mà chưa chú ý đến lợi ích kinh tế, cụ thể hóa sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội như với nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Có vẻ như sự định hướng phát triển thị trường, xây dựng sản phẩm du lịch cũng như đưa ra các chính sách đầu tư cho quảng bá, xúc tiến du lịch đang quá thiên về tăng số lượng khách đến, bất luận rằng khách nào, chưa chú ý nhiều đến lợi ích kinh tế thiết thực, cụ thể mà sự gia tăng số lượng khách du lịch ấy đem lại. Cũng chưa xem xét đến việc có bền vững hay không sự tăng trưởng số lượng khách du lịch? Trong khi đó, theo sự đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, sự tăng trưởng đột biến về số lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 30% trong năm 2016 - 2017 là nhất thời. Con số tăng trưởng 30%, thậm chí 20%, hay 15% sẽ khó lặp lại trong năm nay và những năm tiếp theo, nếu chúng ta ngủ quên trên vòng nguyệt quế, rơi vào bẫy tăng số lượng, khách không chú ý đến lợi ích kinh tế cụ thể, cũng như không chú ý đến việc nhiều khách du lịch chỉ đển Việt Nam một lần, rồi “một đi không trở lại” do quá chán với những gì họ thấy, họ cảm nhận.

Cũng theo nhiều chuyên gia kinh tế, không phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch, song, cần thấy kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh to lớn mà đất nước đã tạo sẵn cho ngành du lịch, cũng như nguồn lực dồi dào trong dân, kỳ vọng, niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với ngành du lịch. Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đã đề ra những mục tiêu cao, kỳ vọng lớn đối với ngành du lịch, nhưng thực tế kết quả hoạt động của ngành du lịch hiện nay lại chưa đạt đến, nên cần phải thẳng thắn mạnh dạn hơn chỉ ra những yếu kém, nguyên nhân trở ngại đối với phát triển du lịch nước nhà để mà chấn chỉnh, vượt qua. 

Trước hết là nhận thức của một số Bộ ngành, địa phương chưa thực sự coi du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên vùng, liên ngành, cần xã hội hóa và hội nhập quốc tế cao. Các cơ chế chính sách phát triển du lịch chưa đủ mạnh, thiếu tính kịp thời và đột phá để du lịch phát triển theo đúng bản chất của một ngành kinh tế vận hành theo những quy luật của kinh tế thị trường.

leftcenterrightdel
Các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam (Ảnh: Internet)  

Một nguyên nhân nữa là hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch ở trung ương và địa phương còn nhiều bất cập và hạn chế, chưa được tạo điều kiện và đặt đúng vị trí cần có, thiếu vai trò nhạc trưởng điều phối chung. Sản phẩm du lịch thiếu đa dạng, phong phú khiến du lịch Việt Nam chưa thực sự phát triển bền vững, chưa khiến khách du lịch đến Việt Nam một lần thấy sự hấp dẫn, quyến rũ lại muốn quay lại lần sa.

Thực tế đáng buồn là ngành du lịch hiện mới chủ yếu khai thác những cảnh quan thiên nhiên sẵn có, lại chưa chú ý đến tâm lý, thói quen đời sống của khách du lịch. Ví như nhiều khách du lịch từ các nước Âu - Mỹ, khác múi giờ với Việt Nam, bởi vậy, họ có nhu cầu đi chơi, mua sắm hàng hóa vào khung giờ đêm của Việt Nam. Nhưng tiếc thay sự cung cấp sản phẩm ban đêm cho khách du lịch ở Việt Nam vẫn bị bỏ ngỏ, các loại hình dịch vụ về đêm đáng nhẽ là những mỏ vàng giúp ngành du lịch tăng thu nhập và mang lại cho nền kinh tế chung doanh thu cao, người dân cũng sẽ cải thiện được đời sống, thì lại không được bày bán, tổ chức, khai thác. 

Một trong những điểm khiến du khách đến Việt Nam rồi không muốn quay lại là do không có gì hấp dẫn cho họ mua sắm, tiêu tiền. Điều này hoàn toàn khác với du lịch của nhiều nước, phần lớn khách du lịch trở đi trở lại nhiều lần, cho dù thiên nhiên, cảnh quan các nước ấy thua xa Việt Nam, nhưng họ lại biết tạo không khí nhộn nhịp về đêm, mang lại sự hào hứng cho khách du lịch cũng như sẵn các thứ hàng hóa rẻ, đẹp để mua, dịch vụ hấp dẫn để vui chơi. Một số giám đốc công ty du lịch lo lắng: Nguồn thu từ du khách đang giảm vì không có chỗ cho họ tiêu tiền, nếu như năm 2017 khách du lịch quốc tế chi tiêu bình quân 925 USD/người, thì đến năm 2018 xuống còn 525 USD người. Ngành du lịch không chú ý đến tâm lý của phần đông khách du lịch là khi đi chơi đêm nếu sẵn thứ cho họ mua, dịch vụ cho họ vui chơi, ăn uống, thết đãi bạn bè, sự hào hứng sẽ làm cho khách du lịch ít so đo tính toán việc tiêu tiền, mà sẵn sàng hào phóng mở rộng ví tiền.

Thực tế cho thấy, muốn phát triển du lịch bền vững, đem lại thu nhập cao về thực chất, để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải khắc phục những yếu kém kể trên. Đây cũng là những ý kiến của nhiều cán bộ quản lý kinh doanh, các chuyên gia kinh tế, giám đốc các doanh nghiệp du lịch phát biểu tại các cuộc hội thảo gần đây bàn việc đẩy mạnh phát triển du lịch. Nhất là cần sớm xác định những điểm cần ưu tiên chọn lựa để cho du lịch phát triển mạnh mẽ và thuận lợi hơn. Hi vọng Chính phủ sớm ban hành các bộ tiêu chí về phát triển bền vững du lịch, chi tiết đến mức có thể dùng để áp vào các dự án đầu tư du lịch một cách dễ dàng. Đồng thời, cần hợp lý hơn về khung pháp lý, có cơ chế minh bạch một cách tối đa để đánh giá các dự án du lịch tác động đến thiên nhiên, tài nguyên, văn hóa, từ đó có thể biết khai thác tài nguyên thiên nhiên cho ngành du lịch đến đâu là vừa, là đủ, khai thác sao cho hiệu quả cao.

Ngoài ra, cần luôn nhớ, Việt Nam muốn phát triển du lịch bền vững, hiệu quả cao thì phải theo hướng tạo sự khác biệt, đặc sắc của Việt Nam để khách du lịch thay vì đến các nước liền bên với nước ta, họ sẽ chọn Việt Nam. Việt Nam có nhiều cái hay, nhưng ta phải làm cho hay hơn. Du lịch Việt Nam phải vượt lên về chất, về sự hấp dẫn, khác biệt, lấy lợi ích kinh tế cụ thể làm thước đo, tạo đẳng cấp, chứ không chỉ đơn thuần chạy theo số lượng.

                                                                                                            Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra