Giải quyết tranh chấp, khiếu nại: Bài học về sự chấp pháp và thái độ ứng xử

Thứ sáu, 18/05/2018 08:21
(ThanhtraVietNam) - Khiếu nại, tố cáo là quyền chính đáng của công dân, đã được pháp luật quy định. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quyền của mình, công dân cần tôn trọng pháp luật cũng như quy trình giải quyết của cơ quan chức năng. Nếu chưa đồng tình với phán quyết của tòa án, công dân có quyền khiếu nại, khiếu kiện theo đúng quy định để được tiếp tục xem xét và giải quyết. Nếu hành vi của công dân trong quá trình khiếu nại, khiếu kiện không tuân thủ quy định của pháp luật có thể dẫn đến những hậu quả, hệ luỵ đáng tiếc.

Thực tế thời gian qua cho thấy, nhiều người dân vì bức xúc kéo dài đã có những thái độ, hành vi vi phạm chuẩn mực, quy định của pháp luật, dẫn đến gia tăng nghĩa vụ dân sự trong quá trình xử lý và giải quyết. Thậm chí trong một số trường hợp, những người đang trong quá trình khiếu nại, tố cáo lại không làm chủ được hành vi của mình và đã trở thành đối tượng vi phạm pháp luật.       

Ngày 8/5 vừa qua, sau khi nhận được Quyết định số 290/QĐ-GQKN của Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc giải quyết khiếu nại liên quan đến vụ việc tranh chấp quyền sử dụng đất, đương sự không đồng tình với quyết định của tòa và đã có những lời lẽ xúc phạm các thẩm phán thụ lý vụ việc cũng như với lãnh đạo của Tòa án nhân dân thành phố, gây mất trật tự nơi “công đường”, ảnh hưởng đến các phiên tòa đang diễn ra. Lực lượng chức năng đã kiên trì thuyết phục để đương sự không tiếp tục có các hành động, lời nói quá khích.    

Ngày 9/5, trong khi làm nhiệm vụ giải tỏa lòng lề đường, lập lại trật tự đô thị tại phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, một cán bộ quản lý trật tự đô thị đã bị ông Nguyễn Quốc - một tiểu thương lấn chiếm lòng lề đường, dùng hung khí rượt đuổi, tấn công và gây thương tích. Hành vi này của ông Nguyễn Quốc chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...   

Việc người dân có hành vi vượt quá quy định của pháp luật khi không đồng tình với các quyết định của cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là trong lĩnh vực đất đai, có xu hướng gia tăng. Theo báo cáo của UBND Thành phố Hồ Chí Minh , từ năm 2015 – 2017 thành phố  tiếp nhận hơn 100.000 đơn phản ánh, khiếu nại, tố cáo. Nội dung chủ yếu tập trung các vấn đề liên quan đến đất đai như thu hồi đất, đơn giá đền bù chưa thỏa đáng, các tranh chấp dân sự đất đai…, nhất là xung quanh các dự án như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao thành phố, Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài, dự án khu đô thị Nam Sài Gòn…   

Thực tế cho thấy đây là lĩnh vực rất phức tạp, nhạy cảm do đụng chạm trực tiếp đến quyền lợi kinh tế của người dân hoặc tổ chức, vì vậy trong quá trình giải quyết, các cơ quan quản lý Nhà nước cần ưu tiên về nguồn lực và thời gian để nghiên cứu, giải quyết một cách thỏa đáng. Việc đưa ra kết luận, phán quyết thấu tình, đạt lý sẽ tăng niềm tin của người dân đối với cơ quan chức năng. Quan sát quá trình giải quyết một số vụ việc tranh chấp dân sự cho thấy người bị xử thua có tâm lý cho rằng bên thắng đã “đi đêm” với tòa án và phán quyết của tòa là “không công bằng”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới khiếu kiện kéo dài.    

Mặt khác, thực tế thời gian qua cũng cho thấy, không chỉ người dân mới cần có thái độ bình tĩnh, tôn trọng các quy định của pháp luật mà cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước, khi thụ lý các vụ việc khiếu nại của người dân cũng cần phải hết sức cầu thị, lắng nghe tâm tư và nguyện vọng chính đáng của người dân. Trong trường hợp, các cơ quan chức năng không đủ thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo, cần báo cáo lên cấp có đủ thẩm quyền để giải quyết, đồng thời thông tin kịp thời quá trình giải quyết tới đương sự có liên quan. Việc né tránh, vô cảm hay quan liêu trong quá trình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại của cơ quan chức năng sẽ làm gia tăng bức xúc của người dân, dẫn đến việc mất kiểm soát trong lời nói, hành vi của họ. Câu chuyện Khu đô thị mới Thủ Thiêm với hơn 10 năm khiếu nại từ địa phương đến Trung ương của một số cư dân ở đây là một trong những ví dụ điển hình đối với vấn đề nêu trên.    

Cuộc tiếp xúc cử tri chiều 9/5/2018 của Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Nguyễn Thị Quyết Tâm, được coi là “cuộc gặp lịch sử” giữa những người dân khiếu nại, sinh sống tại Thủ Thiêm với chính quyền thành phố. Tại cuộc tiếp xúc này, đại diện Hội đồng Nhân dân thành phố cũng đã thừa nhận chưa làm tròn nhiệm vụ khi chưa giải quyết được khiếu nại kéo dài trong nhiều năm qua của cử tri.    

leftcenterrightdel
Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm 

Tại cuộc tiếp xúc này, gần 100 hộ dân mang theo hồ sơ pháp lý, bản đồ quy hoạch và cả những tâm tư, nguyện vọng, bức xúc dồn nén bấy lâu đến dự họp. Người dân phản ánh, đối với dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, họ đã hơn 10 năm khiếu nại, khiếu kiện nhiều nơi, nhiều cấp, trong đó có Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc từ Quận 2 tới Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, người dân cho biết những phản ánh của họ đều bị rơi vào quên lãng hoặc được trả lời một cách đối phó, vòng vo, né tránh, không thuyết phục. Cử tri cũng luôn mong muốn được đối thoại với lãnh đạo cao nhất của thành phố để tìm tiếng nói chung.   

Dư luận có quyền đặt câu hỏi về việc thực hiện nghĩa vụ và quyền hạn được quy định trong Hiến pháp cũng như các quy định khác của pháp luật của Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua. Nếu việc tiếp nhận, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của người dân được Đoàn Đại biểu Quốc hội thực hiện sớm hơn để rồi tiến hành giám sát và có tiếng nói cần thiết trong quá trình hoạch định, thực thi chính sách của thành phố một cách thấu đáo, hợp tình, hợp lý thì chắc rằng những bức xúc của người dân đã sớm được chia sẻ và giải quyết.    

Qua những sự vụ kể trên cho thấy, nếu người dân và các cơ quan chức năng của Nhà nước đều thực hiện và tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật thì nhiều vụ việc và “điểm nóng” tại các địa bàn thời gian qua đã được xem xét, giám sát và giải quyết thấu đáo. Khi phản ánh của người dân được lắng nghe, bức xúc được chia sẻ, giải quyết rốt ráo và công tâm, người dân và cơ quan công quyền sẽ  cùng chung ý chí, chung mục đích nhằm xây dựng xã hội tốt đẹp hơn./.             

Dương Thái

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra