Giảm rác thải nhựa ngay từ khâu bán hàng

Thứ sáu, 12/07/2019 15:25
(ThanhtraVietNam) - Rác thải, nhất là rác thải nhựa đang ngày càng gia tăng số lượng nên cũng gia tăng tác hại đến môi trường sống của con người. Đây là một hiện tượng đáng báo động hiện nay, và Chính phủ đang kêu gọi giảm rác thải nhựa ngay từ khâu bán hàng.

Theo khảo sát của Ngân hàng thế giới, lượng rác thải rắn tại Việt Nam dự đoán sẽ tăng 38% từ 11,6 triệu tấn năm 2016, lên 15,9 triệu tấn năm 2030, và Việt Nam đang đứng thứ tư trong khu vực Châu Á về chất thải rắn. Về rác thải nhựa, Việt Nam đang đứng trong danh sách các quốc gia thải rác nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới, cùng với Trung Quốc, Thái Lan, Phillipines và Indonesia.

Chiếm tỷ lệ cao và gây tác hại môi trường lâu dài nhất trong các thứ rác thải là rác thải nilon, mà phần nhiều là bao bì, túi gói của những mặt hàng tiêu dùng, người mua dùng xong rồi thải bừa bãi ra môi trường. Việc phải cảnh báo, ngăn ngừa người tiêu dùng về hành vi này là hết sức cần thiết. Song, đồng thời cũng thấy cần phải ngăn ngừa, giảm thiểu từ gốc phát sinh rác thải nhựa của những cơ sở sản xuất hàng hóa và ở khâu bán hàng. Ví dụ như trên địa bàn Hà Nội, trong khối lượng rác thải sinh hoạt khoảng 6.000 tấn mỗi ngày, thì 8-10% là rác thải nhựa. Rác thải nhựa, bao bì, túi nilon dùng trong việc đóng gói hàng của các cơ sở sản xuất công nghiệp, hay của các siêu thị, cửa hàng bán hàng tiêu dùng đều thuộc loại khó phân hủy, cứ tồn tại gây ô nhiễm môi trường hết trăm năm này tới trăm năm khác. Cũng tại địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất nhựa và các sản phẩm từ nhựa, riêng bao bì, túi gói nilon đang phục vụ nhu cầu cho khoảng 1.000 cơ sở sản xuất thực phẩm và cho việc bán hàng của 24 trung tâm thương mại, 140 siêu thị, 454 chợ, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh thực phẩm, 123 chuỗi, gần 800 cửa hàng trái cây.

Không chỉ Hà Nội, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối tiêu dùng trên cả nước đều sử dụng các loại túi nilon khó phân hủy, chiếm tỷ lệ cao là túi nilon dùng một lần, sau đó thải ra môi trường. Tình trạng rác thải như thế đã và đang tác động xấu đến an sinh môi trường sống của con người. Nên để ngăn chặn tác hại, phải kịp thời thực hiện các biện pháp giảm rác thải nhất là rác thải nhựa trong các hoạt động kinh tế, xã hội, tiến tới không dùng các túi nhựa, bao bì nhựa loại dùng một lần, đồng thời tiến tới tìm cách làm ra các loại bao bì, túi gói thân thiện với môi trường thay thế bao, túi nilon.

leftcenterrightdel
Rác thải nhựa chiếm 8-10% rác thải sinh hoạt (Ảnh: Internet)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phát biểu tại lễ ra quân ngày 09/06/2019 của Thủ đô Hà Nội thực hiện phong trào nói không với rác thải nhựa: “Chúng ta cần có quyết tâm chính trị cao, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống, xử lý, giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, thực hiện phương châm nhà nhà hạn chế rác thải nhựa, người người phòng chống ô nhiễm rác thải nhựa, xã hội tiến đến nói không với rác thải nhựa”. Thủ tướng nhấn mạnh, phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, các chợ, các siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần, đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ ngành hoàn thiện các quy định, chính sách hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, khuyến khích hỗ trợ phát triển sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường, phân loại rác tại nguồn. Thu hút đầu tư, ứng dụng phát triển công nghệ tiên tiến tái sử dụng, tái chế rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng. Hạn chế và tiến tới chấm dứt việc nhập khẩu sản xuất các loại túi nilon khó phân hủy.

Qua đó, Thủ tướng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cần nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa, các cửa hàng, siêu thị, khu du lịch, khách sạn không sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần, khuyến khích người mua sắm tự mang làn, túi không nilon, mà là  sản phẩm thân thiện với môi trường, chí ít cũng là túi nilon sử dụng nhiều lần.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng, từ ngày đầu tháng 6 đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất, hay bán hàng tiêu dùng đang cố tìm sản phẩm mới thay thế đồ nilon,  như ống hút giấy, ống hút tre, túi giấy, lá chuối gói rau củ, chờ đợi sự ra đời nhiều và giá thành thấp những túi đựng, bao bì sinh học  có khả năng tự hủy, không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Hiện tại các túi sinh học tự phân hủy giá thành còn cao, nhiều người bán hàng tiêu dùng ngại mua do ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh, khiến nhà sản xuất các bao, túi thân thiện môi trường sẽ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù vậy, nhiều cơ sở sản xuất bao, túi đang cố gắng vượt khó, tìm cách giảm giá đầu vào để giảm giá đầu ra, đồng thời  bắt tay với các cơ sở bán hàng tiêu dùng đẩy mạnh việc sản xuất, sử dụng bao bì, túi gói thân thiện với môi trường, cả hai cùng mong các cơ quan liên đới có sự hỗ trợ về khoa học công nghệ, đất đai, thuế, tín dụng, xây dựng các tiêu chí đánh giá, chứng nhận các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Có một thực tế đáng lưu tâm là bao bì nilon, túi linon hiện đang được tái chế với tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 10%, còn thì đem chôn lấp hoặc vứt thải ra đường, xuống sông, biển. Trong khi đó nhiều nhà máy sản xuất đồ nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa lại đi nhập khẩu phế liệu nhựa từ nước ngoài về làm nguyên liệu. Khắc phục tình trạng bất hợp lý này, gần đây một số cơ sở sản xuất đồ nhựa, bao bì nhựa đã kết hợp với các cơ sở sản xuất lâu nay dùng bao bì nhựa sau đó thải thành rác, cùng nhau thu gom đồ nhựa, bao bì thải, rồi tái chế thành đồ nhựa, bao bì  mới, như một vòng tuần hoàn với đồ nhựa, bao bì nhựa. Quá trình tuần hoàn đồ nhựa này cũng là một cách giảm thiểu rác thải nhựa, vừa giảm tác hại môi trường, vừa thu về lợi nhuận kinh tế, rất cần sự chỉ đạo của chính quyền các cấp, sự chung tay của các cơ sở sản xuất, bán hàng, người tiêu dùng, dư luận xã hội và các cơ quan truyền thông, cùng nhau tiến hành việc giảm thiểu rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng, khởi đầu từ các cở sở sản xuất hàng hóa, đến các người bán hàng, rồi đến người tiêu dùng.

Ở Hà Nội, chính quyền thành phố cam kết và tiến hành nhiều biện pháp hữu hiệu chống rác thải nhựa, được đông đảo nhân dân hưởng ứng, tham gia, các doanh nghiệp sản xuất đang giảm dần tỷ lệ nguyên liệu nhựa, 100 % rác thải phát sinh từ nhà máy được thu gom phân loại từ nguồn. Hà Nội phấn đấu đến 2025 không sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ninlon khó phân hủy. Đến cuối năm 2020 thì 100% các siêu thị, trung tâm thương mại của Thủ đô sẽ không còn dùng túi nilon khó phân hủy, giảm 50% tỷ lệ sử dụng bao bì nilon khó phân hủy tại các chợ dân sinh. Hà Nội cùng cả nước quyết thực hiện điều mong đợi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, xuống đường đi bộ tại hồ Hoàn Kiếm để cổ vũ phong trào chống rác thải nhựa, có nhiều hành động thiết thực hơn nữa để kiểm soát, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, để người dân Việt Nam hiện tại, các thế hệ tương lai, con cháu được sống trong môi trường trong lành an toàn và bền vững, không còn nguy cơ đe dọa môi trường của rác thải nhựa./.

                                                                                                            Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra