Hàng quê không dễ bán ngoài tỉnh

Thứ sáu, 31/08/2018 15:56
(ThanhtraVietNam) - Hàng hóa do sản xuất nông nghiệp nơi các làng quê làm ra, ngoài một phần bán ở các chợ quê thì từ lâu rồi vẫn chủ yếu là đem ra bán nơi phố sá, hay theo cách nói xưa xưa, đem ra bán ngoài tỉnh. Nông nghiệp càng phát triển theo đà phát triển mạnh mẽ của kinh tế đất nước, hàng hóa nông sản làm ra càng nhiều, càng phải gia tăng sự tìm được nơi tiêu thụ mà phố phường vẫn là thị trường chính do dân số và mức sống thị thành tăng lên.

Trên lý thuyết thì vậy, và cứ ngỡ hàng quê đem ra tỉnh bán sẽ dễ, song thực tế lại không phải như vậy. Thành phố bây giờ không chỉ có các chợ, mà còn có các siêu thị nhỏ to và các trung tâm thương mại, của doanh nghiệp trong nước, của ngày càng nhiều thêm các doanh nghiệp ngoại. Cách thức mua hàng nông sản của các siêu thị, doanh nghiệp nội mỗi năm mỗi thêm kỹ càng chọn lựa để chiều theo tâm lý, yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng thời hiện đại, có mức sống cao hơn xưa rất nhiều, nhất là phải làm sao để siêu thị nội có hàng chất lượng cao mà cạnh tranh được với siêu thị ngoại, hàng nông sản ngoại. Hàng nông sản nội càng khó bán cho các siêu thị nước ngoài vì họ bán nông sản của nước họ là chính, nông sản của ta khó chen vào vì họ đòi hỏi khắt khe nhiều thứ và khấu trừ lớn. Nên có thể nói là hàng nông sản gặp muôn vàn sự khó trong tiêu thụ, muốn tháo gỡ khó khăn, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, chính quyền các tỉnh, thành phố đã và đang tìm mọi biện pháp sát thực và hữu hiệu.

Một số tỉnh và thành phố lớn đã có sự kết nối, hoặc đem trực tiếp nông sản về giới thiệu tại các thành phố, hoặc tổ chức xúc tiến thương mại tại chính các địa phương để thu hút thương gia về đặt hàng. Như  Hòa Bình mang cá Sông Đà và nhiều sản phẩm nông nghiệp về Hà Nội xúc tiến thương mại. Các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên tổ chức các tuần lễ vải thiều, nhãn. Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố phía bắc xây dựng hệ thống cung cấp rau thịt bảo đảm  an toàn thực phẩm tiêu thụ trên địa bàn Thủ đô. Nhiều tỉnh, thành đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, thúc đẩy nông dân và doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất những mặt hàng nông sản mà thị trường đang cần nhiều cả về số lượng lẫn chất lượng. Tuy nhiên việc kết nối tiêu thụ nông sản của một số tỉnh, thành phố còn gặp khó khăn do chưa xây dựng được kế hoạch, chương trình hợp tác hàng năm đối với từng lĩnh vực, chưa có bộ phận chuyên làm công tác xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp để có đầu mối duy trì phối hợp thường xuyên, điều phối kết nối các doanh nghiệp giữa các địa phương.

Nhiều tỉnh, thành phố dồi dào nông sản chất lượng, nhưng người dân chưa chú trọng đến quảng bá sản phảm, xây dựng hình ảnh, thói quen sản xuất thì manh mún nhỏ lẻ nên người dân chưa quan tâm đến các giấy tờ chứng nhận truy xuất nguồn gốc nên khó bán. Chẳng hạn như tỉnh Sơn La có trên 50. 000 ha diện tích đất nông nghiệp với nhiều sản phẩm nối tiếng như chè san tuyết, rau đặc sản, nhãn, xoài ngon, nhưng theo Trung tâm xúc tiến thương mại của Bộ Công Thương, các hoạt động xúc tiến thương mại của Sơn La chưa mạnh, chưa xứng với tiềm lực sản xuất nông nghiệp của tỉnh, nên nông sản vẫn khó bán, giá bán hạ. Muốn vượt lên khỏi thực tế kém vui đó, tỉnh Sơn La cũng như nhiều tỉnh khác cần phải thực hiện tốt hơn việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm, nâng cao trình độ năng lực sản xuất để tăng sức cạnh tranh cho nông sản, đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường trong nước và tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu. Còn theo Sở Công Thương Hà Nội, trong kết nối tiêu thụ nông sản sạch giữa Hà Nội với các tỉnh   xa điều kiện logictics hạn chế khiến vận chuyển hàng nông sản khó khăn, giá thành cao khó bán.

Nông nghiệp nước ta ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, hàng hóa hóa sản phẩm, coi trọng sản phẩm sạch, nhưng nhiều thứ làm ra theo viet GAP, sản phẩm hữu cơ vẫn bí đầu ra, do giá bán cần phải cao hơn nông sản thường để bù đắp đầu vào cao, nhưng người mua khó nhận biết thực chất sản phẩm nên cũng ngại bỏ thêm tiền. Muốn tiêu thụ tốt nông sản hữu cơ, nông sản sạch, theo các chuyên gia kinh tế, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và phân phối bán lẻ. Việt Nam là một trong số 70 quốc gia trên thế giới có mô hình phát triển rau hữu cơ , đến hết năm 2017 cả nước có 76.666 ha canh tác rau hữu cơ. Hầu hết các siêu thị ở các tỉnh, thành phố lớn đều có quầy thực phẩm hữu cơ nhưng mức bán lại chưa được nhiều. Để thuận lợi đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp cần tăng cường khâu chế biến, nhưng những người kinh doanh hàng thực phẩm an toàn lại khó tìm được nguồn hàng  đủ đảm bảo tin cậy là hàng tốt để làm nguyên liệu. Để nông sản sạch và an toàn có thể bán tốt trên thị trường thì khâu lựa chọn nguồn cung ngay từ sản xuất phải được chuyên nghiệp hóa. Cũng cần có các hoạt động xúc tiến thương mại cụ thể và hiệu quả xác định rõ lợi thế của mỗi tỉnh, mỗi vùng để lựa chọn các sản phẩm dễ thâm nhập thị trường, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Khâu giới thiệu sản phẩm, kiểm định và dán nhãn mác nông sản cũng cần phải lựa chọn kỹ lưỡng và có chiến lược bài bản rõ ràng.

Hàng nông sản Việt Nam muốn bán được nhiều tại các thành phố thì phải đủ sức cạnh tranh về chất lượng, ngon khẩu vị, giá thành không cao và phải biết cách đáp ứng hàng hóa theo yêu cầu của các siêu thị, phải cùng các siêu thị nội phối hợp cạnh tranh với các siêu thị ngoại, hàng nông sản ngoại. Còn muốn  vận chuyển hàng tốt, không làm cao thêm nhiều giá thành do chi phí vận chuyển, cần đẩy mạnh hạ tầng logictics, tìm những cách hợp lý hơn trong vận chuyển hàng từ quê ra tỉnh, như các đơn vị phân phối có sự kết nối với nhau để cùng một xe hàng có thể lấy được nhiều nông sản tại một địa phương một lúc, hoặc một sản phẩm có thể  đưa vào nhiều kênh phân phối của một thành phố. Trong đinh hướng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thì có cả việc các doanh nghiệp dẫn dắt nông dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản. Hình thức công tư phối hợp, PPP, kinh doanh tiêu thụ nông sản theo ngành hàng sẽ kết nối các doanh nghiệp đầu tàu với một số địa phương để tạo đột phá đầu tư vào nông nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Việc tiêu thụ nông sản cần kết hợp tốt với việc đẩy mạnh thương mại nội địa, nghiên cứu cơ cấu lại kinh tế vùng và liên vùng để xây dựng và  triển khai  chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa nông sản, phải xây dựng bền vững mối quan hệ liên kết giữa các bên: nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển và người tiêu dùng. Có cơ chế, chính sách tiên tiến về đầu tư cho nông nghiệp sẽ khơi thông nguồn lực sản xuất cho khu vực nông thôn, giúp ứng dụng công nghệ cao để làm ra nông sản  chất lượng cũng cao theo, đáp ứng được yêu cầu ngày cang cao của thị trường. Cũng cần phòng tránh tiêu cực, mặt trái thị trường, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất nông nghiệp, chế biến nông sản trong việc tạo nguồn hàng đủ tiêu chuẩn chất lượng để đủ cung ứng cho các cơ sở bán lẻ, giảm sự phụ thuộc vào hàng cùng loại nhập khẩu.

                                                                                                        Trung Vũ 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra