Hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước?

Thứ hai, 01/10/2018 14:31
(ThanhtraVietNam) - Đây là một câu hỏi khó tìm lời giải từ nhiều năm nay đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) khi mà thực tế là số kinh doanh hiệu quả thì ít, số thua lỗ lại nhiều, thậm chí có một số doanh nghiệp, dự án xây dựng nhà máy đầu tư lớn vốn nhà nước, thua đậm, mất lớn, khiến các bộ ngành quản lý, chuyên gia kinh tế và dư luận xã hội bức xúc đòi phải dẹp đi, hay bán với bất cứ giá nào, để khỏi làm tổn hại tiếp tục tiền nhà nước.

Cụ thể, có 12 dự án thuộc quản lý của Bộ Công thương thua lỗ quá nặng, tổn hại quá lớn, nếu không vực dậy được thì phải chuyển nhanh các nhà máy, dự án này sang hình thức khác. Các bộ ngành quản lý và Chính phủ cũng chủ trương kiên quyết chọn giải pháp này. Việc xử lý 12 dự án thua lỗ của Bộ Công thương rất khó khăn, gần như là bất khả thi vì chúng ta đang làm kinh tế theo thị trường, nên phải cân nhắc sự thua lỗ, hàng làm ra phải bán được, nếu dự án cùng bất đắc dĩ phải bán đi, thì liệu có bán được hay không? Nếu không bán được phải cho phá sản.

Tuy nhiên, có một thực tế đáng để suy nghĩ, đó là nếu như ban đầu sự đánh giá và việc tìm biện pháp xử lý lúc hết sức bi quan, thì gần đây lại le lói hy vọng còn nước còn tát, có thể vực dậy nhờ biện pháp của các cơ quan nhà nước và sự cố gắng nỗ lực tự thân của bản thân ban quản lý dự án. Trong 12 dự án tưởng như vô phương cứu chữa thì đã có dự án bắt đầu hoạt động trở lại với tín hiệu có thể khôi phục, 02 dự án hóa chất đã có lãi, 04 dự án đã bắt đầu giảm lỗ là Phân đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP 2 của Lào Cai, Công ty đóng tàu Dung Quất; 03 dự án đang xây dựng dở dang, trong đó có Nhà máy giấy Phương Nam sẽ phải bán đi để thu hồi vốn mà không được nhận sự hỗ trợ của nhà nước. Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ cũng tiến hành rà soát lại, tìm nhà đầu tư để bán. Dự án Nhà máy thép Thái Nguyên cũng đang cơ cấu lại để tìm nhà đầu tư. Như vậy cả 12 dự án thua lỗ đều được triển khai việc xem xét, xử lý, cơ cấu lại đúng kế hoạch.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Việc cho phá sản hay giải thể một DNNN yếu kém được xem là giải pháp tích cực nếu việc tiếp tục duy trì hoặc bỏ vốn thêm sẽ không hiệu quả. Tuy nhiên, việc tìm nhà đầu tư để bán các dự án thua lỗ không dễ, cần phải kiếm sao cho được những nhà đầu tư thực sự muốn vực dậy kinh doanh, bởi cũng có không ít nhà đầu tư quan tâm việc mua dự án thua lỗ, chủ yếu là thấy dự án có nhiều đất, giá đất lại đang mỗi năm mỗi lên, nhất là các khu đất có vị trí vàng. Trị giá dự dự án để bán cũng phải tính đúng tính đủ các chi phí bỏ ra, bán công khai minh bạch để tìm nhà đầu tư tương xứng, chứ không chỉ định bán vì các lợi ích khác, hay lợi ích nhóm. Theo các chuyên gia kinh tế, nếu nhà nước định tiếp tục bỏ vốn vào vực dậy một dự án yếu kém thì cũng phải cân nhắc kỹ xem liệu có quản lý được rủi ro đồng vốn, đánh giá chắc chắn được hiệu quả kinh doanh của dự án, nhà máy này sau khi bỏ thêm vốn vào hay không? Nhất là sản phẩm của nhà máy có đầu ra không? Cả 12 dự án kể trên đều thuộc những lĩnh vực nhà nước không cần thiết nắm giữ, vì thế chủ trương chung và sáng suốt là cổ phần hóa hoặc thoái vốn càng sớm càng tốt, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong thu hồi vốn về cho nhà nước.

Bên cạnh đó, những vướng mắc về pháp lý như xác định giá của doanh nghiệp, quyền sử dụng đất và giá đất cần được tháo gỡ trước khi tiến hành bỏ vốn tiếp hay bán đứt bán đoạn. Với những dự án thấy có thể giúp hồi sinh thì sẽ có các biện pháp giảm khó, hỗ trợ phát triển, như xử lý giãn mức trích khấu hao từ năm 2017-2019 đối với bốn dự  án của Tập đoàn hóa chất Việt Nam, đã  góp phần giảm áp lực tài chính từ 180-310 tỷ đồng/năm. Ngân hàng nhà nước đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, điều chỉnh lãi suất vay theo hướng giảm biên độ lãi suất để giảm bớt chi phí tài chính cho các dự án đang khó khăn, tiếp tục duy trì hạn mức vốn lưu động để đảm bảo đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số các ngân hàng đã đã đồng ý giảm lãi suất từ 6% xuống 4,5%/năm trong quý I năm 2018 và tiếp tục xem xét cơ cấu lại các khoản nợ cho dự án mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc. Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn hai nhà máy gang thép Thái Nguyên đã được Vietinbank thực hiện cơ cấu lãi một lần, gia hạn nợ một lần và điều chỉnh thời gian trả nợ thêm 1,5 năm, điều chỉnh thời gian ân hạn 3 lần, được ngân hàng Phát triển Việt Nam gia hạn thời gian vay vốn của dự án lên 15 năm. Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi  Đình Vũ đã được ngân hàng BIDV và 7 ngân hàng đồng tài trợ gia hạn thời gian trả nợ từ 210 tháng lên 234 tháng. Bộ Tư pháp đã thực hiện hỗ trợ pháp lý đối với dự án cải tạo mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc và dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy gang thép Thái Nguyên. Bộ Xây Dựng, Bộ Khoa học - Công nghệ đã phối hợp triển khai xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến sử dụng thạch cao để tạo điều kiện cho việc xử lý chất thải làm vật liệu xây dựng tại các nhà máy sản xuất phân bón.

Chính nhờ những sự hỗ trợ trên và nỗ lực của các bộ, các tập đoàn kinh tế đã tạo ra khả năng có thể hồi sinh một số DNNN thua lỗ, dần chuyển thành kinh doanh có lãi, tìm ra lối thoát cho mỗi dự án. Tuy nhiên, với 12 dự án yếu kém lớn của Bộ Công thương, cũng như với các DNNN nói chung, muốn khỏi thua lỗ, tiến tới phát triển bền vững, kinh doanh hiệu quả thì cổ phần hóa, thoái vốn là giải pháp quan trọng nhất, nên xem đây là lời giải cho đổi mới hoạt động DNNN.

Hiện nay, việc thực hiện này còn chậm, nên cần quyết tâm cao không chỉ của các cơ quan nhà nước liên đới trách nhiệm, mà còn của chính các bộ máy quản lý, lãnh đạo các dự án, DNNN. Cần từ bỏ tâm lý luyến tiếc quyền lực, lợi lộc đi theo việc làm chủ quản DNNN. Cần làm sao cho Ủy ban quản lý vốn nhà nước mới được thành lập đi vào hoạt động một cách hiệu quả. Có một thực tế đáng phải suy nghĩ là nhiều DNNN nếu bỏ hết đất đai thì hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ thua lỗ nặng, vì nguồn lợi lâu nay là cho thuê đất, nên việc cổ phần hóa gặp khó trong giải quyết đất, lãnh đạo doanh nghiệp chần chừ, bộ ngành thấy phức tạp pháp lý về thủ tục quản lý, định giá đất đai. Do đó, rất cần xác định, rà soát đất đai của DNNN trước cổ phần hóa để xác định rõ đất đai ấy sẽ tham gia thế nào, định giá cho đúng trong quá trình cổ phần hóa. Quốc hội cũng cần xem xét kỹ càng, linh hoạt vấn đề chuyển quyền sở hữu đất, quy hoạch đất đai trong cổ phần hóa các DNNN.

Chính phủ hiện nay đang đốc thúc việc sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn cơ cấu lại DNNN trong những tháng còn lại của năm 2018 và đầu năm sau. Nhiều giải pháp đã được đề xuất, vấn đề hiện tại là tổ chức thực hiện với tinh thần quyết tâm cao, ý thức quyết liệt, nhất là với những tổ chức, cá nhân được giao trọng trách, kể cả những người đang đứng đầu các DNNN.

                                                                                                                     Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra