Hỗ trợ tín dụng cho tăng trưởng xanh

Thứ năm, 11/04/2019 14:21
(ThanhtraVietNam) - Hiện nay, Chính phủ đang rất quan tâm đến tăng trưởng xanh, ủng hộ các doanh nghiệp kinh doanh đi cùng với bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đi tìm tín dụng cho tăng trưởng xanh là điều mà nhiều năm nay các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phải loay hoay và gặp nhiều khó khăn, phần lớn trông vào các tổ chức tín dụng.

Nói đến sản xuất, kinh doanh, không thể không nói tới yêu cầu tất yếu và chính đáng là phải có thu nhập, có lãi, nhà nhà góp vào làm thành sự gia tăng sản phẩm, tăng trưởng cho đất nước. Nhưng để có tăng trưởng thì các doanh nghiệp phải hoạt động theo muôn vàn cách thức khác nhau, không hề dễ dàng, càng khó hơn khi chủ trương của Đảng và Nhà nước ta là phát triển kinh tế phải đi liền với bảo vệ môi trường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Các doanh nghiệp đều muốn tuân thủ sự bảo vệ môi trường trong khi hoạt động kinh doanh, song, để làm được việc này lại cần phải có vốn đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ, mua máy móc hiện đại để làm ra các sản phẩm sạch, lắp đặt hệ thống xử lý khí thải, nước thải, rác thải cho sạch sẽ, an toàn trước khi xả thải. Hơn nữa, sản phẩm làm ra phải có mẫu mã đẹp, sức hấp dẫn cao, thu hút được người mua. Tóm lại, muốn kinh doanh đi liền với bảo vệ môi trường, đang được gọi là làm kinh tế xanh, nhằm tới tăng trưởng xanh, chứ không phải tăng trưởng bằng mọi cách, bất chấp sự xanh, sạch, thì ngay từ ban đầu cũng như trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh đều cần có vốn đầu tư, chi phí cho việc đó. Nguồn vốn ấy được gọi vốn xanh, đầu tư cho tăng trưởng xanh, các doanh nghiệp ngoài phần tự có, thì phần lớn trông vào các tổ chức tín dụng.

Đi tìm tín dụng cho tăng trưởng xanh là điều mà nhiều năm nay các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã rất loay hoay, gặp khó vì nhiều ngân hàng thương mại không mấy mặn mà, họ đòi hỏi sự thế chấp lớn, họ rất sợ các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, nên cho dù có vì tăng trưởng xanh cũng chẳng dễ vay tiền. Một khảo sát gần đây của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam cho thấy có đến 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Thành ra việc giải quyết bài toán vốn để đầu tư, chi phí cho kinh doanh xanh, tăng trưởng xanh, với nhiều doanh nghiệp là không dễ. Cho dù mục tiêu tăng trưởng xanh đã được Chính phủ, các cơ quan nhà nước quản lý kinh tế đặc biệt quan tâm. Bởi chưa thiết lập được một mối quan hệ đủ độ tin cậy lẫn nhau giữa các ngân hàng thương mại với các doanh nghiệp. Do vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế và phần lớn chủ doanh nghiệp, rất cần giới ngân hàng chủ động, mạnh dạn hơn trong mối quan hệ đó.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Năm 2019, các doanh nghiệp như đã tìm được sự rộng mở khai thác nguồn vốn tín dụng xanh từ phía ngân hàng. Ngân hàng nhà nước mới đây, qua các văn bản, qua trả lời phỏng vấn báo chí của các Phó Thống đốc, đã cho biết: Để thực hiện thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững, cần huy động nguồn lực của toàn xã hội, trong đó ngành ngân hàng sẽ tiếp tục và đẩy mạnh hơn việc thực thi các chính sách tín dụng nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, bền vững, phát triển kinh tế xanh. Ngân hàng nhà nước đã điểm lại những văn bản, chính sách chủ yếu của Chính phủ về tăng trưởng xanh gắn liền với trách nhiệm mà ngành ngân hàng được giao: Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, thì Ngân hàng nhà nước đã được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hành động thực hiện chiến lược trong ngành mình. Năm 2014, Quyết định số 403/QĐ-TTg được Thủ tướng ban hành phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, Ngân hàng nhà nước được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện thể chế và tăng cường năng lực hoạt động tài chính tín dụng của các ngân hàng thương mại phục vụ tăng trưởng xanh. Thực hiện chủ trương đó của Chính phủ với nhiệm vụ cụ thể của mình, năm 2015 Ngân hàng nhà nước đã ban hành Chỉ thị về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, ban hành Quyết định kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020.

Mới đây, Ngân hàng nhà nước đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-NHNN về việc phê duyệt đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng đối với việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, từng bước xanh hóa hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ dự án thân thiện với môi trường.

Thực thi các Chỉ thị, Quyết định trên của Ngân hàng nhà nước, các ngân hàng cơ sở, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng đã mở rộng cửa và tích cực cho vay đối với các dự án xanh, các hoạt động kinh doanh nhằm mục đích tăng trưởng xanh. Đến hết tháng 09 năm 2018 dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh là 235.717 tỷ đồng, tăng 30,8% so với năm 2017. Tuy nhiên, qua sự tự nhìn nhận của Ngân hàng nhà nước, cũng như của nhiều chuyên gia kinh tế, việc phát triển các ngành kinh tế xanh đỏi hỏi đồng bộ các giải pháp cơ chế chính sách và cũng dễ gặp nhiều rủi ro từ phía vay vốn, nên các ngân hàng thương mại vẫn còn nhiều rụt rè chưa mạnh dạn.

Do thế, muốn đẩy mạnh tín dụng xanh, đòi hỏi hành lang pháp lý hoàn thiện hơn, có tiêu chí rõ ràng và chi tiết về tín dụng xanh. Để thúc đẩy tăng trưởng xanh, bên cạnh nguồn vốn từ ngân hàng, cần có thêm các giải pháp khác như phát hành trái phiếu xanh nhất là với Ngân hàng chính sách xã hội, hay Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, việc phát hành trái phiếu xanh sẽ là phương án khả thi để huy động vốn, sau đó cho các doanh nghệp vay lại để đầu tư cho tăng trưởng xanh. Cần phải có định hướng về lộ trình áp dụng, hướng dẫn cụ thể cách thức triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù mà các ngân hàng thương mại tham gia vào việc cung cấp tín dụng xanh cho các doanh nghiệp kinh doanh xanh, tăng trưởng xanh. Ngân hàng nhà nước nên làm cầu nối tốt hơn nữa giữa các tổ chức, cá nhân, giữa bên thừa vốn và thiếu vốn, tham gia nhiều hơn vào quá trình đánh giá và quản lý rủi ro các dự án đầu tư xanh, gồm cả những rủ ro môi trường.

Được biết, Ngân hàng sẽ đưa ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục các ngành, lĩnh vực xanh để áp dụng chung, thống nhất, làm cơ sở để các tổ chức tín dụng lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh. Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường xã hội cho một số ngành kinh tế chưa có hướng dẫn trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng. Xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất kinh doanh sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường./.

                                                                                                            Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra