Học kinh doanh và lao động từ FDI

Thứ tư, 11/07/2018 16:05
(ThanhtraVietNam.vn) - Sau hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ, xét trên phương diện nguồn lực và đóng góp tài chính, thì cùng với doanh nghiệp Việt Nam kể cả quốc doanh lẫn tư doanh, phải kể đến sự đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp với 100% vốn, quen gọi tắt là FDI.

Thành quả thu hút FDI đã giúp Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới và là nguồn bổ sung quan trọng vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nước ta. FDI cũng đã góp phần cải thiện đáng kể nguồn lao động có chất lượng cho Việt Nam. Tuy nhiên, đến lúc này ta đang đứng trước một thực tế là không thể chỉ hưởng lợi mọi mặt theo kiểu cũ từ các doanh nghiệp FDI, mà phải đáp ứng nhiều vấn đề mới nảy sinh. Cũng như không thể bỏ quên, xem nhẹ việc chúng ta phải khai thác kinh nghiệm, học hỏi kinh doanh từ các doanh nghiệp FDI, phải thay đổi cách thức cung cấp nguồn lực lao động cho các doanh nghiệp này. Bởi từ chỗ họ đầu tư vào Việt Nam ban đầu là để tận dụng số lao động đông đảo, giá trả công thấp, nhưng bây giờ đã đến lúc họ cần một lực lượng lao động có tay nghề cao, đáp ứng những yêu cầu công nghệ tiên tiến, khoa học hiện đại nhất là trước cuộc cách mạng  công nghiệp 4.0. Việt Nam cần đáp ứng yêu cầu này của họ nếu muốn kêu gọi được  thêm các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam và giữ chân họ ở lại lâu hơn. Mặt khác, cũng chính vì việc cung cấp lao động kỹ thuật cho các doanh nghiệp FDI mà các doanh nghiệp Việt Nam học được nhiều kinh nghiệm từ họ việc đào tạo, sử dụng nguồn lao động cho phù hợp với những đòi hỏi cao về lao động của sự phát triển kinh tế toàn cầu đang vùn vụt tiến lên.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

323 tỷ USD là tổng vốn FDI rót vào Việt Nam kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành tháng 12 năm 1987, cho tới tháng 05 năm 2018. Đóng góp lớn nhất của FDI là làm ra hàng xuất khẩu, năm 2017 chiếm đến 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp gần 8 tỷ USD vào tổng thu ngân sách, chiếm 14,4% và tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và khoảng 5 -6 triệu lao động gián tiếp.Theo ý kiến nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý kinh tế tại các cuộc họp bàn, hội thảo gần đây, bên cạnh đóng góp cụ thể, hữu hình, khu vục FDI còn có những đóng góp vô hình khi tạo ra sức ép trong cạnh tranh, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao trình độ công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nếu ý thức đầy đủ được lợi ích qua việc học hỏi thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có điều kiện để biết thêm rất nhiều về kiến thức kinh doanh và lý do vì sao phần lớn các doanh nghiệp FDI lại thành công nhanh, mạnh, kinh doanh giỏi đến như vậy. Cũng qua FDI mà chúng ta hình thành được những ngành nghề mà doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia bằng cách cũng tổ chức kinh doanh sản xuất giống như thế, hoặc làm vệ tinh trong vai trò công nghiệp hỗ trợ cho các nhà máy công ty lớn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Khi mà 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt như dầu khí, điện tử, viễn thông. Một điều mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải suy nghĩ là mối liên kết giữa FDI với các doanh nghiệp Việt Nam là vô cùng cần thiết, đem lại nhiều lợi ích, song đáng tiếc lại chưa chặt chẽ để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển. Trước thực tế ngày càng nhiều các công ty đa quốc gia đầu tư triển khai các dự án lớn tại Việt Nam, mang lại cơ hội mở rộng ngồn cung ứng cho các doanh nghiệp trong nước, thì buồn thay chúng ta lại thiếu những nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được các chuẩn mực toàn cầu. Khảo sát mới đây của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy chỉ có khoảng 14% số doanh nghiệp tư nhân trong nước đang có khách hàng là doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam, khoảng 27% nguyên liệu, hàng hóa đầu vào của khối FDI được mua tại Việt Nam, trong khi một tỷ lệ đáng kể lại là mua từ chính các doanh nghiệp FDI khác.

Đại diện Ngân hàng thế giới (WB) cảnh báo: Việt Nam đang đối mặt với một thách thức lớn là hai nền kinh tế trong một quốc gia, nghĩa là các doanh nghiệp trong nước và các công ty đa quốc gia chưa có sự hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ, mà đang  như đi trên hai đường thẳng song song. Sự bắt tay hời hợt, đi liền với nền cung ứng chưa nhiều sản phẩm hỗ trợ, ví như với ngành ô tô Việt Nam đến nay có hơn 20 doanh nghiệp lắp ráp, nhưng chỉ có 84 doanh nghiệp cung ứng cấp 1 và 145 doanh nghiệp cung ứng cấp 2 cấp 3. Trong khi Thái Lan chỉ có 16 doanh nghiệp lắp ráp, nhưng có đến 690 doanh nghiệp cung ứng cấp 1 và 1700 doanh nghiệp cung ứn cấp 2. Để khắc phục những điểm yếu kém trên, Việt Nam đang khởi động chương trình phát triển nhà cung cấp, dự kiến trong giai đoạn 2 năm, sẽ giúp nhà sản xuất cung cấp trong nước đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia tăng cả về số lượng lẫn chất lượng, giá thành, sau đó các doanh nghiệp này được kết nối với các tập đoàn để tìm kiếm cơ hội cung ứng trong tương lai. Yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài là Việt Nam cần phải vượt lên khỏi thực tế công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, khiến việc nhập khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp hỗ trợ tăng cao, như nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện năm 2017 đã nhập tới gần 38 tỷ USD, tăng 35,2% so với năm 2016, nhóm hàng máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt hơn 33 tỷ USD, tăng 18%, nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện tăng tới 55%, vải các loại tăng 84%. Nguyên do là chúng ta chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên liệu, vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. Để khắc phục tình trạng này, ngoài các biện pháp cụ thể, cũng cần tiến hành rà soát, đánh giá hiệu quả các chính sách về phát triển công nghệ hỗ trợ để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, có những chính sách ưu đãi trực tiếp cho hoạt động này. Tìm kiếm các nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác để hình thành nên gói tín dụng riêng với lãi suất ưu đãi dành cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Trước thực tế nếu không có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao, Việt Nam có thể đánh mất cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào những lĩnh vực công nghệ cao, cần rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng  lao động ở khu vực doanh nghiệp FDI, từ đó đề ra những giải pháp phù hợp, có tính đột phá, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của lao động trong khu vực này. Cần đẩy mạnh và hiện đại hóa việc giáo dục nghề nghiệp, hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp đào tạo nghề cũng như tuyển dụng lao động chất lượng cao, chuyển việc cung cấp lao động cho các doanh nghiệp FDI từ số lượng sang chất lượng. Coi trọng việc thanh tra, kiểm tra, bảo đảm việc chấp hành nghiêm chỉnh về pháp luật lao động, chú ý đến lao động công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Số lượng lao động trong các doanh nghiệp FDI có thể sẽ cao hơn rất nhiều nều chất lượng lao động trong nước đáp ứng được những yêu cầu cao hơn, mới hơn so với cách thức, tiêu chuẩn tuyển dụng trước đây của họ, mà nay họ thấy là không còn phù hợp, không đáp ứng được các đòi hỏi mới của kinh doanh sản xuất theo hướng hiện đại, thực hiện cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển bền vững chứ không ăn sổi ở thì, luôn thân thiện với môi trường.

                                                                                                                   Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra