Khách hàng có còn được coi là thượng đế?

Thứ năm, 12/09/2019 15:44
(ThanhtraVietNam) - Thuận mua, vừa bán vốn là quan hệ truyền thống nhiều đời giữa người bán hàng và người mua hàng. Trước đây khách hàng luôn được coi là “thượng đế”, nhưng liệu nay còn được như thế không?

Thời bao cấp hàng làm ra ít, nhiều thứ chỉ bán phân phối theo các tiêu chuẩn hạn hẹp, cung ít hơn cầu. Tuy nhiên, sang thời kỳ đổi mới, nông nghiệp, công nghiệp đều sản xuất nhiều hàng hóa, lại thêm rất nhiều hàng hóa ngoại nhập, người kinh doanh thương mại chỉ những mong bán được nhiều hàng, nên ra sức mời chào, chiều khách, bởi thế, trên thị trường đã xuất hiện câu nói cửa miệng: Khách hàng là thượng đế.

Một số năm đầu nền kinh tế nước ta thực hiện cơ chế kinh tế thị trường thì câu nói cửa miệng trên của người kinh doanh hàng hóa có vẻ cũng đúng. Tuy nhiên, gần đây, thị trường thương mại có sự ứng dụng khoa học công nghệ mới, đặc biệt là thương mại điện tử, quảng cáo khiến không ít người mua hàng mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng xấu, không giống như quảng cáo. Thực tế này làm cho người mua hàng phải đặt câu hỏi: Liệu khách mua hàng có còn được người bán hàng coi là thượng đế nữa hay không?

Hiện nay, tuy các ngành chức năng cũng đã có các hoạt động quản lý, phát hiện và xử lý các trường hợp kinh doanh gian dối, hoặc mập mờ không rõ nguồn gốc của hàng cũng như giá trị thật của hàng, song tình trạng lừa bịp, trục lợi bất chính qua bán hàng không giảm, mà lại có xu hướng gia tăng. Riêng với thương mại điện tử, Cục thương mại điện tử và kinh tế số của Bộ Công Thương cũng đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm, tổng mức xử phạt vi phạm hành chính trong thương mại điện tử. Cụ thể, năm 2015 là 3,5 tỷ đồng, năm 2016 là 4,5 tỷ đồng, năm 2017 gần 6 tỷ đồng và năm 2018 là 7 tỷ đồng. Tính đến hết 2018 quá trình rà soát trên các sàn giao dịch thương mại điện tử đã buộc 35.943 sản phẩm vi phạm phải gỡ bỏ và hơn 3.100 tài khoản trên các sàn đó đã bị khóa.

Mặc dù đã được xử lý, nhưng một số người bán hàng trên các sàn thương mại điện tử vẫn tìm mọi cách lách qua các bộ lọc kỹ thuật để bán hàng giả, hàng nhái. Nhiều trường hợp lại mua tên miền và đặt máy chủ ở nước ngoài trả tiền thông qua thẻ tín dụng mà không thông qua công ty bán tên miền, cung cấp dịch vụ máy chủ ở Việt Nam để che giấu thông tin, không có địa chỉ điện thoại hay bất kỳ thông tin liên lạc gì. Bên cạnh đó, còn có một số trường hợp thông tin đăng bán sản phẩm trên mạng là hình ảnh và thông tin thật nhưng hàng bán lại là giả. Phần lớn các giao dịch hàng hóa trên thương mại điện tử đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể khiến công tác quản lý thị trường trên thương mại điện tử càng khó khăn.

leftcenterrightdel
 Việc bán hàng trên các website đang ngày càng phát triển (Ảnh: Internet)

Tình trạng trên đã khiến cho quan hệ giữa người bán à người mua ngày càng xấu đi, người mua mất, hoặc giảm độ tin cậy đối với người bán, phản ánh một thực tế đáng buồn là một số chủ doanh nghiệp không tuân thủ đạo đức kinh doanh. Để bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử, theo ý kiến của nhiều chuyên gia pháp luật và kinh tế, các lực lượng chức năng cần thường xuyên rà soát các website,  gỡ bỏ các sản phẩm vi phạm pháp luật. Các chủ doanh nghiệp muốn kinh doanh bền vững lâu dài, phải thực sự tôn trọng khách hàng, tuân thủ pháp luật, dứt khoát không gian dối trong kinh doanh, không làm mất tín nhiệm với khách hàng cũng như không làm hại doanh nghiệp khác, mượn, giả các nhãn mác uy tín để bán hàng kém của mình. Giữa thời buổi sản xuất phát triển, hàng hóa nhiều, cần tiêu thụ nhiều, hội nhập kinh tế mở rộng, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến việt Nam lập cơ sở sản xuất hàng hóa hay đưa hàng vào Việt Nam bán, nếu như các doanh nghiệp Việt Nam không giữ được đạo đức kinh doanh, mà cứ lừa dối khách hàng, sẽ bị khách hàng phát hiện, tẩy chay, nhà kinh doanh nước ngoài thắng thế. Bởi năng lực cạnh tranh không chỉ bằng nguồn vốn, chiến lược kinh doanh, công nghệ năng suất, mà còn phải là chất lượng hàng hóa, mẫu mã sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, uy tín thương hiệu.

Các tổ chức xã hội, các hiệp hội kinh doanh, cơ quan thông tấn báo chí cần có các hình thức tuyên truyền, giáo dục nâng cao đạo đức kinh doanh, biểu dương cơ sở tốt, vạch trần, lên án nơi vi phạm. Lâu nay trong các hội thảo, trên báo, đài nhiều chủ doanh nghiệp có nói đến văn hóa doanh nghiệp, nhiều hình thức biểu hiện văn hóa kinh doanh được đưa ra, nhưng quan trọng nhất vẫn là đạo đức kinh doanh trong ý tưởng cũng như trong thực hành. Có như thế mới đạt đến giá trị của văn hóa đó là chân, thiện, mỹ. Nhiều chuyên gia nhận định đạo đức kinh doanh là nền tảng, tài sản quý giá của doanh nghiệp, là sự thể hiện, phát triển nhân cách trong kinh doanh và là điều kiện kiên quyết để kinh doanh phát đạt bền vững. Muốn giữ quan hệ tốt giữa người bán hàng và người mua hàng thì bản thân doanh nhân, doanh nghiệp phải có điểm mấu chốt của đạo đức kinh doanh, ấy là trung thực không gian dối.

Về trách nhiệm quản lý kinh tế, cũng theo nhiều chuyên gia, nhà nước cần có biện pháp chế tài mạnh hơn nữa. Đáp ứng yêu cầu này, Bộ Công Thương đã, một mặt đề nghị các đơn vị cần nghiêm túc thực hiện, phối hợp triển khai hiệu quả công tác chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường cũng như trên thương mại điện tử, thường xuyên nhắc  nhở các doanh nghiệp về sự kinh doanh trung thực, không gian dối, nâng cao ý thức  bảo vệ người tiêu dùng trong toàn xã hội. Cục thương mại điện tử và kinh tế số sẽ phối hợp với vụ Pháp chế rà soát lại hoạt động thương mại điện tử theo các luật có liên quan, các nội dung và quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Đánh giá lại những khung khổ quy định của pháp luật, có sự điều chỉnh cho phù hợp gắn với các hoạt động vi phạm về sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng lậu. Tổng cục quản lý thị trường cần đánh giá từ thực tế tình trạng gian lận thương mại nhất là trên thương mại điện tử, đề xuất kế hoạch chống gian lận, làm, bán hàng giả. Phối hợp các lực lượng quản lý thị trường, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả, gọi tắt là 389, Cục thương mại điện tử và kinh tế số để tiến hành công việc chống gian lận, gian manh, lừa dối khách hàng trong kinh doanh tại các địa bàn trọng điểm.

Trước tình hình thương mại điện tử luôn có sự thay đổi, xuất hiện nhiều mô hình mới, các giao dịch, dịch vụ cũng không còn ở phạm vi một quốc gia mà còn xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động, khó kiểm soát, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Tổng cục quản lý thị trường, Vụ pháp chế chủ động phối hợp rà soát Nghị định 52/2013/NĐ-CP và báo cáo Chính phủ sớm đưa vào hoàn thiện trong năm 2020 để bổ sung và điều chỉnh các nội dung không còn phù hợp./.

                                                                                                             Trung Vũ

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra