Lâu nay, mới chỉ thấy nông nghiệp làm ra lương thực, thực phẩm, nhưng bây giờ qua khảo sát, nghiên cứu, mới thấy nhiều sản phẩm, kể cả sản phẩm phụ, còn có thể làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sinh học, điện sinh khối. Biết thêm nhiều lợi ích từ nông nghiệp và nảy sinh ý đồ khai thác còn do ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khiến nông nghiệp có thể ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, thông minh, công nghệ số để tự động hóa mọi khâu tối ưu nhất mà tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối điều khiển từ xa và liên kết liên hoàn theo chuỗi sản phẩm. Nông nghiệp cũng có điều kiện, khả năng phát triển mạnh mẽ việc chế biến các phụ phẩm nông nghiệp thành những sản phẩm mới có giá trị cao, phục vụ nhu cầu đa dạng của con người. Nông nghiệp hiện đại, do vậy có thể tham gia vào ngành năng lượng tái tạo, mang tên năng nượng sinh khối.
Chăn nuôi và trồng trọt nước ta mỗi năm sản ra lượng phụ phẩm rất lớn: gần 9 triệu tấn trấu, 80 triệu tấn rơm rạ, 90 triệu tấn phân gia súc gia cầm, đó là chưa kể mùn cưa, vỏ bào, thân cây ngô, thân cây chuối, cây đậu và nhiều loại thân cây trồng khác. Trước đây, các loại phụ phẩm này chưa được sử dụng, mà chỉ đốt hoặc xả thải ra môi trường, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm, tăng nguy cơ phát thải khí nhà kính. Nhưng từ mươi năm trở lại đây, Việt Nam đã tiến hành thực hiện chương trình sản xuất xăng sinh học (Ethanol) với nguyên liệu từ sắn. Về tiềm năng thì nguyên liệu sản xuất xăng sinh học không chỉ có sắn, viện Dầu khí Việt Nam đã từng công bố công trình nghiên cứu biến rơm rạ và các phụ phẩm như trấu, bã mía thành nhiên liệu lỏng, dầu sinh học (bio – oil). Một số doanh nghiệp tư nhân ở đồng bằng sông Cửu Long xay xát lúa gạo, trước đây xả trấu ra kênh rạch, nhưng gần đây đã đầu tư máy ép gỗ củi từ trấu, tăng thu nhập mà không ảnh hưởng đến môi trường. Tiềm năng ứng dụng lớn nhất của trấu chính là để sản xuất điện. Riêng đồng bằng sông Cửu Long trung bình mỗi năm có thể cung cấp 6,5 triệu tấn trấu và 21,5 triệu tấn rơm rạ, đây là tiềm năng rất lớn để xây dựng các nhà máy điện sinh khối. Rõ ràng, trồng lúa không còn chỉ để lấy lúa gạo, mà còn có thể khai thác được nhiều lợi ích từ các phụ phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Theo các chuyên gia kinh tế, tiềm năng ứng dụng lớn nhất của năng lượng sinh khối nông nghiệp từ phụ phẩm trồng trọt chăn nuôi chính là để sản xuất điện.
Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đề ra mục tiêu ưu tiên sử dụng năng lượng sinh khối cho sản xuất điện, khí sinh học, nhiên liệu sinh học lỏng, đưa tổng năng lượng sinh khối tăng 14,5 triệu tấn dầu quy đổi giai đoạn 2010 – 2015 lên 16,2 triệu tấn vào năm 2020. Chính phủ Hà Lan đã hỗ trợ nước ta thiết lập chương trình khí sinh học ngành chăn nuôi Việt Nam, từ 2003 đến hết năm 2017 đã xây dựng và lắp đặt trên 170.000 công trình khí sinh học ở 55 tỉnh thành phố. Chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại quy mô công nghiệp sẽ nâng cao hiệu quả chăn nuôi, song cần phát triển hầm khi sinh học để giải quyết phế thải, giảm ô nhiễm môi trường, tăng điện khí sinh học. Điều cần quan tâm là số các dự án năng lượng tái tạo từ sản phẩm nông nghiệp còn quá ít, chưa tương xứng với tiềm năng, mới chỉ đếm trên đầu ngón tay nhà máy sản xuất ethanol, lấy sắn làm nguyên liệu chính, nhưng lại có mấy nhà máy thua lỗ và dừng hoạt động, còn lại thì thiết bị lạc hậu công nghệ cũ kỹ nên không đáp ứng được chất lượng sản phẩm. Điện sinh khối ở Việt Nam được đánh giá có tiềm năng lớn, nhưng các doanh nghiệp mới chỉ quan tâm đầu tư vào điện gió, điện mặt trời, mà chưa mạnh dạn đầu tư vào điện sinh khối từ nông nghiệp. Phần vì chưa thấy lợi nhuận, phần vì giá thành sản xuất điện sinh khối quá cao so với các cách thức khác, mà giá mua điện sinh khối Bộ Công Thương đưa ra lại quá thấp. Nếu giá mua điện sinh khối tương đương với giá mua điện mặt trời, điện gió thì sẽ có thêm các doanh nghiệp đầu tư vào điện sinh khối từ nông nghiệp. Vấn đề cấp bách để phát triển năng lượng sinh khối là cần những chính sách, thể chế quy hoạch cụ thể, khuyến khích của nhà nước.
Có thế thấy, điện sinh khối là một ví dụ tiêu biểu cho những tiềm năng từ nông nghiệp mà lâu nay ta chưa biết để khai thác, nay cần tìm biết và khai thác mạnh mẽ. Việc khai thác tiềm năng, lợi thế nông nghiệp đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt chú ý, ông đã nhiều lần chủ trì các hội nghị về thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn, như:Hội nghị xây dựng nền công nghiệp nông nghiệp Việt Nam (2016), Hội nhị bàn giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long (2017), Hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam (2017), Diễn đàn phát triển thị trường cho ngành rau, củ, quả, hệ thống phát triển locgics phục vụ nông nghiệp nông thôn (2017), Đối thoại với nông dân Việt Nam về các vấn đề nông ngiệp, nông thôn (2018), mới nhất là Hội nghị bàn đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp, được tổ chức tại Lâm Đồng ngày 30 tháng 7 năm 2018. Tại Hội nghị này, sau khi nêu ra những khó khăn và thua thiệt của doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, phần lớn giá trị đều do nước ngoài hưởng hết, chỉ thu về mỗi năm vài tỷ USD vì xuất khẩu thô, trong khi nếu làm tốt hơn việc chế biến và chủ động hơn trong việc xuất khẩu, sẽ có thể thu về 12 tỷ USD, Thủ tướng đã chỉ rõ: Lĩnh vực nông nghiệp sẽ không thể phát triển bền vững nếu không tập trung tái cấu trúc ngành, lĩnh vực, sản phẩm nông nghiệp phải gắn với nhu cầu thị trường trong nước và thế giới và gắn với điều kiện phát triển của từng vùng, từng địa phương, gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Do đó, phải đầu tư phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, dựa vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và nguồn nhân lực có chất lượng cao trong mọi quy trình sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy các doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Hiện tại, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Thủ tướng cũng chia sẻ với các doanh nghiệp về những điều còn khó khăn, cản trở, như môi trường đầu tư kinh doanh còn quá nhiều thủ tục hành chính, một số quy định về điều kiện kinh doanh, đất đai, môi trường còn chưa khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục mở rộng đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là đối với các sản phẩm ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp còn chưa tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ khuyến khích đầu tư của nhà nước, lại chịu gánh nặng thanh tra, kiểm tra. Thủ tướng hứa sẽ xem xét thêm để có Chỉ thị về chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng như khai thác mạnh mẽ mọi tiềm năng,lợi thế của nông nghiệp.
Trung Vũ