Thực tế đang cho thấy nhiều loại hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất chưa khẳng định rõ được thương hiệu, một số thương hiệu Việt tầm cỡ lại “đội nón” ra đi với lý do bán thương hiệu để giải quyết nguồn lực tài chính, hoặc do thu lời lớn. Để rồi khi các thương hiệu Việt ấy về tay nhà đầu tư nước ngoài, dù có mở rộng thị trường đến mức nào đi chăng nữa thì cũng không còn là thương hiệu hàng Việt.
Một số nhãn hàng từng đứng trên mục vinh danh thương hiệu quốc gia khi đã bán đi, đồng nghĩa với việc bán đi những nguồn nội lực trọng yếu và ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, khiến hàng loạt nhãn hàng Việt phải rút ra khỏi hệ thống bán lẻ tại các siêu thị vốn từng là của chủ nhân Việt Nam, nhường chỗ cho hàng nhập khẩu của các nhà phân phối ngoại. Động thái trên của nhà đầu tư ngoại sau khi mua lại các hãng lớn thương hiệu Việt không chỉ cho thấy sự bị phụ thuộc của các nhà sản xuất nội phải nối vào kênh phân phối ngoại, mà còn làm cho hàng Việt có nguy cơ mất dần chuỗi phân phối ngay trên sân nhà.
Trước tình hình nhiều nước trên thế giới đang thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch, một số đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nên quan tâm nhiều hơn nữa đến sự phát triển của thị trường trong nước với 96 triệu dân, cần triển khai hiệu quả hơn cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tiến đến người Việt Nam yêu thích dùng hàng Việt Nam. Thực tế thì xây dựng thương hiệu Việt là điều mà Chính phủ đã và đang rất quan tâm, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến 2030, trong đó nêu rõ yêu cầu thúc đẩy nhận thức của doanh nghiệp Việt về thương hiệu. Suốt mấy năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội chợ, triển lãm, thông tin, quảng bá sản phẩm hàng hóa, xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt. Xây dựng các cơ chế chính sách hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường nội địa, thiết lập hệ thống phân phối đưa hàng hóa Việt đến với người tiêu dùng trên cả nước, kể cả những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Thủ tướng đánh giá: Nhiều doanh nghiệp trong nước đã chú trọng hơn đến chất lượng, mẫu mã, giá thành sản phẩm và quan trọng nhất là nắm bắt được thị hiếu cũng như nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó đưa ra những sản phẩm phù hợp và được đánh giá cao, mở rộng kết nối giao thương, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Cũng về chủ đề xây dựng và quản lý, bảo vệ thương hiệu hàng Việt, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Khẳng định được chất lượng mẫu mã cũng như thương hiệu của mình là sự khẳng định trí tuệ trong sản xuất kinh doanh của người Việt. Xây dựng và quản trị thương hiệu hàng Việt cần đặt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 nên sẽ có, sẽ phải tiến hành với nhiều sự khác biệt so với trước đây. Công nghệ mới sẽ dẫn tới kết quả là một thương hiệu có thể thành công, hoặc lui vào dĩ vãng, vì thế doanh nghiệp Việt Nam cần đón đầu sự tiến triển mạnh mẽ, nhanh chóng của công nghệ, chuyển đổi số hóa thương hiệu, xây dựng thương hiệu đủ sức cạnh tranh.
Tại hội thảo “Quản trị thương hiệu trong thời kỳ 4.0” vừa mới tiến hành, các diễn giả đã chỉ ra rằng, sự mất đi của những thương hiệu Việt nổi tiếng một thời là do sự lơ là trong phát triển thương hiệu, không làm mới hình ảnh thương hiệu của chính doanh nghiệp mình. Có những nguyên nhân như, khoảng cách không được rút lại giữa chiến lược thương hiệu định ra và kết quả hướng tới cảm nhận của khách hàng về giá trị thương hiệu, không duy trì chiến lược xây dựng thương hiệu đường dài, khúc mắc trong triển khai xây dựng thương hiệu ra bên ngoài, khiến người bên ngoài khó có thể hiểu được giá trị của thương hiệu. Một rào cản nữa là nhiều doanh nghiệp hiểu một cách đơn giản việc xây dựng thương hiệu thông qua truyền thông, như không nghĩ đến việc nhân sự lãnh đạo công ty thường thay đổi sẽ khiến cho lịch trình xây dựng thương hiệu sẽ bị đứt đoạn, trong khi việc xây dựng thương hiệu cần một mạch xuyên suốt trong chiến lược truyền thông thương hiệu, để thương hiệu đó tiếp tục được biết đến trên nền tảng đã xây dựng từ ban đầu.
Về thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn 2020 - 2030, sẽ tập trung xây dựng và phát triển thương hiệu Việt Nam gắn với các giá trị tích cực nổi trội của thương hiệu sản phẩm, trên cơ sở thống nhất đồng bộ với chiển lược xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ. Kim ngạch xuất khẩu của nhóm sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia Việt Nam với mức tăng cao hơn mức tăng bình quân cả nước, góp phần tăng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam bình quân 20% mỗi năm theo thống kê đánh giá của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới, với trên 1.000 sản phẩm đạt thương hệu quốc gia Việt Nam. Đồng thời, mỗi năm tăng 10% số lượng doanh nghiệp được vào danh sách doanh nghiệp có giá trị thương hiệu cao nhất, 90% số lượng doanh nghiệp trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư, 100% sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức cá nhân liên quan xây dựng định hướng nội dung Chương trình theo đúng chức năng, thẩm quyền, đảm bảo phù hợp giữa mục tiêu và nội dung của Chương trình với các điều kiện thực tế của ngành, địa phương. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn các bộ ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện. Hợp tác với các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để thu hút nguồn lực phục vụ hoạt động của Chương trình.
Thủ tướng cũng đã ký ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Theo Quy chế, việc xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ được tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào các năm chẵn. Doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam được phép sử dụng biểu trưng Thương hiệu quốc gia Việt Nam và hệ thống nhận diện Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Bộ Công Thương sẽ xem xét, hủy kết quả xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam của những doanh nghiệp nào mà có sự gian lận, giả mạo, gian lận giấy tờ tài liệu trong quá trình xây dựng, nộp hồ sơ tham gia Chương trình, gây ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín, hình ảnh và Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong nước và nước ngoài, lợi dụng hình ảnh, Thương hiệu quốc gia Việt Nam để trục lợi, vi phạm pháp luật, vi phạm Quy chế./.
Trung Vũ