Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM). Ảnh: P.V
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM)) cho biết, Hiến pháp năm 2013 có quy định: TE được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về TE. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền TE. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng xâm hại tình dục ngày càng gây nhức nhối trong xã hội. Đặc biệt là hành vi xâm hại tình dục đối với TE khiến dư luận xã hội đều rất bức xúc.
Trong những năm gần đây, số vụ và số TE bị xâm hại tình dục có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp và nghiêm trọng. Một số vụ xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục có cả những em bé còn ít tuổi và đối tượng xâm hại tình dục TE đa phần là những người quen của trẻ em như: hàng xóm, anh em họ hàng, thầy giáo, cán bộ, nhân viên của nhà trường, thậm chí là bố dượng, mẹ kế, cha đẻ.
Từ nhiều năm nay, đặc biệt là từ đầu năm 2019 đến nay xảy ra ra nhiều vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ và TE nghiêm trọng. Báo cáo của Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong hai năm 2017 và 2018, toàn quốc có 3.221 TE bị bạo lực, xâm hại, trong đó có 2.690 TE bị xâm hại tình dục. Tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2019 có 325 trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Hay theo Báo cáo của Chính phủ cho thấy một số loại tội phạm tăng như là hiếp dâm 770 vụ, tăng 7,99%; cưỡng dâm trẻ em 9 vụ tăng 200%, dâm ô trẻ em 274 vụ, tăng 46,52%, giao cấu với trẻ em 647 vụ, tăng 18,07%, gây bức xúc dư luận xã hội. Chỉ tính trong 2 năm 2017- 2018 cả nước có gần 3.000 vụ với 3.400 đối tượng và 3.200 TE bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục chiếm 81,3%.
Nhiều vụ việc điển hình về bạo lực, xâm hại tình dục nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây như: Vụ thầy giáo bị tố dâm ô 7 nam sinh ở Hà Nội; em gái 11 tuổi bị cả cha đẻ và ông nội xâm hại tình dục tại Vĩnh Long; thầy giáo 59 tuổi ở Bình Dương "nựng" vòng 1 học sinh lớp 9 nhiều lần khi dạy bồi dưỡng môn Toán; em gái 13 tuổi tự tử sau khi bị người hàng xóm xâm hại tình dục nhiều lần (Cà Mau); vụ việc thầy giáo chủ nhiệm lớp 5, Trường tiểu học Tiên Sơn (tỉnh Bắc Giang) có hành vi không đúng chuẩn mực với 13 học sinh nữ lớp 5 do giáo viên này giảng dạy…Mới đây nhất, vụ việc nhiều bé gái ở Trung tâm hỗ trợ xã hội (TP.HCM) tố cáo đã bị ông một cán bộ Trung tâm có hành vi dâm ô nhiều lần khiến dư luận đặc biệt bức xúc.
LS. Diệp Năng Bình bày tỏ, các hành vi xâm hại tình dục TE theo quy định phải xử lý hình sự và phải xử lý thật nghiêm minh. “Trường hợp này, Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM cần phải nhanh chóng phối hợp cơ quan chức năng điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ và làm rõ trong thời gian sớm nhất theo thẩm quyền”, LS đề nghị.
Theo điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội Dâm ô với người dưới 16 tuổi, dâm ô là hành vi có tính chất dâm dục nhằm thỏa mãn dục vọng của người thực hiện mà không nhằm mục đích giao cấu hoặc các hành vi quan hệ tình dục khác. Biểu hiện của hành vi này là chạm vào khu vực nhạy cảm trên cơ thể nạn nhân.
“Theo điều luật này, người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”, LS. Diệp Năng Bình khẳng định.
Thực chất đây là một loại tội phạm có chiều hướng gia tăng và thực sự đáng báo động, gây ra những hậu quả hết sức nặng nề và hiện nay dư luận rất quan tâm, bức xúc. Chưa bao giờ môi trường gia đình, nhà trường và xã hội lại bất an, nguy cơ cao đối với TE như hiện nay. Chúng ta cần lên tiếng, phòng ngừa và mạnh mẽ ngăn chặn các loại hình tội phạm này. “Nếu phạm tội có tổ chức, phạm tội hai lần trở lên, đối với hai người trở lên, với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.., mức án từ 3 đến 7 năm. Trường hợp làm nạn nhân tự sát, gây rối loạn tâm thần... mức án từ 7 đến 12 năm”, LS. Bình cho biết thêm.
Đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) đã ra quyết định bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Tiến Dũng - cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM để khởi tố, điều tra về hành vi Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Xe công an đưa ông Dũng về Trung tâm HTXH TP.HCM để thực hiện việc ghi nhận hiện trường. Quyết định tạm đình chỉ của Trung tâm HTXH TP.HCM đối với ông Nguyễn Tiến Dũng vì đã có hành vi dâm ô. Ảnh: PL
Tiếp theo đây, vụ việc chắc chắn sẽ được TP HCM điều tra, kết luận nghiêm minh. Thế nhưng, với góc nhìn dư luận xã hội, một cán bộ tại Trung tâm bảo trợ xã hội có chức năng tổ chức tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, phục hồi chức năng, giáo dục, dạy văn hóa, định hướng nghề cho các đối tượng bảo trợ xã hội hay nói cách khác là trợ giúp về vật chất và tinh thần cho nhóm đối tượng có vị thế bất lợi, thiệt thòi, ít có cơ may trong cuộc sống...lại thực hiện những biểu hiện hành vi dâm ô, xâm hại đối với đối tượng yếu thế là điều không thể chấp nhận.
Rõ ràng, những hành vi đáng lên án này đã, đang và sẽ để lại những nỗi ám ảnh, sự dày vò, sợ hãi trong cuộc sống của các TE nhất là TE gái. Qua đó cho thấy, sự cần thiết trong việc dạy các em những kiến thức nhận biết hành vi xâm hại cũng như kỹ năng bảo vệ bản thân, phản kháng lại, lên tiếng trước nguy cơ bị xâm hại là điều vô cùng cấp bách.
Để ngăn chặn tình trạng bạo hành, xâm hại TE, theo LS. Diệp Năng Bình, cần xác định được đối tượng để tuyên truyền, phổ biến để đưa nội dung giáo dục pháp luật, nội dung tuyên truyền phù hợp, gần gũi, thiết thực, trong đó, phải chú trọng dạy trẻ kỹ năng nhận biết các hành vi xâm hại và kỹ năng tự biết bảo vệ mình. Đồng thời, tiếp tục thiết lập các đường dây nóng; kêu gọi mọi công dân tăng cường tố giác tội phạm; phát huy hơn nữa vai trò của Đoàn Luật sư các địa phương trong việc tư vấn, hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các em, đồng thời, phối hợp giữa các bộ, ngành và cơ quan chức năng liên quan triển khai các biện pháp phòng ngừa, xét xử nghiêm minh các vụ việc vi phạm để tạo sức răn đe…
Thêm nữa, cần hỗ trợ nâng cao hơn nữa năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ chăm sóc TE, tăng cường năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng cho cán bộ, nhân viên của trung tâm công tác xã hội TE và hệ thống nhân viên cộng tác viên làm công tác bảo vệ TE ở các cơ sở nuôi dưỡng TE công lập và ngoài công lập trên địa bàn thành phố./.
Lan Anh
TP.HCM sẽ rà soát tất cả các cơ sở bảo trợ xã hội
Trả lời loạt câu hỏi tiếp theo chủ yếu xoay quanh các biện pháp an toàn cho trẻ ở các cơ sở, trung tâm hỗ trợ, bảo trợ xã hội, ông Trần Ngọc Sơn cho biết hiện TP.HCM có 18 cơ sở bảo trở xã hội và hàng quý Sở đều có công tác kiểm tra để chăm sóc các em tốt hơn.
“Ngày mai lãnh đạo Sở sẽ làm việc với tất cả các cơ sở bảo trợ xã hội để rà soát, bảo vệ trẻ em tốt nhất”, ông Sơn nói.
TP.HCM sẽ rà soát tất cả các cơ sở bảo trợ xã hội
Trả lời loạt câu hỏi tiếp theo chủ yếu xoay quanh các biện pháp an toàn cho trẻ ở các cơ sở, trung tâm hỗ trợ, bảo trợ xã hội, ông Trần Ngọc Sơn cho biết hiện TP.HCM có 18 cơ sở bảo trở xã hội và hàng quý Sở đều có công tác kiểm tra để chăm sóc các em tốt hơn.
“Ngày mai lãnh đạo Sở sẽ làm việc với tất cả các cơ sở bảo trợ xã hội để rà soát, bảo vệ trẻ em tốt nhất”, ông Sơn nói.