Khi luật thực sự đi vào cuộc sống

Thứ tư, 05/02/2020 14:31
(ThanhtraVietNam) – Đó là những hiệu ứng lan tỏa tích cực từ Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt sau hơn 1 tháng có hiệu lực.

Sau 1 tháng (tính đến 31/1/2020) triển khai xử lý vi phạm theo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các đơn vị, địa phương đã kiểm tra, xử lý 17.386 trường hợp (t/h) vi phạm nồng độ cồn; phạt tiền 53 tỷ, 155 triệu đồng. Đồng thời đã có 10.695 trường hợp bị tước Giấy phép lái xe và 17.386 phương tiện các loại bị tạm giữ.

leftcenterrightdel
 CSGT Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn đồng thời tuyên truyền cho các chủ phương tiện khi tham gia giao thông. Ảnh: T.A

Theo Thống kê từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), một số địa phương có kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: Thanh Hóa 970 t/h, Đắk Lắk 914 t/h, Tây Ninh 886 t/h, Bắc Giang 789 t/h, Đồng Nai 696 t/h, TP Hồ Chí Minh 672 t/h, Cà Mau 593 t/h, Gia Lai 534 t/h, Hà Nội 512 t/h, Bến Tre 505 t/h…

Đặc biệt, một số địa phương đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn ở mức vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: TP Hồ Chí Minh 264 t/h, Cà Mau 257 t/h, Kiên Giang 212 t/h, Long An 195 t/h, Thanh Hóa và Tiền Giang 168 t/h…

Trong khi đó, thống kê từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia trong 7 ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cả nước xảy ra 198 vụ tai nạn giao thông, làm chết 133 người, bị thương 174 người. So với cùng kỳ 7 ngày Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí: giảm 24 vụ (giảm 10,8%), giảm 7 người chết (giảm 5%), giảm 38 người bị thương (giảm 17,9%). Đáng chú ý có các địa phương không xảy ra tai nạn giao thông là: Bắc Ninh, Hà Giang, Khánh Hòa, Kon Tum, Lạng Sơn, Thái Nguyên.

Thực tế, kết quả nói trên có được từ sự tham mưu của Cục Cảnh sát giao thông với lãnh đạo Bộ Công an có công điện chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quán triệt, triển khai thực hiện ngay Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ cũng như tập trung đảm bảo đồng bộ các giải pháp an toàn giao thông trước, trong và sau Tết từ các cơ quan chức năng. Nhiều địa phương đã vào cuộc một cách quyết liệt, xử lý nghiêm VPHC trong lĩnh vực giao thông kết hợp với nhiều giải pháp khác trong đó có tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông.

leftcenterrightdel
Một tác phẩm tuyên truyền hữu ích sẽ khiến không ít người phải suy ngẫm. Ảnh: T.A 

Trước đó, để nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến tiêu cực. Đồng thời, ban hành Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 16/1/2020 tăng cường thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu, bia. Tiếp đó, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng thường xuyên đôn đốc các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm giao thông liên quan tới nồng độ cồn. Đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau Tết Canh Tý 2020...

Có thể thấy, việc Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ và Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đồng thời có hiệu lực vào thời điểm cuối năm đến nay, cùng những kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm, kết quả về tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí đã chứng minh cho hiệu quả, hiệu lực của “thể chế kép”.

Song, có một điều đặc biệt đáng ghi nhận là “thể chế kép” – Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia đã thực sự đi vào cuộc sống khi đi đến đâu và dường như trong câu chuyện nào của ngày Tết nơi có các buổi gặp mặt, người dân đa phần đều hiểu rõ quy định nghiêm của pháp luật về xử lý hành vi đã uống rượu bia mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Từ người già, người trẻ, nam hay nữ và làm bất cứ công việc, ngành nghề nào, phần lớn đều ủng hộ quy định xử lý nghiêm từ Luật Phòng chống tác hại rượu, bia và Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Sự ủng hộ đó đến từ hiệu lực của Luật và Nghị định góp phần tích cực vào việc kéo giảm hàng chục vụ tai nạn giao thông, nhiều người chết mỗi dịp Tết về; sự ủng hộ đến từ việc giảm nguyên nhân của 30 bệnh và là cấu thành của 200 mã bệnh do hạn chế sử dụng rượu, bia; sự ủng hộ đến từ việc hạn chế được bạo lực gia đình do những “ma men” và sự ủng hộ đến từ việc hạn chế được nhiều hệ lụy tiêu cực xã hội khác do rượu bia và tai nạn giao thông gây ra...

Như vậy, khi những người làm Luật nhận được sự đồng thuận xã hội cao, nói cách khác khi quy định pháp luật có hiệu lực và đại đa số người dân ủng hộ với những điều tích cực và hiệu ứng lan tỏa ra toàn xã hội. Khi đó, Luật đã thực sự đi vào cuộc sống.

Tràng An

 

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra