<p>Qua thực tế đang diễn ra tại các siêu thị, cửa hàng thì đúng là phần nhiều người tiêu dùng cũng dễ mua hàng hơn, song đằng sau sự khéo léo ngọt nhạt mời mọc khách hàng, lại cũng không ít trường hợp người bán hàng chỉ nhằm mê hoặc, lừa bịp người mua. Dẫn đến việc người tiêu dùng mua lầm phải hàng giả, hàng nhái, hoặc hàng nước nọ dán nhãn mác nước kia. Ngay cả đến sự khuyến mại, bán hàng qua thương mại điện tử cũng dễ khiến cho người mua bị nhầm lẫn. Thành ra người tiêu dùng khi thì được người bán hàng nói là xem họ như “thượng đế”, song lắm khi lại là người bị hại. Với trường hợp sau, người tiêu dùng biết làm sao để bớt bị thiệt hại, yêu cầu người bán thế nào, nếu họ không cho trả lại hàng, đổi cho hàng chất lượng đúng giá, đúng như ghi trong mẫu mã, quảng cáo, người mua hàng sẽ phản ảnh, khiếu nại tố cáo ở đâu, ai xử lý? Từ là “thượng đế”, rơi tọt xuống vị trí người bị lừa, bị hại, người tiêu dùng sẽ được các cơ quan công quyền bảo vệ quyền lợi như thế nào, đến đâu? Trả lời các câu hỏi này thực không đơn giản, chẳng thể chỉ dựa vào sự khu xử của các quan hệ xã hội, hay tuỳ ý giải quyết của các cơ quan quản lý thương mại, thị trường, chính quyền sở tại, mà cần phải và đã được luật hoá. Sau khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được ban hành, các bộ ngành liên đới trách nhiệm đặc biệt là Bộ Công Thương đã ra tiếp các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này, đồng thời nỗ lực tuyên truyền nhắc nhở việc thực thi, làm trung gian hoà giải giữa người bán hàng và người mua, tiếp nhận đơn thư phản ảnh, xử lý những khiếu nại của người tiêu dùng khi quyền lợi chính đáng của họ bị chủ bán hàng xâm hại.</p><p><br /></p><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/huyentt/2014_11/ik58b5p4yitoadam28356_600x600.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Ảnh minh họa. Nguồn: Internet</div><div>Nhìn lại ba năm thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, số đông người tiêu dùng, Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, nhiều chuyên gia kinh tế, Cục quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương đều đã đánh giá cao vai trò của đạo luật này, xem việc thực thi luật là cách để người mua hàng tiếp cận chủ động với việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Là chủ thể có liên quan trước hết và chủ yếu đến tác động của Luật Bảo vệ người tiêu dùng, các doanh nghiệp, chủ hiệu bán hàng đã được bộ Công Thương lưu ý, nhắc nhở việc thực hiện luật cho nghiêm, bản thân số đông trong họ cũng ý thức được rằng, thực hiện luật cũng sẽ đem lại sự kinh doanh ổn định, giữ gìn thương hiệu, gia tăng tín nhiệm với khách hàng, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho hoạt động kinh doanh của họ. Vì thế nhiều doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh cũng đã rất cố gắng tôn trọng người tiêu dùng, đảm bảo chữ tín với khách hàng từ chất lượng hàng, quảng cáo thông tin sát thực, đến giải thích, đáp ứng, giải quyết hợp tình, hợp lý những khiếu nại của người tiêu dùng. Cơ quan nhà nước như Cục quản lý thị trường cũng đã làm tốt vai trò trung gian hoà giải giữa chủ bán hàng và người mua hàng, tiếp nhận nhiều đơn từ phản ánh, khiếu nại, chỉ trong ba quý đầu của năm 2014 đã tiếp nhận và xử lý 790 khiếu nại từ người tiêu dùng, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2013, kể cả những khiếu nại về sản phẩm đặc biệt có giá trị lớn như bất động sản, phương tiện vận tải. Trong tổng số khiếu nại, lĩnh vực viễn thông truyền hình chiếm 74% , hàng hoá gia dụng khoảng 10%. Có tới 80% tổng các vụ khiếu nại, tranh chấp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng được giải quyết qua phương thức hoà giải. Có điều là phương thức này đem lại hiệu quả chưa nhiều do không được các bên thực hiện nghiêm túc, giá trị pháp lý của biên bản hoà giải thành không cao. Gặp những khiếu nại liên quan đến giá trị hàng hoá lớn thì đáng lý ra người bị hại phải đưa sự việc đến toà án, song lại ngại ngần vì phải qua nhiều thủ tục phiền phức, ngành toà án cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Người tiêu dùng cũng ngại ngần khiếu nại những va chạm thua thiệt nhỏ vì quá mất thì giờ, lại ít được giải quyết, thắng thế không nhiều cả số vụ việc cũng như giá trị quy thành tiền.<br></div><div><br></div><div>Do vậy, có thể nói là số vụ khiếu nại hàng hoá còn ít, chưa phản ảnh đúng số lượng bị hại của người tiêu dùng. Bản thân Hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng cũng khó có thể đáp ứng những yêu cầu về khiếu nại, kiến nghị các cơ quan chức năng giải quyết cho người tiêu dùng vì Hội không đủ thế và lực khi gặp phải những doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh không chịu hợp tác, trốn tránh trách nhiệm trong việc giải quyết các tranh chấp, khiếu nại.Thực tế đã và đang cho thấy, muốn bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng, rất cần tăng cường vai trò pháp lý, có thêm những nghị định, quyết định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng, tạo sự chuyển biến về nhận thức bảo vệ người tiêu dùng trong toàn xã hội, nâng cao trình độ của những cán bộ trực tiếp xử lý các trường hợp được điều chỉnh bởi đạo luật này. Cơ quan quản lý thị trường cần tăng cường kiểm định giám sát từ sản xuất đến lưu thông, đấu tranh chống gian lận thương mại, kinh doanh lọc lừa, xử lý nghiêm theo pháp luật việc và người sai phạm. Bản thân người tiêu dùng cũng cần ý thức hơn, mạnh bạo và kiên trì hơn trong việc tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.</div><div><br></div><div style="text-align: right;"><b>Trung Vũ</b></div>