10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”:

Khi nội lực được huy động, kinh tế vĩ mô ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo

Thứ hai, 05/08/2019 09:03
(ThanhtraVietNam) - Sau 10 năm thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) đã được các cấp, các ngành, đông đảo doanh nghiệp (DN) và tầng lớp Nhân dân hưởng ứng thực hiện, đã đạt được những kết quả thiết thực, góp phần khẳng định năng lực sản xuất, kinh doanh, phân phối của các DN và Doanh nhân Việt Nam. Qua đó, phát huy được lòng yêu nước, ý thức tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đoàn kết chung sức, chung lòng trước những khó khăn thách thức của đất nước, góp phần huy động nội lực trong nước để thực hiện nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội cũng như tăng trưởng bền vững.

leftcenterrightdel
Báo cáo của Bộ Công thương, hàng Việt luôn đạt 90% trở lên tại hệ thống siêu thị nội địa. Ảnh: O.H

Hàng Việt luôn đạt 90% trở lên tại hệ thống siêu thị

Theo đánh giá chung của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, sau 10 năm triển khai thực hiện, với nỗ lực của hệ thống chính trị các cấp, Cuộc vận động đã mang lại những kết quả thiết thực, tích cực, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, hàng Việt tại hệ thống siêu thị trong nước luôn đạt tỷ lệ 90% trở lên. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm tỷ lệ 60% trở lên. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm (đặc biệt trong các năm 2018, 2017, 2016 tổng mức mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ lần lượt ở các mức: 11,7%, 10,9%, 10,2%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây. Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu (năm 2010, Việt Nam nhập siêu 12,5 tỷ USD; năm 2018, Việt Nam xuất siêu gần 7,2 tỷ USD). Đáng chú ý, một số ngành sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chiếm khoảng 40-50%.

Tuy đạt được những kết quả đáng kể trong 10 năm qua, song Cuộc vận động cũng đứng trước không ít thách thức. Hội nhập quốc tế là xu hướng chủ đạo với một loạt thỏa ước hội nhập song phương và đa phương, là nhân tố thúc đẩy kinh tế, thương mại toàn cầu. Sức ép đối với các DN thuộc lĩnh vực bán buôn, bán lẻ sẽ lớn dần do cạch tranh với chuỗi phân phối từ các nước ASEAN, sức ép từ việc phải tuân thủ các cam kết trong FTA mà Việt Nam tham gia cũng như việc mở cửa và cắt giảm các dòng thuế theo lộ trình. Tình hình biến động địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới diễn biến nhanh, gây ảnh hưởng tới thị trường thế giới và trong nước. Trong khi, phần lớn DN Việt Nam là DN nhỏ và vừa với quy mô bình quân, nhỏ, năng suất lao động còn thấp. Chưa kể trong nước, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, cạnh tranh không đúng luật, lách luật, trốn thuế... vẫn còn diễn ra.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030, 100% cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước ưu tiên mua sắm hàng hóa sản xuất trong nước khi mua sắm công; 100% cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng chuyên trang, chuyên mục, định kỳ tuyên truyền về Cuộc vận động và 100% Mặt trận tổ quốc các cấp, các tổ chức thành viên thường xuyên tuyên truyền về Cuộc vận động và vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân hưởng ứng Cuộc vận động.

Đồng thời, Ban chỉ đạo Trung ương về Cuộc vận động cũng đề ra mục tiêu phấn đấu trên 90% các cơ sở kinh doanh thương mại bán hàng có niêm yết giá, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa. Thực hiện tốt việc kiểm soát hàng nhập lậu, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm xuất hiện trên thị trường. Cùng với đó, phấn đấu mỗi xã vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa có cửa hàng Việt phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân và 90% người Việt Nam ưu tiên dùng hàng hóa thương hiệu Việt, trong đó 100% cán bộ lãnh đạo các cấp gương mẫu ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.

Dùng hàng Việt phải là văn hóa tiêu dùng của người Việt trong giai đoạn mới

Để đạt được mục tiêu trên, giải pháp quan trọng hàng đầu là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức Thông báo Kết luận số 264 – TB/TW của Bộ Chính trị; Kết luận 107 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với thực hiện Cuộc vận động; Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn mới.

Đồng thời, phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan tuyên truyền, thông tấn, báo chí trong công tác tuyên truyền về Cuộc vận động, vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng Việt Nam, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt trong giai đoạn mới và biểu dương các tập thể, cá nhân thực hiện tốt Cuộc vận động ở địa phương đơn vị, cơ sở.

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị Tổng kết 10 năm Cuộc vận động. Ảnh: O.H

Giải pháp cần tiếp tục kiên trì thực hiện đó là Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo Quyết định số 634/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung vào 3 nhóm giải pháp: hỗ trợ nhằm thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của cộng đồng; hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững; và hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN Việt Nam và hàng Việt Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới và khuyến khích, định hướng tiêu dùng của nhân dân bằng cách rà soát, ban hành bổ sung cơ chế, chính sách. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Tăng cường hơn nữa trong công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế và xử lý nghiêm vi phạm.

Ngoài ra, một giải pháp không kém phần quan trọng khác cần tính tới đó là tổ chức điều tra, khảo sát thị trường, điều tra thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng; tổ chức hội thảo, triển lãm, hội chợ, xúc tiến thương mại và đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nhân. Đi kèm với đó, DN, người sản xuất kinh doanh phải chú trọng thực hiện các dự án, công trình sử dụng các trang thiết bị, nguyên liệu nội địa và dịch vụ chất lượng tương đương hàng ngoại nhập để hàng hóa đến tay người tiêu dùng có chất lượng tốt nhất./.

Oanh Hữu

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra