<p>Ngoài những điều có thể mừng, cũng như phải phải lo thêm về xuất nhập khẩu hàng hoá, còn phải lo cạnh tranh trên thị trường nội địa. Hàng ngoại được dịp thoải mái nhập khẩu, giá hạ do thuế thấp hơn trước nhiều, tiến tới xoá bỏ thuế quan, người tiêu dùng trong nước có thêm hàng đẹp, hàng rẻ để chọn. Kinh tế đang hồi phục, thu nhập của nhiều người cũng tăng lên theo, trong túi rủng rỉnh tiền thì người tiêu dùng cũng có nhiều hơn khả năng mua những thứ hàng đẳng cấp cao hơn, chứ không chỉ là mua hàng tầm tầm cho rẻ, gặp khi hàng ngoại vừa đẹp, vừa không đắt hơn quá nhiều so với hàng nội, tất họ sẽ mua. Tâm lý người tiêu dùng đang có sự thay đổi theo xu hướng chuộng tốt chất, đẹp kiểu, mốt mới, hiện đại chứ không lạc hậu, quá quen, giá cả phù hợp, là điều mà các nhà sản xuất, kinh doanh trong nước không thể không suy nghĩ. Tâm lý sính hàng ngoại vẫn còn sâu nặng trong bộ phận lớn người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là ở nhóm 20% dân số có thu nhập cao và khá cao, chiếm đến 80% lượng chi tiêu nói chung.</p><p><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/huyentt/2015_5/aec.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Ảnh minh họa</div></p><div>Hàng nội mấy năm nay cũng đã được người tiêu dùng nội địa mua nhiều hơn trước đây, nhất là hàng dệt may, giầy dép, thực phẩm, rau quả, đồ gia dụng, nội thất, vật liệu xây dụng, đồ chơi trẻ em. Một phần là do nhiều nhà sản xuất đã chú ý nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, hạ giá thành nên cũng bán rẻ hơn, các công ty, hiệu buôn, siêu thị có sự đổi mới ít nhiều cách thức bán và khuyến khích, thuyết phục người tiêu dùng mua hàng nội. Phần nhiều hơn, là do nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào Người Việt mua hàng Việt. Nhưng đến lúc này, trước những quy định cùng tác động của AEC, các cơ quan quản lý kinh doanh và các doanh nghiệp không thể chỉ mãi bằng lòng với chủ trương sẵn có, kinh nghiệm cũ, thoả mãn với kết quả bước đầu về tiêu thụ hàng sản xuất trong nước. Mà phải cùng nhau nhanh chóng chuyển biến, ứng đối cho kịp với tình hình mới, và hành vi, tâm lý đang chuyển biến của người tiêu dùng. Phải dám thừa nhận một thực tế để cương quyết vượt lên, ấy là cơ sở làm hàng nội có ưu thế về chi phí không cao khi mua nguyên liệu, chi phí vận chuyển, công lao động rẻ, thuê mặt bằng thấp hơn các doanh nghiệp nước ngoài, nhưng nhiều khi giá không hạ, chất lượng không cao khiến vẫn không thu hút được người tiêu dùng. Có thể thấy tâm lý người tiêu dùng đang biến động về nhiều phương diện do mức sống cao, thích mua bán trực tuyến, thời gian hạn hẹp, do phải dành cho nhiều nhu cầu, nên cách thức chọn mua hàng cũng khác đi, phải mua hàng thương hiệu uy tín cho vừa nhanh, vừa có thể tin được. Theo các chuyên gia, sự hấp dẫn tiêu dùng còn do mẫu mã hàng, cách thức giới thiệu, cửa hàng bày hàng, bán hàng hấp dẫn, thu hút người mua. Điều này thì các công ty nước ngoài làm giỏi hơn nội địa. Lại còn phải chú ý đến các yếu tố văn hoá kinh doanh, văn hoá cộng đồng, các yếu tố xã hội như mạng lưới trực tuyến, gia đình, địa vị xã hội, các nhóm yếu tố mang tính cá nhân về nghề nghiệp tuổi tác, phong cách sống của người tiêu dùng, động cơ thúc đẩy niềm tin, thái độ người tiêu dùng.<br></div><div><br></div><div>Do thế muốn hàng nội cạnh tranh được, trách nhiệm cũng như vai trò trước hết là ở nhà nước, cần có chính sách cạnh tranh, đảm bảo môi trường kinh doanh tốt, thông tin thị trường kịp thời minh bạch. Các chính sách hỗ trợ kích cầu phải có sự đồng thuận từ hai phía: người tiêu dùng và doanh nghiệp. Lâu nay nhân dân do cổ vũ hàng nội đã hưởng ứng phong trào mua hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, nhưng không thể vì doanh nghiệp mãi, doanh cũng thể mãi vì người tiêu dùng. Nên xây dựng và thực hiện các chính sách thúc đẩy sản xuất, bảo vệ thương hiệu của các doanh nghiệp trong nước, chống hàng giả hàng nhái và các hành vi trốn lậu thuế. Đặc biệt là cần tăng cường kiểm soát chất lượng thực phẩm vệ sinh an toàn, vừa vì người tiêu dùng, vừa bảo vệ uy tín cho các doanh nghiệp. Đảm bảo công khai minh bạch về chất lượng giá cả, xuất xứ hàng nội cũng như hàng ngoại trên các phương tiện thông tin truyền thông. Chính các doanh nghiệp cũng phải chủ động cạnh tranh. Họ phải biết rằng bảo hộ sản xuất trong nước bằng hàng rào thuế quan hay pháp luật đã không còn được áp dụng, nên phải thay bằng hàng rào ý thức xây dựng thái độ yêu thích hàng nội của người tiêu dùng, nghiên cứu nhu cầu tâm lý mua hàng. Tiết giảm chi phí đầu vào trong sản xuất hàng hoá để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh, phân phối tốt, thương hiệu tốt. Doanh nghiệp muốn lấy được lòng tin sự, hấp dẫn sự lựa chọn mua hàng của người tiêu dùng thì cần phải thay đổi từ chất lượng sản phẩm, đến các hoạt động Marketing luôn tạo sự hài lòng của khách. Ngoài ra, doanh nghiệp nội cần đào tạo nhân lực sản xuất hàng và bán hàng vì nó quyết định tới 70% thành công trên thị trường bán lẻ.</div><div><br></div><div style="text-align: right;"><b>Trung Vũ</b></div><div><br></div>