Tại phiên họp thường kỳ tháng trước của Chính phủ, cùng với sự vui mừng về đạt toàn diện các chỉ tiêu kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc còn nêu lên thông tin lạc quan: Việt Nam dẫn đầu thế giới về chỉ số tinh thần khởi nghiệp với 92% người được hỏi sẽ cân nhắc khởi nghiệp, 88% sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi khởi nghiệp so với tỉ lệ trung bình thế giới ở mức 47%. Trước đó, khi dự lễ phát động Chương trình thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2021 và Ngày hội thanh niên khởi nghiệp, Thủ tướng khẳng định: Chính phủ đã và sẽ tiếp tục có nhiều chính sách khuyển khích khởi nghiệp. Theo Thủ tướng, Việt Nam đã làm cả thế giới ngưỡng mộ về khả năng tổng động viên sức mạnh, ý chí toàn dân khi đất nước lâm nguy để giải phóng dân tộc, thì nay hoàn toàn có thể động viên người dân khởi nghiệp, sáng tạo làm kinh tế xây dựng đất nước, chinh phục thị trường thế giới, xác lập chỗ đứng vững chắc trên sân chơi toàn cầu hóa.
Nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khiến mọi người nhớ lại tinh thần yêu nước hào hùng của dân tộc ta qua mọi thời kỳ lịch sử, thông qua việc đánh giặc dựng nước, giữ nước và cần mẫn, sáng tạo trong lao động sản xuất, cha mẹ dạy con khởi nghiệp, thế hệ trước truyền kinh nghiệm lập nghiệp cho thế hệ sau. Ở các vùng quê đã trải qua bao đời có tập tục cha mẹ cho con cái đủ tuổi lớn khôn ra ở riêng, cấp cho con miếng đất để con làm nhà, làm vườn, làng tính xuất đinh cho những trai làng đủ mười tám tuổi để cấp ruộng công điền, cũng có nghĩa là gia đình và cộng đồng làng xóm đã cùng nhau tạo điều kiện khởi nghiệp nghề nông ngay từ lúc bắt đầu vào đời cho con cái. Còn nơi phố thị, cha mẹ, phường thợ, hội nghề cùng nhau dạy việc, truyền nghề cho lớp trẻ, khuyến khích, hỗ trợ họ lập nghiệp và thành đạt.
Đọc lại sử sách, nghe kể tích xưa, gương cũ, cũng có thể thấy nơi đô thị thời xưa đã có những người theo truyền thống học nghề, dựng nghiệp của các thế hệ cha ông mà thành công rực rỡ. Như nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi đã từ chỗ đi làm thuê làm mướn, tiến tới chỗ theo nghề giao thông mà khởi nghiệp, lập nghiệp thành công, quyết cạnh tranh với các nhà kinh doanh người Tây, người Hoa, ông đã là chủ của nhiều con tàu sông, biển chở khách, vận tải hàng hóa. Nhà tư sản yêu nước Ngô Tử Hạ, từ một làng quê huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, gửi hai đứa con mồ côi mẹ nhờ chú em nuôi, ra Hà Nội tìm việc. Thoạt đầu làm thuê cho người khác, đạp chân máy thủ công thô sơ in giấy vỏ các vỏ bao hương nhang. Rồi dành dụm tích góp mãi, ông đi mua vài cái máy in thủ công như vậy, quyết khởi nghiệp theo nghề in. Sau ít năm, ông đã dần thành công, mua thêm được máy in thủ công, rồi mua máy in công nghiệp, lập nhà in Ngô Tử Hạ to bậc nhất, nhì trong các nhà in ở Hà Nội thời trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Bản thân ông chủ nhà in này vừa phát huy truyền thống khởi nghiệp, vừa noi theo cha ông trong truyền thống yêu nước, tham gia nhiều hoạt động cứu nước, giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc do Cụ Hồ và Mặt trận Việt Minh phát động, được bầu vào Quốc hội, là Đại biểu Quốc hội cao tuổi nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ông khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội. Ông Ngô Tử Hạ đã được cử làm Thứ trưởng Bộ Thương binh, nhà in của ông cũng là một trong những nơi in tiền của nhà nước theo thể chế mới.
Ôn lại vài trường hợp tiêu biểu trong truyền thống khởi nghiệp để tri ân phong trào khởi nghiệp hôm nay, càng thêm tin ở khí thế phát triển và hiệu quả thành công. Nhất là trước tình hình hiện nay, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: Hiện điều kiện khởi nghiệp đã sẵn sàng khi Chính phủ nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, bảo vệ quyền, tài sản, môi trường chính trị xã hội ổn định. Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, tích cực tham gia các hiệp định thương mại song phương, đa phương, là trung tâm sản xuất của thế giới. Thủ tướng đã có sự chỉ đạo cụ thể về hỗ trợ mạnh cho đầu tư khởi nghiệp, thiết lập mạng lưới các nhà đầu tư trong nước và kết nối mạng lưới các nhà đầu tư trên toàn cầu. Thủ tướng yêu cầu trong năm 2019, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ phải trình Chính phủ ban hành bổ sung quy định doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, là đối tượng nhận hỗ trợ của quỹ đổi mới công nghệ quốc gia. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hỗ trợ việc thành lập và hoạt động của các câu lạc bộ mạng lưới các nhà đầu tư thiên thần trong nước, thông qua đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025, tổ chức các cuộc gặp thường niên với các nhà đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Điểm lại một thực tế để càng phấn khởi, tin tưởng là ngay từ năm đầu tiên, 2016, của nhiệm kỳ Chính phủ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chọn chủ đề của năm là Quốc gia khởi nghiệp và triển khai đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025. Kết quả là đã dậy sóng khởi nghiệp mạnh mẽ ở Việt Nam với kết quả đầu tiên là năm 2017 số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay với gần 127.000 doanh nghiệp được thành lập bằng 1,6 lần số doanh nghiệp thành lập mới của năm 2011. Trong 9 tháng năm nay cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Trong gần 3 năm qua, Thủ tướng cũng liên tiếp có các cuộc tiếp xúc để truyền lửa khởi nghiệp.
Đi đầu trong tinh thần hăng hái khởi nghiệp là lớp trẻ, họ đang quyết dấn thân với ý nghĩ mỗi sự lựa chọn đều có được và mất, khởi nghiệp sẽ là một lựa chọn mạo hiểm, song tuổi trẻ thích thử thách, thích xây dựng những cái mới mang dấu ấn của chính mình. Họ cũng không sợ cô đơn khi cùng lúc có rất nhiều người khởi nghiệp, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đồng hành để tăng thêm nhiệt huyết. Các tổ chức đoàn thể thanh niên, phụ nữ đều có các hoạt động khuyến khích thành viên khởi nghiệp. Các trường đại học được xem là vườn ươm khởi nghiệp vì tập trung tri thức mới và các nguồn lực sẵn có, nên kỳ vọng tuổi trẻ có điều kiện rèn dũa bản lĩnh, tạo bệ phóng vững chắc cho những ý tưởng, kế hoạch khởi nghiệp. Để làm tốt việc ươm trồng các startup, nhiều trường đại học đang tìm cách tháo gỡ những khó khăn, nhất là về kinh phí đầu tư. Mặt khác, để thực sự hiệu quả, không lãng phí thì những vườn ươm khởi nghiệp ở đại học nên chọn những người học có ý tưởng và cam kết theo đuổi mục tiêu khởi nghiệp đặc biệt quan tâm các startup có công nghệ đột phá và ý tưởng mang đến lợi ích cho cộng đồng và khả năng mở rộng quy mô toàn cầu. Nguồn tài chính là vô cùng cần thiết cho khởi nghiệp, nhưng không phải lúc nào cũng dễ tìm vốn, nhiều phương pháp được các chuyên gia kinh tế đưa ra như: vay ngân hàng, tìm vốn từ gia đình và bạn bè, tìm đến nhà đầu tư cùng ngành, nếu chọn quỹ đầu tư nên tìm đến các quỹ đầu tư mạo hiểm, cũng nên tận dụng sự hỗ trợ từ các đối tác. Hiện các ngân hàng đang nới rộng việc cho vay, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trung Vũ