Không nên để xảy ra những chuyện đã rồi!

Thứ hai, 24/06/2019 10:00
(ThanhtraVietNam) - Một vài năm gần đây, những câu chuyện đáng buồn đã xảy ra, phát sinh trong các ngành xây dựng thương mại, dịch vụ... Đặc biệt, cần lưu ý là những câu chuyện đã rồi xảy ra không phải là cá biệt.

Gần đây nhất, việc pha chế tiêu thụ xăng dầu trái pháp luật của một "đại gia" với hàng triệu lít xăng không đảm bảo chất lượng, làm thiệt hại cho người tiêu dùng và thất thu ngân sách Nhà nước. Bây giờ mới được phát hiện và xem xét, xử lý.

Câu chuyện về phân bón giả Thuận Phong nhiều năm nay lại được chất vấn lại tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 vừa qua, các cơ quan chức năng vẫn chưa có những câu trả lời thỏa đáng để giải quyết dứt điểm, làm thiệt hại năng suất, chất lượng của bà con nông dân.

Câu chuyện về "cắt tai, mài vỏ" các bình gas ở một đơn vị nhưng không được giải quyết cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công thương phải trực tiếp chỉ đạo mới tiến hành xem xét, xử lý. Vụ "Khai silk" kinh doanh hàng tơ tằm, làm giả mác Việt Nam cũng xảy ra nhiều năm trên toàn quốc nhưng qua phát hiện của khách hàng mới được đang xem xét, xử lý.

Chúng ta có lẽ không kể hết được những việc đã rồi xảy ra trên thị trường nội địa Việt Nam. Ngoài ra, còn những chuyện như cát tặc lộng hành ở các bờ sông làm xói lở thiệt hại cho hoa màu, nhà cửa của bà con ven sông. Việc những "mỏ thuế lộ thiên" mà phóng viên các tờ báo còn biết, nhưng một số các cơ quan quản lý địa phương lại không biết? Hay câu chuyện “bảo kê” tại một chợ đầu mối hoa quả thủ đô nhiều năm mới bị phát hiện...

Những câu chuyện đã rồi không được kịp thời phát hiện, xem xét xử lý đã làm thiệt hại tiền của, thời gian, thương hiệu của doanh nghiệp, của sản phẩm Việt Nam chân chính. Làm thiệt hại, thui chột chí tiến thủ của những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chân chính.

Dư luận xã hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và người tiêu dùng phải kiểm tra, giám sát phải liên tục lên án phát hiện những việc làm sai trái nói trên một cách kịp thời. Ngăn chặn những tác hại khôn lường gây ra cho xã hội. Biểu dương, khen thưởng những tổ chức cá nhân làm ăn chân chính và những cơ quan quản lý liêm khiết, tích cực điều tra và xử lý những vi phạm trên.

Bên cạnh đó, vai trò của các hiệp hội, ngành nghề và ngành hàng cũng vô cùng quan trọng, cần phân loại các doanh nghiệp trong Hiệp hội của mình để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở những doanh nghiệp "sắp" vi phạm pháp luật, quyền lợi người tiêu dùng, tránh tình trạng để xảy ra rồi mới xem xét, xử lý.

Vai trò của chính quyền địa phương các cấp cũng vô cùng quan trọng, mọi việc xảy ra đều ở cơ sở cho nên phải phát hiện xem xét, xử lý sớm từ cơ sở. Người đứng đầu các địa phương, các ngành, các cấp phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Nhà nước về những việc "đã rồi" không được phát hiện được một cách kịp thời. Làm được những vấn đề trên chính là góp phần vào việc lành mạnh hóa, sản xuất kinh doanh và phục vụ tiêu dùng xã hội theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

 Vũ Vinh Phú Chuyên gia kinh tế 

Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội 


Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra