Thực tế, nhiều hoạt động sản xuất, mua bán chưa được quan sát hay thống kê, trong đó bao gồm cả những hình thức gian dối mờ ám trong kinh doanh, khiến cho nền kinh tế đất nước không được phản ảnh đúng quy mô cũng như giá trị. Thực trạng này đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới trong đó có nước ta. Nhiệm vụ của ngành thống kê là ghi chép trung thực nền kinh tế, phải có trách nhiệm phản ánh cho đầy đủ bức tranh kinh tế xã hội, có nghĩa là phải thống kê cả các khu vực kinh tế chưa được quan sát. Sự phản ánh trung thực mọi con số của hoạt động kinh tế rất cần làm để chính phủ đánh giá đúng tình hình và có quyết sách phù hợp.
Theo Tổng cục thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khu vực kinh tế chưa được quan sát gồm 05 thành tố là hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế bất hợp pháp, hoạt động kinh tế phi chính thức, hoạt động kinh tế tự sản tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong quá trình thu thập dữ liệu thống kê. Đối với 05 thành tố kinh tế này, hiện ngành thống kê mới chỉ thực hiện thống kê được 03 thành tố nhưng chưa đầy đủ, còn 2 thành tố cuối cùng là kinh tế ngầm (hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu diếm một cách có chủ ý nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính và trách nhiệm xã hội), kinh tế bất hợp pháp (hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm và các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng hoạt động khi chưa được cấp phép) thì chưa thống kê được.
Theo ước tính của tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ khu vực kinh tế chưa được quan sát so với GDP chênh lệch khá lớn giữa các nước cũng như giữa các thời kỳ khác nhau của một nước. Kinh tế chưa được quan sát đóng góp trung bình từ 1% - 20% GDP của các quốc gia trên thế giới. Từ thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 146/QĐ-TTg ngày 01/02/2019 phê duyệt đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm phản ánh đầy đủ toàn diện hơn phạm vi, quy mô của nền kinh tế, đồng thời góp phần bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đổi với nền kinh tế. Theo đề án, Tổng cục thống kê sẽ là cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm nghiên cứu cơ sở lý luận đo lường và xây dựng danh mục các hoạt động kinh tế chưa được quan sát và lựa chọn phương pháp đo lường, đảm bảo không bỏ sót, tính trùng. Cơ quan này làm việc đo lường thử nghiệm từ năm 2019 và sẽ chính thức từ năm 2020. Hàng năm các số liệu trên sẽ được cập nhật vào tổng sản phẩm quốc nội GDP, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương GRDP và các chỉ tiêu kinh tế xã hội khác. Số liệu ước tính sơ bộ, chính thức sẽ lần lượt được công bố vào quý I, II, 6 tháng, quý III, 9 tháng và cả năm theo luật thống kê. Cơ quan thống kê sẽ sử dụng phương pháp thống kê trực tiếp, gián tiếp hoặc ước lượng bằng phương pháp lập mô hình kinh tế vĩ mô để đo lường các hoạt động kinh tế khu vực chưa được quan sát.
Mặc dù trách nhiệm chính là của Tổng cục thống kê, nhưng Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành khác có trách nhiệm xác định phạm vi, quy mô các hoạt động kinh tế chưa quan sát và cập nhật danh mục các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý trực tiếp, gửi Tổng cục thống kê tổng hợp. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí từ nguồn vốn ngân sách để chi phí cho các hoạt động triển khai thực hiện đề án này.
Một câu hỏi được đặt ra là liệu có phải thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát cốt nhằm mục đích thu cho được nhiều thuế? Ngành thuế thừa nhận đề án thống kê các khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ giúp họ thu thập số liệu những khu vực mà ngành thuế đang cần phải tập trung theo dõi, chống thất thu thuế, song không phải là mọi thành phần trong khu vực này đều phải nộp thuế, mà là còn tùy thuộc vào ngưỡng thu nhập hàng năm, ví dụ với đối tượng là lái xe ôm, buôn bán nhỏ, thu nhập một năm dưới 100 triệu thì tuy có thu thập thông tin nhưng không phải là đối tượng để thu thuế. Cũng có nghĩa là không phải tất cả những phát sinh thu nhập trong xã hội được thống kê đều nằm trong tầm ngắm của cơ quan thu thuế, mà đến một ngưỡng nào đó theo quy định của pháp luật mới chịu sự quản lý về thuế.
Cũng theo ngành thuế, trong tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế đều có hiện tượng là cơ quan thống kê chưa thu được số liệu xác thực nên sự tính thuế cho thật đủ, thật đúng cũng khó, mà vẫn có hiện tượng thất thu thuế, hy vọng rằng qua việc tiến hành thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, hiện tượng này sẽ giảm bớt được nhiều. Ngành thuế cũng thừa nhận là với khu vực kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp, họ sẽ gặp nhiều khó khăn để thu thập tính toán số liệu trên cơ sở đó tính thuế.
Việc thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát sẽ có những sự ảnh hưởng đến công việc làm ăn ở các làng nghề và các hộ kinh doanh, như là về cách tính thuế và mức nộp thuế, vậy làm thế nào để các đối tượng sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ này có thể an tâm, không lo âu, chán nản? Theo nhiều chuyên gia kinh tế, phải có sự kết hợp tốt việc thống kê này với việc chuyển hộ kinh doanh lên thành doanh nghiệp tư nhân, hoặc công ty, nên có một giai đoạn chuyển tiếp và thực hiện một chế độ quản lý, tài chính kế toán đơn giản phù hợp với thực tế. Hiện nay, chúng ta có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, tạo ra gần 10 triệu việc làm, nhưng không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ hộ gia đình có đăng ký kinh doanh, nên các luật liên quan đến kinh doanh và doanh nghiệp cần mở rộng đối tượng điều chỉnh bao gồm cả hộ gia đình và cá nhân có đăng ký kinh doanh, có các điều khoản quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ đăng ký kinh doanh. Các hộ kinh doanh cá thể có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước, chiếm đến hơn 30% GDP, nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, có sự chưa bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức. Đây là điều mà khi tiến hành thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, hoặc quan sát chưa hết, phải quan tâm tới để có cách làm phù hợp, hiệu quả, góp vào sự động viên, khuyến khích kinh tế tư nhân. Việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát có mục đích chính yếu là phản ánh đầy đủ toàn diện hơn phạm vị, quy mô của nền kinh tế, chứ không phải để làm đẹp số liệu, hay để dễ thu được nhiều thuế hơn./.
Trung Vũ