Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 (nCoV) , khẩu trang và nước rửa tay là hai sản phẩm thiết yếu, được đa số người dân lựa chọn và tìm mua. Thế nhưng, đáng chú ý, theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, ở Hà Nội đã phát hiện một số trường hợp lợi dụng tình hình khan hiếm của hàng hóa, thu gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng và bán ra thị trường.
Vừa qua, tại buổi họp xây dựng kế hoạch hành động cụ thể trước diễn biến dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 (nCoV) gây ra có thể kéo dài và diễn biến phức tạp được Bộ Công thương tổ chức, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong hơn một tuần qua, Tổng cục đã thành lập rất nhiều đoàn kiểm tra tại các hiệu thuốc, trên nhiều địa bàn, đã tạm giữ và xử phạt hành chính đối với những cửa hàng, hiệu thuốc găm hàng, không bán cho người dân. Điều đáng nói hơn, ông Linh nhấn mạnh, còn có hiện tượng, một số đối tượng lợi dụng tình hình này để thu gom dụng cụ y tế kém chất lượng, nước rửa tay cũng bị làm giả, khẩu trang y tế dùng một lần được thu lượm và bán lại. Dù số lượng không quá lớn nhưng vì tính chất nghiêm trọng nên Tổng cục Quản lý thị trường đang phối hợp với công an điều tra làm rõ.
Có thể xử hình sự kẻ thu gom khẩu trang qua sử dụng rồi bán lại. Ảnh: L.A
Khẩu trang y tế được nhà sản xuất khuyến cáo là chỉ nên dùng một lần thì bạn chỉ nên dùng một lần. Nếu tái sử dụng loại khẩu trang này thì công dụng sẽ giảm rất nhiều, thậm chí là phản tác dụng, không an toàn cho sức khỏe. “Khẩu trang dùng xong để trên mặt bàn, ghế, trong túi xách… nhằm mục đích tái sử dụng đã tăng độ nhiễm khuẩn lên rất nhiều rồi, thế mà có người còn thu gom khẩu trang đã vứt bỏ ở thùng rác để tái sử dụng thì không khác gì bỏ tiền ra mua vi khuẩn, bệnh tật vào người”, chị Mai, một nhân viên văn phòng bức xúc cho biết khi nghe thông tin.
Tuy nhiên, cũng theo chị Mai, khi sử dụng khẩu trang y tế than hoạt tính (như khẩu trang N95, khẩu trang FFP1 hay khẩu trang Carbon, khẩu trang 3M…) nếu tái sử dụng thêm một lần nữa thì nên hạn chế tiếp xúc với bề mặt của khẩu trang và cần bảo quản cẩn thận cho lần dùng tiếp theo để không gây ảnh hưởng tới sức khỏe khi đeo.
“Như ở nhà tôi, hôm thấy con dâu kể, nó đi mua hết 250 ngàn một hộp khẩu trang, tuy nhiên, sau vài phút quay ra mua thêm hộp nữa giúp đồng nghiệp thì họ đã tăng lên 300 ngàn. Bỏ ra số tiền nhiều như vậy để mua khẩu trang với hy vọng mong manh là chống qua được đại dịch này mà nếu mua phải khẩu trang của người bệnh xài rồi bán cho người khỏe thì nguy hiểm quá”, cô Nhung ở Thái Thịnh chia sẻ.
Bên cạnh những tâm tư kể trên, còn có những người “hiến kế”, mọi người dùng xong có thể đốt hoặc xé đi rồi hãy vứt bỏ gọn gàng để tránh tình trạng đầu cơ cho những kẻ bất lương tái sử dụng.
Hiểu tâm tư và mong mỏi của người dân, để không thiếu khẩu trang y tế và trang phục phòng, chống dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, Bộ Y tế cũng đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, có công văn yêu cầu các đơn vị sản xuất sớm ổn định, tăng cường sản xuất và hỗ trợ tìm nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất khẩu trang, trang phục phòng, chống dịch bệnh. Căn cứ số liệu theo dõi, nắm bắt và báo cáo của các đơn vị sản xuất trong nước, Bộ Y tế đã có danh sách các đơn vị sản xuất khẩu trang y tế và trang phục phòng, chống dịch để các Sở Y tế và các bệnh viện chủ động liên hệ, có kế hoạch trang bị phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đội Quản lý thị trường thu giữ nhiều khẩu trang y tế đang được "găm" để bán thu lời bất chính. Ảnh: P.V
Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP.HCM) chia sẻ, Thủ tướng Chính phủ đã công bố tình trạng dịch bệnh theo quy định của Điều 48 và 49, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007. Tức là, sau khi công bố dịch thì trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân sẽ được thực hiện theo bộ luật này. Việc vệ sinh làm sạch môi trường, tổ chức cách ly, thành lập ban chỉ đạo, kiểm dịch y tế biên giới, xử lý các trường hợp nhiễm bệnh, nguy cơ nhiễm bệnh, các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông phải thực hiện một cách quyết liệt. Thời gian qua cho thấy Chính phủ, Bộ Y tế và người dân đã đồng lòng đối phó với cơn dịch nguy hiểm này, thế nhưng có không ít những cá nhân, tổ chức lợi dụng dịch bệnh để trục lợi, gây bất ổn cho xã hội.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, khẩu trang y tế là loại sản phẩm sử dụng một lần, điều này cũng đã được Bộ y tế, các cơ quan báo chí hướng dẫn và tuyên truyền. Sau khi được loại bỏ thì khẩu trang đã qua sử dụng trở thành rác, không còn giá trị và có thể chứa nhiều mầm bệnh, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Do đó, hành vi gom khẩu trang đã qua sử dụng để bán lại vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và vi phạm pháp luật, gây hậu quả khôn lường nên cần xử lý nghiêm. Đây là hành vi đáng lên án. Bởi nó được diễn ra trong khi dịch bệnh đang bùng phát, khó kiểm soát.
“Việc một số cá nhân, tổ chức nhặt, gom khẩu trang đã qua sử dụng để bán lại không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức mà còn là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Tùy thuộc vào những hành vi cụ thể, diễn biến cụ thể và hậu quả cụ thể mà những hành vi này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật”, Luật sư Bình nhấn mạnh.
Luật sư Bình chia sẻ thêm, nếu cá nhân nhặt, gom khẩu trang y tế đã qua sử dụng để bán lại cho tổ chức, cá nhân khác nhưng gian dối là hàng công ty, hàng đạt tiêu chuẩn chất lượng thì người vi phạm có thể bị truy cứu về tội Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự nếu số tiền chiếm đoạt được từ 2 triệu đồng trở lên. Trong trường hợp số tiền chiếm đoạt do hành vi gian dối này dưới 2 triệu thì sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội. Ngoài ra, cơ quan chức năng tịch thu tiền thu lợi bất chính do phạm tội mà có.
Mặc khác, nếu tổ chức, cá nhân biết rõ loại khẩu trang này đã qua sử dụng, không đảm bảo chất lượng an toàn mà bán cho người khác thì tùy vào hành vi cụ thể, người vi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Mua bán hàng giả hoặc tội Lừa dối người tiêu dùng. “Trong trường hợp các cơ sở bán khẩu trang đã qua sử dụng hoặc kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái mà trị giá tài sản bán ra từ 30 triệu đồng trở lên thì người vi phạm có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán hàng giả. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về tội Lừa dối người tiêu dùng (nếu hành vi lừa dối khách hàng chiếm đoạt từ 5 triệu đồng trở lên)”, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật khẳng định.
Ngày 7/2, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 155/QĐ-BTC ban hành danh mục các mặt hàng được miễn thuế nhập khẩu phục vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 (nCoV) gây ra. Theo đó, danh mục mặt hàng được miễn thuế phụ vụ phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra là: Khẩu trang y tế; các loại nước rửa tay sát trùng (chế phẩm sát trùng tay dạng gel hoặc dạng lỏng); nguyên liệu để sản xuất khẩu trang y tế gồm: Vải không dệt để sản xuất khẩu trang y tế, màng lọc kháng khuẩn để sản xuất khẩu trang y tế, dây thun để sản xuất khẩu trang y tế, thanh nẹp mũi để sản xuất khẩu trang y tế (dạng thanh/cuộn); nước sát trùng (chế phẩm diệt khuẩn dạng dung dịch); vật tư, thiết bị cần thiết khác như: bộ trang phục phòng chống dịch (gồm: Quần áo, kính, khẩu trang y tế, mũ bảo hộ, găng tay, giày...).
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị hải quan thực hiện thống nhất việc miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để phòng, chống dịch bệnh kịp thời. Bên cạnh đó, Cơ quan hải quan làm thủ tục miễn thuế nhập khẩu trong thông quan đối với hàng hóa kể trên; phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, đảm bảo việc nhập khẩu đúng mục đích miễn thuế. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu sử dụng không đúng mục đích miễn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính và pháp luật về quản lý thuế.
|
Lan Anh