Những con số “biết nói”
Ngay sau khi kết thúc bài thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có buổi họp báo đánh giá sơ bộ về công tác tổ chức kỳ thi. Theo số liệu thống kê, trong cả kỳ thi chỉ có 77 thí sinh vi phạm Quy chế thi (73 trường hợp bị đình chỉ thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 03 cảnh cáo, 01 khiển trách). Kỳ thi được đánh giá đã đạt được mục tiêu đề ra là an toàn, nghiêm túc và tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh.
Tuy nhiên, sau khi công bố kết quả thi, nhiều tỉnh có điểm thi cao bất thường. Kết quả, phát hiện 221 thí sinh gian lận về điểm, trong đó có 114 thí sinh ở Hà Giang (đã bị trả về điểm thật trước mùa tuyển sinh năm 2019); 63 thí sinh ở Hòa Bình (một thí sinh của năm 2017) và 44 thí sinh ở Sơn La. Trong số này có 6 thủ khoa, á khoa các trường đại học lớn và được nâng từ 15 đến 27 điểm.
Đọc những con số nêu trên, nhiều người không khỏi giật mình và đặt câu hỏi: Tại sao một kỳ thi quan trọng – đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp học tập của mỗi người – lại có nhiều thí sinh gian lận điểm đến thế? Và ở một kỳ thi quan trọng như vậy sao có thể nâng được nhiều điểm đến thế?... Đặc biệt, khi biết được những người nâng điểm lại chính là những người giữ chức vụ, vai trò quan trọng trong ngành Giáo dục khiến nhiều người bị sốc, gây bất bình trong dư luận.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Chiến Công
Mặc dù, những người có hành vi gian lận để nâng điểm thi đã bị bắt, khởi tố theo quy định của pháp luật nhưng sự việc này vẫn để lại dư âm xấu trong xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của ngành Giáo dục, hình ảnh đẹp của những nhà giáo chân chính. Trong đó, nhiều người mất niềm tin vào sự công bằng trong thi cử, nhất là những em học sinh đang chăm chỉ học tập, nỗ lực từng ngày để đạt được kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia, làm tiền đề thực hiện những hoài bão của mình.
Tuy đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng nó cũng là một hồi chuông gióng lên báo động nhiều vấn đề quan trọng. Trước tiên đó là đạo đức, lương tâm của những người vì sự nghiệp “trăm năm trồng người”. Từ ngàn đời xưa đến nay, trong truyền thống của người Việt, nghề giáo luôn được xã hội trọng vọng, tôn kính. Song thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh không ít trường hợp giáo viên với sự xuống cấp nghiêm trọng về đạo đức nghề nghiệp, từ đánh học sinh, bắt học sinh quỳ, uống nước giặt giẻ lau bảng, dâm ô… đến nâng điểm trong thi cử. Là một nghề “cao quý nhất trong những nghề cao quý”, nắm trong tay thế hệ tương lai của đất nước nhưng thực tại nói trên khiến chúng ta không khỏi chua xót và suy ngẫm. Phải chăng, một bộ phận không nhỏ nhà giáo đang bị “thoái hóa, biến chất”?
Mặt khác, không thể không nói đến phụ huynh – những bậc làm cha, làm mẹ luôn yêu thương con cái hết lòng nhưng nhiều người đôi khi đã quá quan trọng danh tiếng, hình ảnh, thành tích mà có những hành động sai trái dẫn đến hậu quả như trên. Nếu các phụ huynh cố gắng hiểu con mình, nắm rõ được lực học hay thay đổi quan điểm, tâm lý “phải” học đại học thì đã không xảy ra những sự việc đau lòng, đáng tiếc như việc gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 vừa qua. Bởi hiện nay hệ thống giáo dục của nước ta rất đa dạng, từ đại học, cao đẳng, trung cấp đến các trường nghề hay chuyên tu, tại chức…, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng và phù hợp với năng lực của mỗi học sinh.
Thanh tra, kiểm tra – yếu tố quan trọng góp phần hạn chế tiêu cực
Báo cáo kết quả khảo sát về kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chỉ rõ, nguyên nhân của việc gian lận, trong đó có công tác thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, sự phối hợp trong tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi thiếu chặt chẽ ở một số địa phương; Quy chế thi một số nơi thực hiện chưa nghiêm túc; việc xử lý sai phạm chưa đủ sức răn đe trước những tiêu cực gần đây.
Bộ GD&ĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 sẽ được tổ chức như các năm 2017, 2018, tuy nhiên có một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để các hạn chế, bất cập, đảm bảo tổ chức thi khách quan, an toàn, nghiêm túc, như: Điều động các trường đại học, cao đẳng đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường đại học, cao đẳng địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình; quy định chặt chẽ về sắp xếp phòng thi, nhất là đối với các thí sinh tự do; thống nhất quy trình, quy cách niêm phong, lưu trữ, bảo quản bài thi tại Điểm thi và Hội đồng thi…
Các mốc thời gian của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 (ảnh intenet)
Riêng đối với công tác thanh tra, kiểm tra, ngày 09/5/2019, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản số 1960/BGDĐT-TTr về Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử thanh tra, ông Tống Duy Hiến – Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, văn bản số 1960/BGDĐT-TTr có những điểm mới về nội dung và phương pháp thanh tra, kiểm tra. Cụ thể, Bộ đã nêu rõ những nội dung cần phải thanh tra, kiểm tra ở tất cả các khâu của kỳ thi và phương pháp thanh tra, kiểm tra cụ thể. Trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác coi thi và chấm thi; bố trí Camera giám sát 24/24 tại các phòng chấm thi, phòng bảo quản đề thi, bài thi; cụ thể hóa các nội dung liên quan đến trách nhiệm và xử lý sai phạm đối với những người tham gia thanh tra, kiểm tra thi.
Mặt khác, các Đoàn thanh tra coi thi, chấm thi của Sở GD&ĐT có sự tham gia của cán bộ cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH); thành lập Tổ giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra.
“Bên cạnh việc chỉ đạo các Sở GD&ĐT tổ chức thanh tra, kiểm tra nghiêm túc, Bộ sẽ tổ chức các Đoàn thanh tra chấm thi ở tất cả các Hội đồng thi với sự tham gia của Thanh tra Bộ, lãnh đạo Thanh tra Sở, cán bộ các đơn vị thuộc Bộ và cơ sở giáo dục đại học (Thanh tra Sở, cán bộ CSGDĐH tham gia đoàn thanh tra chấm thi của Bộ, không thanh tra tại Hội đồng thi do trường mình chủ trì chấm thi, Sở mình làm thi). Đội ngũ này sẽ được tập huấn kỹ nghiệp vụ, quán triệt kỹ về trách nhiệm, yêu cầu trước khi đi thanh tra”, ông Tống Duy Hiến cho hay.
Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Tống Duy Hiến cho rằng yếu tố con người có vai trò đặc biệt quan trọng trong quy trình vận hành, kể cả trong thanh tra, kiểm tra tại Kỳ thi (ảnh: Minh Nguyệt)
Đặc biệt, Phó Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: “Dù quy trình có chặt chẽ đến đâu cũng có thể không đem lại hiệu quả nếu con người vận hành quy trình đó thiếu ý thức trách nhiệm, thực hiện không đầy đủ nhiệm vụ được giao, vụ lợi cá nhân”.
Vì vậy, trong Hướng dẫn thanh tra, kiểm tra thi THPT quốc gia năm 2019 đã có quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn của những người tham gia thanh tra, kiểm tra thi. Đó là: (1) có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan; (2) nắm vững Quy chế thi và nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thi; (3) không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi khi có người thân (cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột; cha, mẹ, anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng) tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi tại Điểm thi có học sinh lớp 12 của trường mình tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; (4) không tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi khi đang trong thời gian bị kỷ luật hoặc đang trong quá trình xem xét trách nhiệm liên quan đến tiêu cực về thi.
Có thể thấy rằng, những hạn chế, tiêu cực trong gian lận điểm thi tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là một bài học kinh nghiệm sâu sắc về công tác chỉ đạo, triển khai tổ chức thi của Bộ GD&ĐT. Tin tưởng rằng, với những điều chỉnh trong quy trình tổ chức thi, nhất là những điểm mới về công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 theo đúng mục tiêu đề ra. Hơn nữa, tạo sự công bằng cho các thí sinh tham gia kỳ thi và tạo niềm tin cho xã hội về công tác thi cử./.
Minh nguyệt