<p>Để các nhà chung cư cũ cứ việc… tiếp tục cũ thêm, khổ sở, nguy hiểm cho những người đang ở. Tại nhiều thành phố, đặc biệt là Hà Nội, từ ba, bốn mươi năm trước hàng loạt khu nhà tập thể, của cơ quan, hay của Sở Xây dựng đã được làm rồi phân phối cho những đối tượng cán bộ, nhân viên, gia đình có công, ở không mất tiền, hoặc thuê giá rẻ, theo tiêu chuẩn chế độ bao cấp nhà ở. Loại nhà tập thể này, sau gọi theo thuật ngữ di ngôn từ Sài Gòn ra sau ngày đất nước thống nhất, là nhà chung cư. Lúc xây thì kém kỹ thuật, chưa kinh nghiệm, không ít nơi còn xây ẩu, ăn cắp bớt vật liệu, xây trên nền ruộng, ao lấp mà lại trị móng không cẩn thận. Kết quả là phần lớn đã nhanh chóng lún, nứt, xiêu nghiêng, có một số dãy nhà lún cả tầng một sâu xuống phía dưới mặt đường, người ở tầng này xây tường ngăn nước tràn vào, tát nước ra khi gặp mưa to; người ở các tầng trên không còn chỗ chui vào cầu thang, phải xây bậc đi thẳng lên tầng hai. Lúc nào người ở trong các nhà chung cư cũ cũng lo nhà đổ. Lối đi hỏng, cửa hỏng. Mất điện, mất nước, dột khi mưa, nắng rọi, gió lùa,… Khổ, lo muôn vàn nỗi, nhưng phần nhiều người ở nhà chung cư cũ đều nghèo không thể đi mua chỗ ở khác. Cũng không thể mỗi hộ tự xây, sửa lại nhà vì đây là chung cư, tường chung tường, tầng nối tầng. Đành phải trông mong vào quy trình: chủ trương thì là nhà nước, chỉ đạo tiến hành là chính quyền địa phương, thi công tái thiết là các công ty xây dựng, quốc doanh hay tư doanh, đều không được cấp vốn từ ngân sách. Mà họ phải tự tìm tiền đầu tư, cũng không thể trông vào các hộ đang ở trong chung cư cũ.</p><p><div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/huyentt/2015_3/chung_cu.jpg" width="500px"></div><div style="color: #666666;font-size: 11px;line-height: 18px;text-align: center;font-style:italic;">Ảnh minh họa</div></p><p>Bàn với dân việc rỡ đi xây lại đã khó, đã phải kiếm chỗ cho họ ở tạm, hay thoả thuận cấp tiền cho họ tự đi thuê, chuyển đi để chủ đầu tư còn phá cũ, xây mới, nhanh chóng trả lại đúng tầng, đúng diện tích căn hộ cho hộ, không lấy một đồng tiền nào, trừ diện tích họ muốn tăng thêm. Tiền vay ngân hàng, lãi suất gần đây mới giảm, chứ nhiều năm trước rất cao, vay đã khó trả cả vốn lẫn lãi, càng khó vì riêng phần xây rồi trả nhà cho các căn hộ, đã chẳng thu được đồng nào, lấy gì đền bù vào chỗ đó? Rồi đã đầu tư, kinh doanh, chủ đầu tư cũng phải thu lợi nhuận ít, nhiều chứ. Chỉ có cách là chồng cho nhà cao lên, lấy tiền bán những căn hộ xây thêm đó mà bù chi, mà có chút lãi. Vào khi thị trường bất động sản đang sôi động, nhà làm ra dễ bán, giá đang leo cao, thì nhà đầu tư tái thiết chung cư cũ có thể tính toán như thế. Một số công ty xây dựng đã vào cuộc, các dự án tái thiết những khu chung cư lớn ở Hà Nội như Nguyễn Công Trứ, Quỳnh Mai, Kim Liên, Thành công, Giảng Võ,…đã được chính quyền hoạch định. Đã bắt đầu tái thiết được mấy dãy nhà ở Kim Liên, Giảng Võ, thì gặp phải quyết định của nhà nước giới hạn chiều cao các nhà chung cư cũ xây mới lại, chủ yếu là giữ nguyên số tầng như cũ. Lý do đưa ra cũng đúng vì phải giãn dân cư, không xây thêm nhiều tầng, thêm căn hộ tức đông thêm dân ở, đông xe, đông người, đã khó đáp ứng các nhu cầu về đời sống, lại gây ách tắc giao thông. Nhưng không cho xây thêm tầng, lấy đâu tiền rỡ nhà đi xây nhà mới trả vừa hết số diện tích của cho các hộ trong chung cư? Rồi cứ y như là phúc bất trùng lai, họạ vô đơn chí, các công ty định tái thiết chung cư lại gặp thêm cảnh thị trường bất động sản sau sôi động, đắt hàng như tôm tươi, rói xuống ế ẩm, trầm lắng, đóng băng. Các nhà đầu tư đành chắp tay lạy thánh mớ bái, rút lui khỏi các dự án toan tái thiết các nhà chung cư. </p><p>Đã tưởng việc tái thiết chung cư chỉ còn là chuyện toan lo, toan tính của muôn năm cũ. Nào ngờ sang năm 2015 này, Bộ Xây dựng lại lấy ý kiến cho chủ trương, biện pháp tái thiết nhà chung cư. Do xuất phát từ những chủ trương, chính sách mới của Nhà nước nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế, chăm lo hơn đến đời sống nhân dân? Hoặc do thị trường bất động sản đang ấm nóng lại, nhà ở có sức tiêu thụ, doanh nghiệp và chính quyền lại nghĩ đến việc tái thiết các chung cư cũ? Có lẽ là do cả hai. Nhưng để tái thiết, cái gốc vấn đề vẫn là, để có tiền xây lại nhà cũ, không thể khác là phải xây thêm tầng, có thừa căn hộ đem bán. Trong Dự thảo, Bộ Xây Dựng đưa đề xuất: căn cứ tình hình của từng khu vực, chính quyền cấp tỉnh, thành phố có thể cho phép chủ đầu tư dự án xây dựng lại nhà chung cư được phép điều chỉnh tăng hệ số sử dụng đất tối thiểu gấp 3 lần hệ số sử dụng đất theo quy hoạch cũ, không hạn chế chiều cao công trình nếu không trái với quy hoạch của khu vực dự án. Khuyến khích quy hoạch xây dựng các không gian ngầm để sử dụng vào mục đích công cộng, song không tính diện tích công trình ngầm vào hệ số sử dụng đất nêu tại khoản này. Cũng mở rộng loại doanh nghiệp tham gia, gồm doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoạt động đầu tư tại Việt Nam, hợp tác xã. Khi là chủ đầu tư dự án tái thiết chung cư cũ, doanh nghiệp được vay vốn ưu đãi của các tổ chức tài chính, tín dụng, được áp dụng thuế suất như đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, thấp hơn nhiều so với xây dựng nhà thương mại. Cơ hội tái thiết chung cư càng rộng mở khi, hôm mùng 5 tháng 3 mới rồi, làm việc với Lãnh đạo thành phố Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý với đề xuất cho nâng cao thêm tầng chung cư cũ tái thiết tại một số khu vực.</p><div style="text-align: right;"><b>Trung Vũ</b></div>