Luận đàm về nâng cao tính đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí

Thứ bảy, 16/03/2024 07:25
(ThanhtraVietNam) - Tính đảng và tính định hướng báo chí là vấn đề được nhiều ý kiến chuyên gia, nhà nghiên cứu báo chí tham gia luận đàm.

Báo chí dữ liệu và chiến lược nội dung vượt trội gợi mở nhiều giải pháp cho các cơ quan báo chí

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ấn tượng với nhiều sản phẩm của Tạp chí Thanh tra

Miss Universe Việt Nam 2023 tham quan gian trưng bày Tạp chí Thanh tra

Tạp chí Thanh tra tham gia Hội báo toàn quốc có quy mô lớn nhất từ trước tới nay

Đẩy mạnh công tác phối hợp trong truyền thông chính sách pháp luật

Yêu cầu cấp thiết của việc nâng cao tính đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí

Theo nhận xét từ Báo cáo công tác báo chí năm 2023 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024, trong tồn tại, hạn chế của công tác này thì tỷ lệ bài viết có tính chuyên sâu, chuyên ngành của nhiều tạp chí, nhất là trên loại hình điện tử, trong nhiều thời điểm chưa cân đối với số tin, bài đăng tải; nhiều tạp chí điện tử, loại hình điện tử của tạp chí vẫn thể hiện xu hướng thông tin sự kiện, dẫn đến thông tin không phù hợp tôn chỉ mục đích, tỉnh chất hoạt động của tạp chí.

Vẫn còn có thông tin chưa bám sát chỉ đạo, định hướng của cơ quan chức năng, thông tin thiếu nhạy cảm ảnh hưởng đến công tác đối ngoại, có những vụ việc thông tin báo chí khai thác đậm nét song chưa thể hiện đúng bản chất dẫn đến dư luận có hoài nghi.

Đối với phát thanh, truyền hình: Chưa có nhiều chương trình thật sự hấp dẫn, có tính phát hiện, định hướng có chiều sâu... việc đầu tư cho các chương trình nghệ thuật phục vụ chính trị còn hạn chế”. “Dấu hiệu “báo hoá” tạp chí vẫn còn thể hiện, nhất là việc cử phóng viên tác nghiệp, thu thập tư liệu về những lĩnh vực không phù hợp tôn chỉ, mục đích...

Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng Ngô Minh Tuấn cho rằng, những nhận xét, đánh giá trên chứng tỏ vấn đề nâng cao tính đảng, tính định hướng trong hoạt động báo chí đang trở thành một yêu cầu cấp thiết, cần có những giải pháp hữu hiệu, khả thi để khắc phục tình trạng trên trong hoạt động báo chí.

Báo chí cách mạng là phải đi đúng theo đường lối của Đảng

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Các tờ báo phải lấy "chính trị làm chủ". Hiểu “chính trị làm chủ” theo ý Bác Hồ là mục tiêu chính trị cụ thể, mục đích chung của Đảng, đất nước, dân tộc trong từng thời kỳ cách mạng.

Đảng ta là một Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do vậy, báo chí cách mạng là phải đi đúng theo đường lối của Đảng, phục vụ cho hoạt động lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Đó chính là tính đảng trong hoạt động báo chí ở nước ta. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh, bậc thầy của báo chí cách mạng đã căn dặn người viết báo: Khi cầm bút, phải tự trả lời mấy câu hỏi: Viết cái gì? Viết cho ai? Viết để làm gì? Và cuối cùng mới là viết như thế nào?

Tính đảng trên báo chí chí thể hiện ở chỗ: Qua mỗi tin, bài, người đọc có thể cảm nhận được tính đúng đắn, tính khoa học, tính cách mạng trong các nghị quyết của Đảng; đồng thời, qua những tin, bài đăng trên báo chí, người đọc có thể thấy được những tấm gương sáng có thể học tập và làm theo, thậm chí, mỗi cán bộ, đảng viên có thể cảm nhận được dáng dấp của cơ sở, địa phương và bản thân mình trong đó, báo chí đã chia sẻ, nói hộ mình, chỉ giúp cho mình những kinh nghiệm hay, những cách làm tốt...

Thông tin trên báo chí không chỉ là giúp cho đối tượng bạn đọc hiểu biết chủ trương, đường lối của Đảng, mà quan trọng hơn, là giúp cho đối tượng đọc của mình hiểu đúng bản chất sự việc của chủ trương, đường lối đó, nói như Bác Hồ “Nó phải làm nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng", từ đó nâng cao nhận thức, nâng tầm trí tuệ, bồi dưỡng đạo đức, thúc đẩy hành động; hướng lý tưởng người đọc tới mục tiêu vươn tới của Đảng. Theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đó chính là việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Việc tuyên truyền, đưa các quan điểm, chủ trương của Đảng vào cuộc sống nói riêng được thể hiện trên nhiều phương diện, không chỉ thể hiện ở hình thức trình bày của báo chí, mà quan trọng hơn là thể hiện ở cách tiếp cận vấn đề, giải quyết vấn đề, cách thể hiện nội dung tư tưởng trong các tin, bài. Tính đảng của báo chí trước hết thể hiện ở chỗ giải đáp được một cách có luận cứ khoa học sâu sắc và có sức thuyết phục về những nội dung cơ bản của chủ trương, nghị quyết của Đảng. Đồng thời, biết gợi mở, nêu vấn đề, tạo ra bầu không khí dân chủ trong thảo luận, phát huy trí tuệ tập thể trong học tập, quán triệt nghị quyết, góp phần làm sáng tỏ đường lối, quan điểm của Đảng, phát triển, bổ sung lý luận cách mạng. Đồng thời, báo chí phải thỏa mãn ngày càng tốt hơn yêu cầu của bạn đọc bằng những tư liệu chọn lọc, những bài viết đúng đắn, thể hiện sâu sắc, nhuần nhuyễn quan điểm, lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng ta về tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và ngay chính trong công tác xây dựng Đảng.

Báo chí còn phải đóng góp vào việc tổng kết lý luận và thực tiễn về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; tổng kết việc thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng trong từng lĩnh vực, từng giai đoạn cách mạng.

Luôn tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích là cơ sở hàng đầu để báo chí giữ vững tính định hướng

Cũng theo nghiên cứu của Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng, tính định hướng là yêu cầu có tính nguyên tắc, là chức năng, nhiệm vụ cơ bản, đồng thời là sinh mệnh chính trị của báo chí ở Việt Nam. Tính định hướng của báo chí không chỉ thể hiện ở việc đăng toàn văn hay trích đoạn các chỉ thị, nghị quyết, mà thể hiện một cách sinh động trên nhiều phương diện, ở nhiều góc độ trong khuôn khổ các nội dung tin, bài và hình thức trình bày. Tính định hướng trên báo chí có thể được thể hiện ở những bài viết chính luận, giới thiệu quán triệt nghị quyết, nhưng cũng có thể được thể hiện ở những tin, bài ngắn, đề cập tới những vấn đề rất nhỏ nhặt của đời sống, những suy nghĩ, ý kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhằm tuyên truyền đưa nghị quyết vào cuộc sống cũng như thể hiện sự đồng thuận với chủ trương, đường lối của Đảng.

Định hướng ở đây là định hướng tư tưởng chính trị với nền tảng là Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng.

Tính định hướng là phương hướng hoạt động của báo chí bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, đáp ứng yêu cầu của cấp ủy các cấp của mỗi thời kỳ.

Báo chí bám sát những văn bản chỉ đạo của Trung ương mới nhất để cung cấp những thông tin có tính thời sự nhất, chính thống nhất.

"Sẽ là phiến diện nếu quan niệm định hướng chỉ là truyền đạt, chuyển tài “Ý kiến chỉ đạo” của cấp trên xuống cấp dưới. Định hướng đúng nghĩa phải là cung cấp thông tin đầy đủ, chân thực, góp phần xây dựng niềm tin (có căn cứ) và hành động (chủ động, tự giác) cho đối tượng. Định hướng do đó không thể chỉ là một chiều từ trên xuống, mà còn từ dưới lên, từ thực tiễn (đang được nhận thức) đối với cả trên lẫn dưới. Không “định hướng” gò ép, “đèo chân cho vừa giày" khi có sự vênh nhau giữa chủ trương và thực tiễn, giữa nói và làm, giữa bức tranh được vẽ ra và cuộc sống thực", Nhà báo Ngô Minh Tuấn phân tích.

Tính định hướng của báo chí cũng không chỉ thể hiện ở mục tiêu nâng cao nhận thức, định hướng tư tưởng cho người đọc, mà quan trọng hơn là định hướng hành động, là nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn của các cấp uỷ, tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên và cả hệ thống chính trị. Mục tiêu tính định hướng của báo chí là biến các chủ trương, nghị quyết của Đảng thành thực tiễn sinh động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo thành các phong trào hành động cách mạng của quần chúng, là thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Cũng theo Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng, một trong những cơ sở hàng đầu để báo chí giữ vững tính định hướng là luôn tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích của từng báo, tạp chí. Trong mọi hoạt động của mình, các báo, tạp chí phải thể hiện đúng chức năng tuyên truyền, là diễn đàn về từng lĩnh vực theo đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị từng thời kỳ.

leftcenterrightdel
 

Tính định hướng cần được thể hiện ở hai góc độ: Một là, phải luôn luôn đứng trên quan điểm của Đảng để nhìn nhận, phản ánh và giải quyết vấn đề mà báo chí đề cập. Dù đó là bài viết của một cá nhân, nhưng khi báo chí đăng, có nghĩa là đã đồng tình ủng hộ quan điểm của người viết (trừ những bài đăng trong mục trao đổi ý kiến mà một số báo chí thường làm, đưa những ý kiến trái chiều để rộng đường dư luận). Hai là, trước một vấn đề, vụ việc cụ thể đang có ý kiến khác nhau thì báo chí cần nêu chính kiến của mình, cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan với lý lẽ xác đáng để giúp bạn đọc hiểu rõ bản chất của sự việc, từ đó góp phần định hướng tư tưởng và ổn định dư luận xã hội. Đây mới là vấn đề khó, cần sự nhanh nhạy và có trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng của người viết cũng như người duyệt bài để đăng.

Tính định hướng còn thể hiện ở sự tích cực đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận: Công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo đã giành được những thành tựu rực rỡ được bạn bố quốc tế ghi nhận. Tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, đời sống Nhân dân ngày càng được cải thiện; thế trận quốc phòng - an ninh ngày càng vững chắc. Những thành tựu đó củng cố niềm tin của Nhân dân vào đường lối phát triển đất nước của Đảng; khẳng định trên thực tế vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam..../.

PV (Lược ghi ý kiến tham luận của Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng trong khuôn khổ Hội báo toàn quốc 2024)
Ý kiến bình luận
Họ và tên *
Email *
Nội dung bình luận *
Xác thực *

Bản quyền thuộc Tạp chí Thanh tra