<p>Rồi đến một lúc kia bùng phát cuộc cách mạng khoa học công nghệ, sự sản xuất vật chất, nhất là sản xuất công nghiệp đã luôn đi kèm với công nghệ, máy móc và nước nào chậm vận dụng, hay ì ạch trong việc đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc thì nền kinh tế nước ấy tất sẽ lạc hậu, yếu kém. Vào vài ba thế kỷ cận kề với thế kỷ XXI này, khi nhiều nước châu Âu đã rất phát triển khoa học công nghệ và sử dụng máy móc vào sản xuất, một số nước khác, trong đó có nước ta, hầu như là vẫn chưa biết gì về công nghệ văn minh và máy móc công nghiệp. Các vua triều Nguyễn cực kỳ bảo thủ, lạc hậu, luôn chủ trương bế quan toả cả</p><div>trước mọi ảnh hưởng của văn minh khoa học các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước Tây Âu, nên cách thức sản xuất ở nước ta vẫn luôn chỉ là con trâu đi trước cái cày đi sau, người lao động vô cùng cực nhọc song vẫn chỉ hai tay vày lỗ miệng, dân số chưa đông, nền kinh tế mãi là tự cung tự cấp mà đâu có đủ ăn. Thời đó, họa hoằn có ông quan nào phải đi sứ nước ngoài thì đứng trố mắt nhìn không hiểu làm sao đèn điện lại có thể cháy ngược, máy móc cứ chạy ào ào, mỗi cái máy thay cho hàng chục người làm mà hàng hoá làm ra lại vừa nhiều, vừa rất đẹp. Một nội dung quan trọng trong các biểu trần tình của ông Nguyễn Trường Tộ trình lên vua nhà Nguyễn là xin cử người sang châu Âu học công nghệ của họ rồi đem về vận dụng vào sự sản xuất trong nước, song buồn thay đã không được nhà vua nghe theo. <div style="text-align: center;"><img alt="" src="http://file.thanhtravietnam.vn/data/old_img/Portals/0/NEWS_IMAGES/huyentt/2014_12/u_noi.jpg" width="500px"></div><div style="color: rgb(102, 102, 102); font-size: 11px; line-height: 18px; text-align: center;"><span style="color: rgb(0, 0, 0); font-family: Arial, Helvetica, sans-serif; font-size: 12px; font-variant: normal; line-height: 21px; text-align: left;"><i>Vinaline mua ụ nổi cũ rồi tính giá cao vọt lên để chia nhau tiền tỉ</i></span><br></div></div><div><br></div><div>Nhớ lại lịch sử một thời để mừng cũng như để suy nghĩ, liệu lo thêm cho sự sản xuất của nước ta hôm nay. Mừng vì cho đến nay, ta đã vận dụng được phần nào khoa học công nghệ, lắp đặt máy móc vào sản xuất. Lo vì về nhiều phương diện hãy còn bất cập, lạc hậu lắm. Để có công nghệ, máy móc, vừa phải tự mình nghiên cứu, làm ra, vừa phải nhập của nước ngoài. Riêng về việc nhập khẩu công nghệ, thiết bị máy móc mà nói, nước ta vào lúc sơ khởi ban đầu, hãy còn quá thiếu nên cần nhập nhiều, lại thiếu kinh nghiệm, chưa đủ kiến thức về công nghệ, máy móc và sự tinh khôn trong hội nhập, nên cái gì cũng nhập, chọn đồ cũ cho rẻ. Thành ra đem về phần nhiều đều là công nghệ lạc hậu, máy móc đã qua sử dụng. Họ bán đổ bán tháo cho ta để họ sử dụng công nghệ cao, lắp đặt máy móc mới, vừa thu được tiền, vừa đỡ mất công xử lý rác thải. Còn ta rước về, kết quả là công nghiệp cũ kỹ, máy móc ỳ ạch, năng suất thấp, sản phẩm làm ra chất lượng kém, bán giá rẻ cũng chẳng mấy người mua, kiểu như nhà máy xi măng lò đứng, một số nhà máy bông vải sợi; có nhà máy đường mua máy cũ của Trung Quốc, về thiếu thiết bị, không lắp đặt được, đành xếp vào kho. Tệ hại hơn là một số nhà máy cũ ta mua về khi lắp đặt, vận hành chẳng những rất tốn năng lượng, thua thiệt về kinh tế, lại còn gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường, điển hình như nhà máy nhiệt điện Ninh Bình từng phủ đặc bụi than phố phường và làng xóm liền kề.</div><div><br></div><div> Không thể cứ để xảy ra mãi tình trạng nhập khẩu một cách ồ ạt công nghệ cũ kỹ, máy móc thiết bị đã qua sử dụng, cần phải xem xét lại, có các biện pháp quản lý, quy định cụ thể, vì khác với các đồ cổ văn hoá nghệ thuật càng cũ càng quý, máy móc càng cũ càng bất lợi, gây hại, đi ngược lại xu thế công nghệ xanh, kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Đó là chưa nói đến việc lợi dụng mua máy móc cũ giá rẻ, về khai khống lên để tham ô tiền công quỹ, vốn ngân sách, như vụ Dương Chí Dũng chỉ đạo Vinaline mua ụ nổi cũ rồi tính giá cao vọt lên để chia nhau tiền tỉ. Chính vì thế, Chính phủ đã giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương và một số bộ khác quản lý chất lượng hàng nhập khẩu. Trên tinh thần chung là ngăn chặn rác thải công nghệ, máy móc thiết bị tràn vào nước ta và thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 20 quy định việc nhập khẩu máy móc thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện Thông tư này lại vấp phải sự phản ứng của một số doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI hay nhập khẩu thiết bị cũ vào Việt Nam. Vướng mắc chính ở việc thực hiện Thông tư 20 là tính khả thi, làm sao hiểu cho rõ và đúng khái niệm thế nào là thiết bị lạc hậu cả về tuổi đời lẫn đánh giá chất lượng còn lại của thiết bị cũ. Các thiết bị nhập khẩu phải qua cơ quan tổ chức kiểm định để đánh giá chất lượng, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và sự tiêu tốn năng lượng. Nhưng thực hiện việc này rất khó, do tổ chức mạng lưới giám định và cán bộ chuyên trách làm công tác này còn thiếu, yếu cả về số lượng, chất lượng, khó đạt yêu cầu. Phần khác, để xác định được chất lượng, độ cũ, mới trong khâu tiền kiểm thì phải lắp ráp và vận hành thiết bị công nghệ, song sẽ tốn kém chi phí cho doanh nghiệp. Còn nếu hậu kiểm, gặp trường hợp nhập khẩu công nghệ, máy móc không thực hiện đúng quy định, phải tháo dỡ, tái xuất, sẽ chẳng dễ gì và càng tốn kém. Vì vậy phải quy định cách thức thế nào cho phù hợp, hiệu quả. </div><div><br></div><div>Tất cả những điều trên là lý do phải lấy ý kiến để bổ sung, chỉnh sửa, hoàn thiện trong quý I năm 2015, sau đó Thông tư 20 sẽ ban hành trở lại để tránh Việt Nam trở thành bãi rác, Bộ khoa và Công nghệ, cũng sẽ có các biện pháp đi kèm nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu các công nghệ, thiết bị quá cũ vào Việt Nam. Cùng với đó cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ và áp dụng những tìm tòi, phát minh mới vào ngay sản xuất, thông qua việc đưa Nghị định 115 và Nghị định 80 của Chính phủ đi vào đời sống, tạo thuận lợi cho nghiên cứu khoa học công nghệ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Từ năm 2015, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật về khoa học công nghệ, hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp, tăng cường liên kết giữa viện, trường và doanh nghiệp trên cơ sở chuyển đổi các tổ chức khoa học công nghệ công lập sang cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm, phát triển thị trường khoa học công nghệ, chuyển giao theo giá cả thoả thuận các công nghệ mới cho các nhà máy.</div><div> </div><div style="text-align: right;"><b> Trung Vũ</b></div><div><br></div>